MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khe hở nào trong kiểm tra, giám sát ngân hàng thương mại?

27-02-2017 - 13:31 PM | Tài chính - ngân hàng

Liên quan đến hàng loạt tiêu cực nghiêm trọng xảy ra tại một số ngân hàng thương mại thời gian qua, chuyên gia kinh tế -TS Vũ Đình Ánh cho rằng đồng thời với yêu cầu các ngân hàng cổ phần thương mại phải niêm yết trên sàn chứng khoán để minh bạch thông tin, lực lượng kiểm tra giám sát hoạt động của hệ thống ngân hàng này phải nâng cao năng lực.

TS. Vũ Đình Ánh
TS. Vũ Đình Ánh
Chuyên gia kinh tế
53 bài viết

Ông Ánh nói: Nguyên nhân để xảy ra sai phạm thì có nhiều. Trong đó, nguyên nhân chính là trong thời gian trước năm 2010 đã thành lập một loạt các ngân hàng. Đặc biệt, có tình trạng đẩy các ngân hàng nông thôn thành ngân hàng đô thị, sau đó xóa ranh giới nông thôn và đô thị.

Những bất cập trong việc thành lập rất nhiều ngân hàng, đầu tiên phải kể đến quy mô vốn quá nhỏ. Kế đến là khả năng quản trị ngân hàng của họ yếu kém. Thậm chí còn không ít trường hợp người ngoài ngành không hiểu biết gì về ngân hàng cũng nhảy ra làm ngân hàng. Khi thị trường chứng khoán bùng nổ lại là cơ hội để các chủ ngân hàng có quy mô vốn nhỏ đó gia tăng quy mô vốn lên một cách rất nhanh thông qua thị trường chứng khoán.

Quy mô vốn tăng nhanh, mà trình độ quản trị của họ không theo kịp nên họ lại càng lúng túng trong vấn đề quản trị ngân hàng.

Do nguồn vốn lớn, họ phải đẩy mạnh các hoạt động tín dụng. Từ đó phát sinh rủi ro về nợ xấu. Cũng do quản trị ngân hàng, cộng với yếu kém trong quản lý nhà nước về hệ thống ngân hàng thương mại, đặc biệt liên quan đến quy mô vốn, quyền sở hữu, rồi sở hữu chéo, cho vay nội bộ, cho vay những người có liên quan…bị vi phạm. Cùng với đó, một số ngân hàng có nợ xấu quá lớn không thu hồi được, đặc biệt những rủi ro cho vay nội bộ.

Rất nhiều khoản vay đó cho vay bất động sản. Đến khi thị trường bất động sản đóng băng, lập tức ảnh hưởng đến việc trả lại vốn…. Có thể nói, chùm những nguyên này móc xích lại với nhau, không bóc tách ra được.

Nhóm nguyên nhân thứ hai phải kể đến chính là tăng trưởng kinh tế hiện nay chủ yếu vẫn dựa vào tín dụng. Chủ trương tăng trưởng kinh tế thì phải tăng vốn đầu tư trong mô hình cũ, buộc phải tăng tổng tín dụng lên. Khi tăng lên đến trên dưới 30% một năm thì nó làm cho quy mô tín dụng phình to, trong khi chất lượng tín dụng lại không theo kịp.

Hàng loạt vụ việc tiêu cực trong ngành ngân hàng thường phát hiện chậm, hậu quả càng nghiêm trọng. Phải chăng cơ chế kiểm tra, giám sát đối với hệ thống ngân hàng thương mại đang còn nhiều hạn chế?

Ở đây không phải là nâng cao vai trò, mà trong thanh tra giám sát, một là yêu cầu phải nâng cao năng lực.

Thứ hai là hiệu lực của thanh tra giám sát, có kết quả rồi nhưng chẳng hiểu vì lý do gì, cuối cùng có khi người ta lại để chìm xuồng. Thứ nữa, hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại phải dựa trên sự hoạt động công khai, minh bạch. Các ngân hàng thương mại cổ phần phải niêm yết trên thị trường chứng khoán để tăng tính công khai, minh bạch. Thế nhưng trong tổng số 30 ngân hàng hiện nay, tôi nhớ không nhầm thì chỉ trên dưới chục ngân hàng đang niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Ông có nhận xét gì về các biện pháp xử lý khủng hoảng tại một số ngân hàng vừa qua?

Ở Việt Nam, có một luật bất thành văn, thứ nhất là các ngân hàng không bị phá sản. Thứ hai, hệ thống tài chính ngân hàng có một đặc điểm gọi là rủi ro hệ thống. Nếu một vài ngân hàng nào đó có vấn đề chẳng hạn thì người ta sẽ tìm cách xử lý, để làm sao không ảnh hưởng đến cả hệ thống.

...Chính vì thế người ta mới dùng thuật ngữ tái cơ cấu, hoặc cơ cấu lại chứ không dùng chữ “khủng hoảng”, mặc dù còn những ngân hàng mà thực tế ai cũng biết thừa là âm cả vốn rồi, mua không đồng vẫn còn đắt.

Dù vậy, quyền lợi của người gửi tiền sẽ không bị ảnh hưởng một tý nào hết, kể cả khách hàng đi vay và khách hàng cho vay.

Người bị thiệt hại chỉ là những chủ sở hữu, kể cả những cổ đông sáng lập, hay cổ đông lớn, cổ đông nhỏ cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Cảm ơn ông

Ba ngân hàng được mua giá không đồng:

Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank), Ngân hàng TM TNHH MTV Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank) và Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên Đại Dương (OceanBank): Cả ba đều là ngân hàng yếu kém, được đặt vào kiểm soát đặc biệt và đã lâm vào tình trạng vốn chủ sở hữu âm nên giải pháp tự tái cấu trúc hoặc sáp nhập, hợp nhất tự nguyện không khả thi.

Luân Dũng

Theo Thành Nam

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên