Khi được hỏi vì sao không hài lòng vị trí số 2 hay 3, ông chủ Uniqlo đáp: Chẳng lẽ anh thi Olympics mà chỉ đặt mục tiêu giành Huy chương đồng thôi sao?
Forbes đã tính toán Yanai trở thành người giàu nhất Nhật Bản nhờ vào cổ phần Fast Retailing ông sở hữu. Ông cũng vẫn có thể giàu có hơn nữa nếu biến Fast Retailing trở thành nhà bán lẻ quần áo lớn nhất thế giới vào năm 2020.
Chắc hẳn chẳng ai nghĩ liệu Nhà sáng lập và CEO của nhà bán lẻ quần áo lớn nhất châu Á thì có liên quan gì đến thất bại. Nhưng Tadashi Yanai, người giàu nhất Nhật Bản đảm bảo với mọi người rằng ông vô cùng hiểu khái niệm này.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Yanai, chủ công ty Fast Retailing, mẹ của thương hiệu Uniqlo đã nói rằng: "Tôi hoàn toàn thấu hiểu sự thất bại."
Ông tiếp lời khi đếm lại những thất bại của mình trên đầu ngón tay: "Khi Uniqlo mở rộng ra nước ngoài, chúng tôi đã thất bại ở Anh chẳng phải sao? Chúng tôi đã thất bại ở Trung Quốc. Và chúng tôi lại tiếp tục thất bại ở Mỹ."
Gã khổng lồ thời trang Nhật đã cố gắng tiến vào thị trường Anh từ năm 2001, mở 21 cửa hàng chỉ trong vòng 2 năm. Nhưng công ty đã phát triển quá nhanh. Điều này cùng với việc quản lý sai ở các cửa hàng tại Anh đã buộc Uniqlo phải đóng cửa 16 cửa hàng trong số đó.
Ông Yanai nhớ lại: "Đó là một tổn thất nặng nề."
Nhưng người đàn ông Nhật 67 tuổi, người từng gây dựng Uniqlo từ một cửa hàng khiêm tốn tại Hiroshima từ năm 1984 lại không hề nao núng trước những thất bại như vậy.
Với triết lý sống "Chín lần thất bại, một lần thành công", Yanai cho rằng hành trình kinh doanh là hướng đến mục tiêu giành "huy chương vàng".
Yanai sinh vào năm 1949, con trai của một người thợ may. Cha của ông điều hành một xưởng chuyên may đồ suit cho những người làm công ăn lương ở Nhật Bản. Nhưng ông Yanai có một tầm nhìn khác, ông cho rằng chuyển từ quần áo may theo số đo riêng sang quần áo thông thường sẽ giúp bán được số lượng lớn hơn.
Tạp chí kinh doanh Forbes đã tính toán Yanai trở thành người giàu nhất Nhật Bản nhờ vào cổ phần Fast Retailing ông sở hữu. Ông ấy cũng vẫn có thể giàu có hơn nữa nếu biến Fast Retailing trở thành nhà bán lẻ quần áo lớn nhất thế giới vào năm 2020.
Yanai tự tin rằng họ có khả năng làm được điều đó. Khi được hỏi tại sao ông không hài lòng với vị trí số 2 hay số 3 thì ông vặn lại: "Thế chẳng lẽ anh tham gia Olympics mà chỉ đặt mục tiêu giành Huy chương đồng thôi sao. Chúng tôi không như vậy. Chúng tôi luôn cố gắng đạt những điều tốt nhất để dành được Huy chương Vàng."
Tinh thần chiến đấu của ông Yanai, được thể hiện trong chiến dịch bành trướng mạnh mẽ của Uniqlo, không chỉ ở châu Á, mà cả ở các thị trường châu Âu và châu Mỹ vốn bị chi phối bởi các đối thủ phương Tây như Inditex của Tây Ban Nha đứng đằng sau Zara hay H&M của Thụy Điển.
Mỗi tuần, một cửa hàng Uniqlo mới được mở ra ở đâu đó trên thế giới. Nhưng Yanai không còn lo lắng rằng Uniqlo sẽ mở quá nhiều chi nhánh hay quá sớm nữa.
Lấy Vương quốc Anh là một ví dụ, Yanai nói rằng 10 cửa hàng Uniqlo ở London hiện đang hoạt động rất tốt, và tất cả đều kiếm được lợi nhuận.
Ông cho rằng sự bùng nổ kinh tế của Châu Á là yếu tố kích thích lớn nhất cho sự tăng trưởng của công ty: Những gì người Trung Quốc đã làm cũng có thể xảy ra ở Đông Nam Á. Uniqlo hiện đang là nhà bán lẻ quần áo lớn nhất tại Trung Quốc.
Nhưng ngay cả khi đang trên đà trở thành số 1 thế giới thì Yanai vẫn bận tâm hơn với một vấn đề cấp bách khác: Tìm kiếm người kế vị.
Ông Yanai không chỉ là người sáng lập và Giám đốc điều hành của Fast Retailing, ông còn đảm nhận các chức danh Chủ tịch, Giám đốc và chủ sở hữu - một vai trò đa dạng mà ông gọi là một người toàn năng.
"Ông trùm khó tính" tự thú nhận rằng ông đã thất bại nhiều lần trong hành trình tìm kiếm người kế nghiệp: "Ngay bây giờ, tôi không cần một người kế vị giống tôi. Một công việc thế này chẳng thể được thực hiện một mình. Do đó, tôi muốn thành lập một nhóm để phân chia tất cả công việc này với một CEO giỏi và người này sẽ tiếp tục điều hành mọi hoạt động."
Thực sự thì ông cũng đang lo lắng: "Tôi muốn biết liệu nhóm người kế nhiệm tôi có thể làm tốt công việc không càng sớm càng tốt. Tôi hy vọng họ có thể đảm nhận vai trò bảo vệ lợi ích của công ty."
Nhịp Sống Kinh Tế/CNA