MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi "hình thể lên ngôi, nội tâm bị xem nhẹ": Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh toả ra ánh sáng trí tuệ, làm rạng rỡ và xuất thần nhan sắc bên ngoài

30-08-2016 - 08:12 AM | Sống

"Tôi nhìn thấy ánh sáng trí tuệ hắt ra từ bên trong tâm hồn Mỹ Linh đã tự nhiên làm rạng rỡ và xuất thần nhan sắc bên ngoài của cô. Đỗ Mỹ Linh là một tấm gương đẹp, theo ngôn ngữ giản dị của Việt Nam truyền thống: Đã đẹp người lại đẹp nết" - PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận xét.

Sau đêm Chung kết Hoa hậu Việt Nam 2016, PGS, TS nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái đã có bài viết gửi tới Trí Thức Trẻ về câu trả lời thông minh và lối sống đẹp, hiện đại từ trong tư duy của tân Hoa hậu Việt Nam - Đỗ Mỹ Linh:

Đã xem và tiếc về thi ứng xử của Hoa hậu Việt

Tôi xem thi hoa hậu nhiều lần và phải công nhận người đẹp Việt về nhan sắc bên ngoài, về những vẻ đẹp trông thấy được, về số đo 3 vòng, nghĩa là chuẩn mực vẻ đẹp hình thể không thua kém bất cứ người đẹp của quốc gia nào trên thế giới. Nghĩa là phụ nữ Việt Nam đẹp thật!

Ở Việt Nam, cuộc thi hoa hậu toàn quốc đã được tổ chức theo mẫu hình phương Tây, được báo Tiền Phong khởi xướng năm 1988, lần đầu đăng quang hoa hậu Bùi Bích Phương, theo quy trình 2 năm một lần, mang tên Hoa hậu toàn quốc báo Tiền Phong. Từ năm 2002, chính thức đổi tên thành Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam và đã 13 người đẹp Việt đăng quang. Trong số hoa hậu Việt này, có người từng tham gia cuộc thi hoa hậu quốc tế, theo đúng tinh thần hội nhập văn hóa Việt Nam với toàn cầu, vừa là nhu cầu nội tại, vừa là đòi hỏi tất yếu của sự phát triển xã hội Việt Nam hiện đại.

Tuy nhiên, người đẹp Việt khó khăn bước chân vào Top 15 người đẹp của các cuộc thi hoa hậu quốc tế, trong khi các quốc gia ở cùng vùng văn hóa phương Đông hoặc Đông Nam Á đã có người đăng quang hoa hậu Thế giới, hoa hậu Hoàn Vũ như Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines… Và đương nhiên, trong hội nhập quốc tế, quốc gia nào cũng quan tâm đến việc cử người đẹp đi thi nhan sắc toàn cầu, với khát vọng chinh phục ngôi vị cao nhất và xem đó như chiến thắng của tài sản quốc gia trên trường nhan sắc quốc tế.


6 Hoa hậu Việt Nam qua nhiều thời kỳ hội tụ trong Chung kết Hoa hậu Việt Nam 2016.

6 Hoa hậu Việt Nam qua nhiều thời kỳ hội tụ trong Chung kết Hoa hậu Việt Nam 2016.

Đương nhiên, câu hỏi đặt ra trên tinh thần sĩ diện dân tộc của tôi là tại sao chưa một lần người đẹp Việt Nam được đăng quang ngôi vị hoa hậu toàn cầu? Và người đẹp Việt, thật đáng tiếc, chỉ dừng chân ở vị trí khá xa vòng chung kết, thí dụ vòng 15 người đẹp, chưa nói đến việc vào vòng 10, vòng 5 và cuối cùng là vòng 3 người đẹp nhất với ngôi vị chủ chốt: Hoa hậu, Á hậu1 và Á hậu 2.

Nếu chú ý tìm hiểu, sẽ thấy không ít lý do có thể giải thích cho việc dừng chân này, trong đó có lý do căn bản, theo tôi, là người đẹp Việt khi tham gia cuộc thi hoa hậu nước nhà và cả thi quốc tế đều quá thiên về vẻ đẹp hình thể, hình thức bên ngoài mà ít chú ý đến vẻ đẹp của nội dung bên trong, là vẻ đẹp tâm hồn, trí tuệ của người đẹp.

Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy là những bi/hài kịch trong phần thi ứng xử, khi các người đẹp vào được top 5 và buộc phải trả lời trực tiếp các câu hỏi đưa ra từ hội đồng giám khảo. Đây là vòng quan trọng và hấp dẫn nhất. Tôi, một người hâm mộ vẻ đẹp Việt của phụ nữ Việt, bao giờ cũng chăm chú nhất và cũng… nuối tiếc hoặc tuyệt vọng nhất khi xem, nghe, nhìn các người đẹp nói năng, diễn giải trong phần thi ứng xử.

Và phải công nhận dân gian Việt luôn có kinh nghiệm quý giá khi đánh giá người đẹp Việt từ xa xưa, cái thời chưa có những cuộc thi người đẹp hoành tráng như hôm nay. Và dù trong cấu trúc khép kín của làng xã Việt truyền thống, người nông dân Việt, thông qua Hội Làng, vẫn luôn tìm thấy người đẹp xinh nhất trên cơ sở thẩm mĩ chính xác: Người xinh tiếng nói cũng xinh, người giòn cái tỉnh tình tinh cũng giòn. Chỉ cần qua lời ăn, tiếng nói dễ nghe của cô thiếu nữ chân quê là có thể biết đấy chính là người xinh đẹp về mọi phương diện. Hơn nữa, cái đẹp về thân xác của người đẹp xưa đâu có được đo đạc ba vòng hiện đại như thước đo phương Tây với chuẩn quốc tế là 90-60-90.

Dân gian Việt vốn chỉ căn cứ thuần vào kinh nghiệm, để thấy cái lưng ong của người con gái Việt là chuẩn đẹp nhất, báo hiệu sự hài hòa của cả vẻ đẹp thân thể, lẫn phẩm chất tâm hồn: Những người thắt đáy lưng ong/ Đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con…

Chả thế mà thi sĩ của cuộc chiến tranh chống Mỹ - Phạm Tiến Duật - đã làm thơ rất tình và lãng mạn về tiếng hát, tiếng nói của cô TNXP người Hà Tĩnh. Trong bóng tối chiến tranh tên bay đạn lạc, anh lái xe ra mặt trận, không thể nhìn thấy tận mặt những cô gái TNXP làm đường, chỉ nghe thấy tiếng, tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để/ Anh lặng người như trôi trong tiếng ru, và nữa, nghe tiếng hát biết người chung thủy…

Và phải nói đúng một sự thật: Nghe nhìn hoa hậu Việt trả lời trong phần thi ứng xử luôn làm công chúng thót tim vì… sợ hãi và sau đó, là thất vọng.

Mừng và đánh giá cao trả lời của tân hoa hậu Đỗ Mỹ Linh

Tôi đã dễ chịu thở hắt ra vì bất ngờ, mừng vui khi nghe Đỗ Mỹ Linh đọc và trả lời câu hỏi cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016, dù trong top 5 người đẹp ở vòng thi ứng xử được truyền hình trực tiếp tối 28/8 trên Đài TH Việt Nam, tôi thấy Mỹ Linh chưa phải là người nhan sắc nổi bật nhất.


Hoa hậu Việt Nam 2016 - Đỗ Mỹ Linh - được cho là kém sắc hơn hai Á hậu.

Hoa hậu Việt Nam 2016 - Đỗ Mỹ Linh - được cho là kém sắc hơn hai Á hậu.

Câu hỏi: Nhiều bạn trẻ lấy việc làm việc hết mình, hưởng thụ tối đa làm phương thức sống. Bạn có đồng ý với quan điểm này không?

Đỗ Mỹ Linh trả lời: Em có băn khoăn một chút hai chữ “hưởng thụ”. Em muốn thay bằng hai chữ “tận hưởng”. Khi mình làm việc hết mình thì mình có quyền tận hưởng cuộc sống theo cách riêng của mỗi người.

Đây là một câu trả lời rất độc đáo và trí tuệ, theo tôi.

Độc đáo nhất là Mỹ Linh đã biết biên tập, ít nhất như một nhà báo thông minh, về chữ nghĩa tiếng Việt, dùng trong một trật tự câu hỏi thì nhất định phải chính xác. Mỹ Linh chính xác đến độc đáo, trên sự giải thích hợp lý của mình, khi muốn thay thế chữ hưởng thụ bằng chữ tận hưởng.

Và ở đây, tôi thấy bộc lộ một phương pháp tư duy hiện đại, ở chỗ, Đỗ Mỹ Linh hiểu rất rõ hai cách sống của giới trẻ hôm nay: thay vì cách bị động trong hai chữ hưởng thụ, Mỹ Linh đã muốn một cách thế chủ động, khi xác lập quyền tận hưởng, một thứ quyền năng đã được ý thức rằng: khi làm việc hết mình thì đương nhiên mình có quyền tận hưởng cuộc sống theo cách riêng của mỗi người, không phải hưởng thụ theo cách bị động.

Có lẽ, theo cách trả lời của Đỗ Mỹ Linh, đấy mới là phương thức sống đẹp nhất của tuổi trẻ Việt hôm nay. Chính vì thế, Mỹ Linh đã đưa ra một đẳng thức do cô suy luận thật thông minh và nhanh trí: Làm việc hết mình ứng với tận hưởng cũng... hết mình.

Và như thế. Mỹ Linh lại vừa tránh được một từ Hán –Việt rất nặng nề là tối đa, đã được dùng trong câu hỏi.

Và nữa, lại đào sâu được sự hết mình trong tận hưởng, bởi mình đã làm việc hết mình, sao lại không được tận hưởng… hết mình.

Tôi vô cùng kinh ngạc trước sự biên tập này, có ai lại trả lời như cô không, bằng ngay một sự biên tập đảo chiều, và đã trả lời trúng cái ý hết sức giản dị và thâm thúy của câu hỏi này. Rõ là, câu hỏi cũng đã hay, mà người trả lời đã hóa giải cho nó còn hay hơn, theo cách độc đáo của cô.

Từ đây cũng phải thấy những người chấm Mỹ Linh là người trả lời hay nhất trong số 5 người đẹp của top 5, cũng đã chứng tỏ họ là những vị giám khảo thật thông minh và biết định giá rất chuẩn về trí tuệ hoa hậu bằng cách đưa ra những câu hỏi không dễ và rất độc đáo để yêu cầu cách trả lời cũng độc đáo!


Song người đẹp lại được đánh giá cao vì lý lịch sạch, thành tích học tập tốt và đặc biệt là thể hiện được sự thông minh, độc đáo và hiện đại trong phần thi ứng xử đêm chung kết.

Song người đẹp lại được đánh giá cao vì lý lịch sạch, thành tích học tập tốt và đặc biệt là thể hiện được sự thông minh, độc đáo và hiện đại trong phần thi ứng xử đêm chung kết.

Rõ ràng, tôi nhìn thấy ánh sáng trí tuệ hắt ra từ bên trong tâm hồn Mỹ Linh đã tự nhiên làm rạng rỡ và xuất thần nhan sắc bên ngoài của Mỹ Linh. Chính cái ánh sáng này đã khiến các vị giám khảo đồng lòng bỏ phiếu cho Linh, thấy rõ sắc đẹp trí tuệ của cô và được thuyết phục rằng: Đỗ Mỹ Linh xứng đáng là Hoa hậu Việt 2016, trong sự lên ngôi của vẻ đẹp nhan sắc, đã được nhập hòa tinh tế và độc đáo với vẻ đẹp tâm hồn.

Ấy là chưa kể giọng nói chuẩn, với đài từ rất đẹp. Người đẹp này giỏi tiếng Anh nữa thì đã hội nhập trong chính bản thân. Thật là một vẻ đẹp hoàn hảo và hiện đại Việt, xứng đáng tham gia đấu trường quốc tế về nhan sắc sắp tới.

Tôi cũng cho rằng, qua cách trả lời của Mỹ Linh, sự tận hưởng cuộc sống theo cách riêng chính là kết quả của sự làm việc, cống hiến hết mình cho sự nghiệp phát triển đất nước của tuổi trẻ Việt, thông qua trường hợp một người đẹp Việt đã đoạt được ngôi vị hoa hậu năm 2016, khi đích thân mình tìm được phương pháp tư duy tốt nhất để cân bằng giữa vẻ đẹp nhan sắc và vẻ đẹp nội tâm.

Từ việc cân bằng rất thông minh này, Mỹ Linh đã tự cất cánh lên một điều xa và cao hơn: đó là một cách tư duy hiện đại, nghiêng nhiều về lý tính cần thiết cho người đẹp Việt Nam tự kiểm soát và điều hòa được chính vẻ đẹp hoa hậu của mình trong suốt nhiệm kì 2 năm ở ngôi hoa hậu Việt 2016-2018.

Cách tư duy này còn cần thiết cho cả người trẻ Việt Nam trong cách sống đẹp hôm nay, góp phần rất lớn thúc đấy sự phát triển của xã hội Việt Nam hiện đại, đang phải giải quyết một bài toán khó, làm thế nào để đưa đất nước mình ra khỏi bi kịch của sự phát triển, với những mặt trái của căn tính nông dân, để tiến tới một xã hội hiện đại hóa, công nghiệp hóa, công bằng, dân chủ và văn minh.

Một cách nghĩ đẹp, nhiều vẻ đẹp trí tuệ bao giờ cũng dẫn đến cái sống đẹp của những người trẻ và tất nhiên, sẽ dẫn đến sự phát triển hài hòa và tốt đẹp của xã hội Việt hiện đại trong thế kỉ XXI.

Thế nên, đây không còn là câu chuyện tiến tới ngôi vị hoa hậu của riêng Đỗ Mỹ Linh nữa, đây là câu chuyện phát triển tư duy và phương pháp tư duy trong lối sống đẹp chuẩn xác nhất của người trẻ Việt Nam hôm nay.

Rõ ràng, Đỗ Mỹ Linh đã là một tấm gương đẹp, theo ngôn ngữ giản dị của Việt Nam truyền thống: Đã đẹp người lại đẹp nết…

PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên