MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi đầu tàu kinh tế thiếu… 'nhiên liệu'

Tuy hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2019 và giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế nhưng tốc độ tăng trưởng của TPHCM đang có nguy cơ chậm dần do gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là thiếu nguồn lực tái đầu tư, sản xuất, giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng.

Ðuối sức…

Tối 31/12/2019, tại hội nghị công bố kết quả thu - chi ngân sách nhà nước năm 2019, Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Lê Ngọc Thùy Trang cho biết mức dự toán thu ngân sách năm 2019 Trung ương giao TPHCM là 399.125 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa là 272.325 tỷ đồng …Tính đến chiều 31/12/2019, TPHCM đã thu được 409.923 tỷ đồng, đạt 102,71% dự toán và tăng 8,29% so cùng kỳ. Đây là năm đầu tiên TPHCM có số thu ngân sách vượt con số 400.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức thu nội địa chỉ được 268.428 tỷ đồng (đạt 98,57% dự toán) và tăng 9,66% so cùng kỳ.

Theo bà Lê Ngọc Thùy Trang, việc Trung ương giao dự toán thu nội địa năm 2019 cho TPHCM tăng 11,27% so với thực hiện năm 2018, trong đó dự toán từ khu vực kinh tế năm 2019 tăng quá cao so với thực hiện năm 2018 (20,97%) là áp lực lớn cho ngân sách TPHCM. Ngay từ đầu năm, TPHCM đồng hành với doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi nhất để phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư nhằm nuôi dưỡng nguồn thu…

Khẳng định đã hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách được giao nhưng Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thừa nhận năm 2019 Trung ương giao dự toán thu nội địa cho TPHCM đã vượt quá khả năng huy động nguồn thu của địa phương. Năm nay, nhiệm vụ của TPHCM càng nặng nề hơn do Trung ương giao tổng thu ngân sách Nhà nước cho TPHCM là 405.828 tỷ đồng, tăng 1,68% so với dự toán năm 2019. Trong khi đó, 10 năm trở lại đây, mức tăng trưởng xuất khẩu của TPHCM đang có dấu hiệu chững lại, chỉ còn chiếm khoảng 20-30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Khi đầu tàu kinh tế thiếu… nhiên liệu - Ảnh 1.
Tuyến metro số 1 bị chậm tiến độ do kẹt vốn. Lãnh đạo TPHCM nhiều lần thị sát, họp bàn tháo gỡ khó khăn

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gỗ của TPHCM với kim ngạch năm 2019 đạt gần 100 tỷ đồng, có sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ, Hàn Quốc, công ty Lederco đang dự kiến di dời 2 nhà máy chế biến các sản phẩm gỗ ở quận 12 (TPHCM) sang tỉnh khác vì nhà máy nằm gần khu dân cư, trong khi diện tích đất các khu công nghiệp của thành phố đã hết, giá thuê mặt bằng và các chi phí khác ở TPHCM đắt đỏ.

Không chỉ riêng ngành gỗ, hiện nay, các doanh nghiệp thuộc ngành sử dụng nhiều lao động, cần diện tích nhà xưởng lớn để sản xuất như giày da, dệt may, nhuộm, sợi và vải… đều có xu hướng rời TPHCM để sang các tỉnh lân cận. Các doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến nông, thủy sản cũng không muốn đầu tư và mở rộng sản xuất ở TPHCM do chi phí đắt đỏ và vùng nguyên liệu nằm ở ĐBSCL và Đông Nam bộ.

Tại hội nghị công bố dự thảo (lần 1) báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ 11 diễn ra mới đây, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết sau mỗi 5 năm, dân số TPHCM tăng 1 triệu người, kéo theo 1 triệu chỗ ở cần đáp ứng, 1 triệu phương tiện cá nhân gây áp lực cho hạ tầng giao thông. Do hạ tầng giao thông chưa đáp ứng đủ, TPHCM đối mặt với vấn nạn kẹt xe khiến lưu thông hàng hóa giảm, nhà đầu tư quay lưng và kinh tế đứng trước nguy cơ tụt dốc.

Phải đủ “xăng dầu”…

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết để giải quyết bài toán tăng dân số, TPHCM cần tăng lượng nước sinh hoạt cho 1 triệu người trong 5 năm. Mỗi ngày, TPHCM cần tìm hướng xử lý cho 9.000 tấn rác thải. Các vấn đề an sinh xã hội như trường học, bệnh viện cũng cần đủ sức gánh vác cho số dân gia tăng tương đương với 1 tỉnh sau mỗi 5 năm. Chỉ tiêu duy nhất không đạt trong nhiệm kỳ này là mức thu nhập bình quân đầu người cũng từ nguyên do tốc độ tăng dân số cơ học quá cao, vượt mức dự báo.

Bí thư Thành ủy TPHCM cũng chỉ ra bất cập trong việc phân bổ nguồn lực và ngân sách khi TPHCM chỉ được giữ 18% tổng thu ngân sách trên địa bàn. “Với việc đóng góp 27% tổng thu ngân sách của cả nước nhưng TPHCM chỉ được giữ lại 18% số thu, tương đương 5% ngân sách cả nước là bất hợp lý”, ông Nhân đánh giá.

“Thành phố đã thống nhất với Ban Kinh tế Trung ương, năm 2003 chúng ta được giữ lại 33%, trong 10 năm tới chưa biết có thể quay lại con số này hay không nhưng phải tăng so với 18% hiện tại”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết TPHCM đang là thành phố có tỷ lệ ngân sách được giữ lại thấp nhất trên thế giới khiến TPHCM gặp nhiều khó khăn trong cân đối ngân sách, chi cho đầu tư phát triển. Theo khảo sát của UBND TPHCM, các thành phố lớn có quy mô như TPHCM được giữ lại thấp nhất là 30% (ở Nhật Bản) và cao nhất là 60% (ở Na Uy).

Theo ông Nguyễn Thành Phong, số thu ngân sách nhà nước của TPHCM tăng cao qua các năm. Trong 2 năm gần đây, bình quân TPHCM thu được 1.620 tỷ đồng/ngày làm việc. TPHCM cũng là địa phương tự đảm bảo cân đối ngân sách và tỉ lệ số thu nộp về ngân sách trung ương cao nhất trong 63 tỉnh, thành. Tuy nhiên, số thu ngân sách thực tế mà TPHCM được hưởng ngày càng giảm sút. Tỉ lệ điều tiết từ trung ương cho ngân sách TPHCM giảm dần qua từng thời kỳ ổn định ngân sách.

Do ngân sách địa phương được giữ lại để tái đầu tư không tăng tương ứng khiến TPHCM gặp rất nhiều khó khăn trong việc nuôi dưỡng nguồn thu, đầu tư phát triển để giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm, chỉnh trang đô thị…

Trước thực tế này, căn cứ ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội và Ban Kinh tế Trung ương, UBND TPHCM đang xây dựng đề án kiến nghị Trung ương điều chỉnh các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương theo hướng nâng dần tỷ lệ điều tiết hợp lý để bảo đảm TPHCM có điều kiện phát triển bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, tiếp tục đóng góp lớn nhất cho cả nước.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, dự kiến trong quý II/2020, TPHCM sẽ trình đề án này lên Bộ Chính trị, sau đó sẽ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 năm nay.

Có cải tiến sáng tạo đến mấy cũng vướng

Theo TSKH Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TPHCM, thành phố họp hành rất nhiều để thúc đẩy các dự án, đặt trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm địa phương, nhưng cái cần nhất là vốn. Dù có cải tiến hết cỡ thì cũng loanh quanh vướng về vốn. Các ngành công nghiệp trọng yếu không được điều tiết đủ vốn nên không thể phát triển. Trung ương cần có tỉ lệ điều tiết phù hợp để TPHCM không bị vướng vốn, các dự án được thuận lợi, đô thị phát triển nhanh.


Theo Huy Thịnh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên