Khi lạm phát, chứng khoán, USD và vàng cùng tăng: “Không phải cứ sốt là mắc COVID”
Chuyên gia nhìn về và lý giải hiện tượng “tất cả cùng tăng” trong những diễn biến gần đây, cũng như mối liên hệ với Việt Nam.
- 14-11-2021Lạm phát kéo lãi suất cuối năm
- 14-11-2021USD trở nên đắt đỏ vì lạm phát
- 12-11-2021Nhìn từ lạm phát Mỹ tăng cao nhất ba thập kỷ và vàng lên cơn sốt giá
Như đã đề cập ở bài viết trước, thị trường toàn cầu đang chứng kiến hiện tượng lạm phát , đồng USD, chứng khoán , vàng cùng đồng pha tăng giá, mà diễn biến này ít xẩy ra trong bối cảnh thông thường.
"Những diễn biến đó vừa có quy luật vừa không có quy luật. Cái không có quy luật đó lại tuân theo quy luật của nó", TS. Trương Văn Phước, Thành viên chuyên trách Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng nói khi BizLIVE tham vấn.
Trước hết, nhìn về chỉ số USD Index, một bước nhảy đã thể hiện trong khoảng một tháng trở lại đây.
Diễn biến trên được nhìn nhận đồng USD phản ánh theo triển vọng lãi suất của nó. Triển vọng lãi suất USD gắn với diễn biến lạm phát của Mỹ.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát thông điệp tiến tới thu hẹp dần chính sách nới lỏng, nâng lãi suất với lộ trình dự kiến gần hơn. Lãi suất có triển vọng tăng lên và đồng USD lên giá.
Liên quan, lạm phát Mỹ tuần qua công bố với mức tăng cao nhất trong hơn 30 năm qua. Lạm phát tăng, lãi suất tăng và đồng tiền tăng.
"Vấn đề là vì sao lạm phát cao đến thế, cao gấp 3 lần mục tiêu của Fed? Nhưng vì sao Fed, Mỹ vẫn điềm tĩnh?", TS. Trương Văn Phước đặt vấn đề.
Và ông lý giải: Nếu lãi suất của Mỹ chưa tăng thì lạm phát chưa phải là vấn đề lớn, nó mang tính tạm thời.
Nhưng dù gì lạm phát cao đang là hiện thực. Fed lập luận rằng, lạm phát hiện là do sự đứt gãy chuỗi cung ứng, lao động và hoạt động sản xuất gián đoạn… Cũng như Việt Nam vừa qua, nhiều lao động bỏ về quê, hoạt động sản xuất bị hạn chế nhất định và chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng.
Như vậy, Fed lập luận yếu tố cơ bản và chính yếu đẩy lạm phát hiện nay không phải do chính sách tiền tệ, mà do đứt gãy chuỗi cung ứng và sản xuất.
"Theo đó, không phải vì quá lo sợ với lạm phát mà phản ứng quá đà, không phải cứ sốt là mắc COVID", chuyên gia Trương Văn Phước nói, với thực tế Fed vẫn điềm tĩnh xử lý các vấn đề, cũng như các ngân hàng trung ương khác; Fed chưa vội vã tăng lãi suất ngay.
Ở đây, có diễn biến bất thường trong bình thường.
Với giá vàng cũng vậy. Khi có biến động và chênh lệch giá, các lực lượng thị trường sẽ nhảy vào đầu tư, dòng tiền chảy vào như một phản ứng bình thường và giá lên.
Tương tự với chứng khoán. Bình thường thị trường chứng khoán là hàn thử biểu phản ánh nền kinh tế. Sản xuất kinh doanh khó khăn bởi COVID-19 như vậy vì sao chứng khoán cứ tăng?
Theo TS. Trương Văn Phước, trước hết do COVID, các kênh đầu tư khác hạn chế và kém hấp dẫn, sản xuất kinh doanh bị hạn chế, dòng tiền tiền chảy vào thị trường chứng khoán và bất động sản. Thực tế cho thấy nguồn tiền trên thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục bùng nổ, tạo lực đẩy lớn.
Và ông nói: "Tất cả những diễn biến trên, cũng như phản ứng ở các thị trường như vậy là câu chuyện chung của các nền kinh tế chứ không riêng gì Việt Nam. Những cái xẩy ra đều có quy luật của nó. Điều cần rút ra qua đó là sự thận trọng".
Thận trọng, bởi "Đi đêm lắm có ngày gặp ma". Vấn đề là đêm sẽ dài bao lâu? Bởi đi cùng với các biến động thì thường tiềm ẩn rủi ro trong đó, và thị trường sẽ có những điều chỉnh của nó.
NẾU QUÁ E SỢ THÌ KHÔNG DÁM LÀM?
Như trên, những diễn biến của lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, biến động giá vàng, USD Index, chứng khoán tăng mạnh… là câu chuyện chung của các nền kinh tế, không riêng gì Việt Nam.
TS. Trương Văn Phước nhìn nhận, tại Việt Nam hiện nay có mối quan ngại nổi bật là sức ép lạm phát trong tương lai. Song, theo ông, cũng cần có nhìn nhận hợp lý hơn và thông tin hợp lý hơn về điểm này.
"Chúng ta đang tập trung vào hỗ trợ nền kinh tế. Giống như một người đang tập trung lái xe với tinh thần trách nhiệm cao, ý thức luôn phải an toàn. Vậy có nên ngồi cạnh nhắc nhở, cảnh báo họ cẩn thận, lái an toàn nhé… Họ có kinh nghiệm, Việt Nam ta đã có kinh nghiệm ứng xử với lạm phát cao, cũng như hệ thống ngân hàng đã có kinh nghiệm ứng xử với rủi ro trong quá khứ để nay vững vàng hơn", ông Phước nói với hình ảnh đời thường như vậy.
Bởi lẽ, nếu cứ ngồi cạnh nhắc họ, thậm chí hoảng hốt có thể khiến người lái xe cũng quan ngại mà lái không vững, không dám làm thì sao. Đây là điều cần một mức độ hợp lý và tế nhị.
Nhìn ra thế giới, Fed hay các ngân hàng trung ương khác họ điềm tĩnh xử lý. Các chính phủ và các ngân hàng trung ương, các bộ tài chính đều vào cuộc mạnh mẽ để hỗ trợ nền kinh tế. Lạm phát tăng lên, như một cái giá phải trả và chấp nhận nhưng trong ngắn hạn và tạm thời, với ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ nền kinh tế trước khó khăn để vào cuộc mạnh mẽ.
Việt Nam trong gần hai năm qua cũng đã vào cuộc với các chính sách, các gói và chương trình hỗ trợ. Có thể còn khiêm tốn về quy mô "tiền tươi thóc thật", nhưng đã và đang vận dụng nhiều nguồn lực để vào cuộc; chính sách hỗ trợ cơ cấu lại nợ cũng là một nguồn lực gián tiếp giá trị. Và hiện Quốc hội, Chính phủ đang tiếp tục nghiên cứu để có một chương trình hỗ trợ lớn hơn, mạnh mẽ hơn nữa.
Theo TS. Trương Văn Phước, điểm quan trọng và chính yếu hiện nay là đẩy mạnh tiêm vaccine, mở rộng độ phủ tiêm 2 mũi. Điều này Chính phủ đã nỗ lực, đạt kết quả nhanh chóng khi Việt Nam đã và sẽ có độ phủ vaccine lớn vào cuối năm nay đến đầu năm tới.
"Kết quả đó vô cùng ý nghĩa, bởi với độ phủ vaccine mở rộng thì dự kiến từ giữa quý 2/2022 nền kinh tế sẽ hồi phục mạnh mẽ. Bởi thế Chính phủ đã rất quyết liệt cho yêu cầu này", TS. Trương Văn Phước nói.
BizLive