img
Khát vọng đế chế kinh doanh khổng lồ mang tên Việt Nam nhìn từ những giải pháp được “may đo” cho người Việt - Ảnh 1.
Khát vọng đế chế kinh doanh khổng lồ mang tên Việt Nam nhìn từ những giải pháp được “may đo” cho người Việt - Ảnh 2.

Ngày 14/4/2020 được xem là mốc đáng nhớ cho các nước ASEAN cũng như Việt Nam. Bởi đại dịch Covid-19, lần đầu tiên trong lịch sử 50 năm, hội nghị cấp cao khu vực được tổ chức bằng hình thức trực tuyến với sự tham gia của lãnh đạo 13 nước, Tổng thư ký ASEAN và TGĐ Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Thực tế trong suốt chiều dài phát triển của khối này, chưa bao giờ cuộc họp cấp cao được diễn ra online, kể cả năm 2003, khi đối diện với SARS.

Việt Nam trong vai trò là Chủ tịch ASEAN đã tổ chức tốt Hội nghị. Điểm đặc biệt, toàn bộ hệ thống công nghệ cho hội nghị đều không đến từ bất cứ đơn vị cung cấp nước ngoài nào. Hệ thống được sử dụng là thuần Việt – Vroom do Tập đoàn Viettel phát triển.

Vroom nếu đặt cạnh những cái tên như Zoom, GoToWebinar, WebexMeet, MicrosoftTeam... có vẻ hơi lạ lẫm. Tuy nhiên, chất lượng của hệ thống này thì không hề kém cạnh.

"Đó là sự tiến bộ vượt bậc về công nghệ của chúng ta", ông Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao) hồ hởi nói sau khi Hội nghị lịch sử. Ông không giấu giếm niềm tự hào khi một công ty Việt Nam xây dựng một nền tảng cũng như xử lý mọi vấn đề để sự kiện diễn ra trôi chảy.

"Các chuyên gia quốc tế về công nghệ thông tin cùng tham gia tổ chức đánh giá rất cao chất lượng hệ thống họp trực tuyến, cơ sở hạ tầng kỹ thuật", ông Hồ nhấn mạnh.

Vroom chỉ là một trong số những sản phẩm được Viettel đẩy mạnh trong thời gian gần đây phục vụ cho nhu cầu của thị trường khi dịch Covid-19 bùng phát. Bên cạnh hệ thống hỗ trợ làm việc trực tuyến, Viettel còn khai trương Telehealth – nền tảng khám chữa bệnh từ xa ngay trong tâm dịch... – điều mà PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: "Đó là cánh tay thứ 3 của các bác sĩ".

Khát vọng đế chế kinh doanh khổng lồ mang tên Việt Nam nhìn từ những giải pháp được “may đo” cho người Việt - Ảnh 3.

Về bản chất, những ứng dụng kể trên Viettel không mới về ý tưởng với thế giới và có thể đã từng xuất hiện đâu đó tại Việt Nam.

Nhưng thường Viettel sẽ là đơn vị có thời gian nghiên cứu tỷ mỉ, tìm tòi về công nghệ, nhu cầu của người sử dụng để đưa ra phiên bản tốt nhất, phù hợp nhất với người Việt. Những sản phẩm này thường được ghi nhận: hàng nội nhưng tính chất lượng tương đương hàng ngoại, lại còn được thiết kế đúng cho các nhu cầu đặc thù của Việt Nam.

Ví dụ như Telehealth, nền tảng này được Viettel nghiên cứu trong 5 năm với sự tham gia của nhiều bên đối tác. Điểm đặc biệt của hệ thống này là mang tính chất tập trung, đóng gói tất cả các giải pháp để tạo thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho công tác khám chữa bệnh từ xa. Theo các chuyên gia trong ngành y tế, phần chuẩn đoán hình ảnh, theo dõi phim CT dựng bằng mô hình 2D, 3D do Viettel làm ra có chất lượng không hề kém cạnh với các ứng dụng của thế giới.

Đặc biệt hơn, Viettel đã tính đến phương án hợp tác để sản xuất ra các thiết bị IoT, thiết bị y tế phục vụ thăm khám, đo chỉ số cá nhân tại gia đình với chất liệu, giá thành rẻ tương đương một chiếc smartwatch để hàng triệu người Việt tiếp cận được.

Ngay từ thời điểm ra mắt, Telehealth đã sẵn sàng để triển khai tại 14.000 cơ sở y tế trên cả nước.

Khát vọng đế chế kinh doanh khổng lồ mang tên Việt Nam nhìn từ những giải pháp được “may đo” cho người Việt - Ảnh 4.
Khát vọng đế chế kinh doanh khổng lồ mang tên Việt Nam nhìn từ những giải pháp được “may đo” cho người Việt - Ảnh 5.

Thực tế, thời gian gần đây, Viettel liên tục tấn công vào những mảng thị trường khó vốn được người sử dụng tin rằng là lãnh địa của những doanh nghiệp, tập đoàn lớn nước ngoài.

Nếu như các sản phẩm được cung ứng cho thị trường mùa Covid-19 này khiến người tiêu dùng an tâm về chất lượng, giá thành và tính phù hợp thì trong quá khứ, Viettel từng có những sản phẩm khiến người Việt tự hào khi vượt trội so với thế giới.

Tháng 11/2019, Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) đã cấp bằng bảo hộ độc quyền cho Viettel với sáng chế "Phương thức phân chia dữ liệu ngẫu nhiên trong các hệ thống phân tán đa vi xử lý" bởi chưa từng được tìm ra và triển khai trên toàn thế giới. Tác giả của sáng chế là 4 kỹ sư người Việt, trong đó, 3 người được đào tạo trong nước.

Sáng chế này đã được vận dụng vào xây dựng Hệ thống tính cước thời gian thực vOCS – "trái tim nhà mạng". Giúp Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia sản xuất được OCS.

Khát vọng đế chế kinh doanh khổng lồ mang tên Việt Nam nhìn từ những giải pháp được “may đo” cho người Việt - Ảnh 6.

Với hệ thống này, Viettel có khả năng cung cấp cho mỗi khách hàng một gói cước thời thời gian triển khai ngắn hơn rất nhiều so với các hệ thống có cùng tính năng và khả năng mở rộng hệ thống dễ dàng, kinh tế mà không ảnh hưởng đến dịch vụ đang cung cấp. Đặc biệt, vOCS do Viettel phát triển là hệ thống tính cước theo thời gian thực đã được triển khai có dung lượng lớn nhất thế giới (24 triệu thuê bao/site).

Thông qua các kết quả mà Viettel làm được, doanh nghiệp này đang dần thuyết phục thị trường rằng các sản phẩm công nghệ Việt Nam, do người Việt làm ra có thể cạnh tranh sóng phẳng với hàng ngoại.

Theo báo cáo mới nhất của Brand Finance, giá trị thương hiệu của Viettel đứng số 1 ở Đông Nam Á, thứ 9 châu Á và thứ 28 thế giới. So với năm 2019, thứ hạng của Viettel đã tăng 9 bậc. Giá trị thương hiệu của Viettel được định giá 5,8 tỷ USD. Viettel cũng xếp trên nhiều nhà viễn thông lớn nhất có tên trong danh sách như SK Telecoms (Hàn Quốc), Airtel (Ấn Độ), Singtel (Singapore)... và đã vào Top 30 thương hiệu viễn thông thế giới.

Khát vọng đế chế kinh doanh khổng lồ mang tên Việt Nam nhìn từ những giải pháp được “may đo” cho người Việt - Ảnh 7.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành, Việt Nam được coi là thị trường màu mỡ về công nghệ khi có độ trễ nhất định so với thế giới. Thường thì một sản phẩm công nghệ khi phổ biến ở nước ngoài để phổ cập ở Việt Nam sẽ mất từ 5 – 10 năm. Điều này được minh chứng qua công nghệ 2G, 3G trong quá khứ.

Với đặc điểm dân số lớn, gần 100 triệu dân, đang ở trong thời kỳ phát triển vàng, hạ tầng Internet phổ cập, Việt Nam được xem là mảnh đất màu mỡ của các doanh nghiệp ngoại khai thác.

Đó từng là Yahoo, Google... và hiện giờ là Facebook, Uber, Grab, TikTok... Tất cả đều được người Việt chào đón một cách nồng nhiệt.

Khát vọng đế chế kinh doanh khổng lồ mang tên Việt Nam nhìn từ những giải pháp được “may đo” cho người Việt - Ảnh 8.

Thời gian này, các doanh nghiệp công nghệ trong nước còn yếu về cả quy mô, tiềm lực nên hoặc không thể đưa ra sản phẩm, hoặc sản phẩm không có tính cạnh tranh, buộc phải rút lui khỏi thị trường sau một thời gian chật vật tìm chỗ đứng. Nhưng nếu không làm gì, thì Việt Nam sẽ chỉ là mảnh đất màu mỡ cho người ngoài.

Tuy chào đón và sử dụng thoải mái các ứng dụng ngoại nhưng tự thân người Việt, trong tâm tư luôn muốn có được một thương hiệu về công nghệ như người Mỹ có Microsoft, Apple, Facebook, người Trung Quốc có Tencent, hay Malaysia cũng có thể tự hào có Grab. Tâm trạng này giống như sự háo hức nhìn với theo những chiếc ô tô thương hiệu Việt đầu tiên lăn bánh, đẹp đẽ không kém những chiếc BMW, Ford, Toyota...

Khát vọng đế chế kinh doanh khổng lồ mang tên Việt Nam nhìn từ những giải pháp được “may đo” cho người Việt - Ảnh 9.

Trong những năm gần đây, Viettel đang nổi lên như là một hiện tượng đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực, nhất là trong giai đoạn Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp 4.0, phát triển các doanh nghiệp ICT.

Dù vậy, không có gì là tự nhiên cả. Trong hành trình 30 năm của tập đoàn này, họ luôn chọn những thứ chưa ai dám làm, hoặc tấn công vào mảng, miếng của các ông lớn theo cách riêng.

TS. Mai Liêm Trực (nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông) đến nay vẫn nhớ như in những lời than vãn của doanh nhân, chuyên gia quốc tế khi đến Việt Nam hồi cuối những năm 90 vì chi phí viễn thông quá đắt.

Khi đó, một chiếc điện thoại kèm sim có giá bằng nửa chiếc xe máy. Để kết nối di động, phải mất 200 USD tiền thuê bao, cộng thêm vào chục USD trả phí,...mức giá "khủng khiếp" ngay cả với người nước ngoài.

Thị trường viễn thông của Việt Nam giai đoạn năm 1995 trở về trước là "sân chơi" độc quyền. Viettel lúc này là một "anh lính mới toe", chuyên đi đi kéo cáp, dựng cột, cung cấp dịch vụ điện thoại nội bộ quân đội... thiếu đủ thứ từ hạ tầng, vốn liếng lại muốn thay đổi cục diện.

Cuối cùng, họ đã đã tìm ra dịch vụ VoIP để có thể cung cấp dịch vụ viễn thông. Và kể từ khi chính thức ra mắt năm 2000, dịch vụ điện thoại giao thức Internet VoIP 178 đã mở ra một cuộc cách mạng về giá cước viễn thông, biến dịch vụ vốn chỉ dành cho người giàu trở thành thứ dành cho mọi người.

Hay như ở hiện tại với thị trường thanh toán điện tử, khi mà các ông lớn nước ngoài và cả trong nước tập trung vào vào bộ phận dân thành thị, sử dụng smartphone thì Viettel lại hướng đến bao trọn cả thị trường nông thôn. Nền tảng ngân hàng số ViettelPay được phát triển để người chỉ có điện thoại cục gạch, không cần dùng đến Internet, thậm chí không sử dụng mạng Viettel cũng có thể sử dụng được.

Nhưng ViettelPay chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh thanh toán số mà Viettel hướng đến. Tập đoàn này cũng đang có những kế hoạch lớn với mobile money (tiền di động) – sản phẩm đang là xu hướng của toàn thế giới. Trong lúc chờ khung pháp lý ở Việt Nam, Viettel đã thử nghiệm và triển khai mobile money thành công ở các nước châu Phi và các nước trong Đông Nam Á như Myanmar.

Nhờ vậy, ngay khi mobile money được cấp phép thì hàng triệu thuê bao tại Việt Nam có thể sử dụng được ngay, phủ từ thành thị đến nông thôn. Điều này sẽ giúp cho Việt Nam bắt kịp xu hướng chung của thế giới, đồng thời, chiếm ưu thế trước các đối thủ ngoại, nếu muốn tấn công vào mảng thị trường này.

Tựu chung, cách làm của Viettel thường được kết hợp bởi 2 yếu tố: cách làm, công nghệ mới được vận dụng sáng tạo và "Việt hoá" phù hợp với đại đa số người Việt. Quan điểm của doanh nghiệp là sản phẩm cho mọi người, không ai bị bỏ lại phía sau.

Khát vọng đế chế kinh doanh khổng lồ mang tên Việt Nam nhìn từ những giải pháp được “may đo” cho người Việt - Ảnh 11.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp ngày 9/5 đã trăn trở rằng Việt Nam dù rằng đã có nhiều doanh nghiệp lớn nhưng vẫn chưa có cái tên nào lọt vào top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Ông đặt câu hỏi: Liệu đến năm 2045, tròn 100 năm lập quốc, Việt Nam có thể có doanh nghiệp tầm cỡ thế giới hay không?

Theo ông, 25 năm là đủ để xuất hiện những đế chế kinh doanh khổng lồ mang tên Việt Nam, "Made in Vietnam" bởi nhìn vào quá khứ, đó là quãng thời gian để Facebook, Alibaba, Google từ vô danh phủ sóng toàn cầu.

Giải quyết bài toán thị trường chính là cách duy nhất để đưa một công ty trở thành khổng lồ. Tham vọng của Thủ tướng cũng sẽ chỉ có thể thành hình từ việc các doanh nghiệp trong nước phục vụ tốt thị trường nội địa trước.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp cũng rất cần sự ủng hộ từ chính những người mà họ hướng đến. Bởi một bàn tay sẽ không vỗ lên thành tiếng. Người Việt nếu muốn được bản thân có một thương hiệu Việt để tự hào, việc đầu tiên hãy cho doanh nghiệp có cơ hội để được phục vụ.

Và như Thủ tướng kêu gọi về đế chế kinh doanh thương hiệu Việt: "Không điều gì là không thể. Hãy ước mơ và hành động để biến giấc mơ thành hiện thực!".

Đức Minh
Hương Xuân
Theo Trí Thức TrẻNgày 14/5/2020

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên