Khi nợ xấu vẫn "song hành" cùng lợi nhuận ngân hàng
Tính riêng trong 6 tháng đầu năm, “cuộc đua” lợi nhuận của các ngân hàng đều đạt những kết quả ấn tượng. Dù vậy, việc nợ xấu chưa được xử lý triệt để khiến bức tranh toàn cảnh vẫn còn những gam màu xám…
- 03-08-2019Bức tranh nợ xấu của 20 ngân hàng nửa đầu năm
- 02-08-2019Tín dụng tăng trưởng đã đi kèm với kiểm soát chất lượng nợ xấu?
- 01-08-2019Nợ xấu tại 3 "ông lớn" ngân hàng đã hơn 40.000 tỷ, hơn nửa trong số đó là nợ có khả năng mất vốn
Tất cả đều có lãi
Dù đã tích cực xử lý nhưng tỷ lệ nợ xấu tại nhiều ngân hàng cần tiếp tục được cải thiệnTính đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng đều đã công bố báo cáo tài chính quý II-2019, bức tranh lợi nhuận ngân hàng theo đó cũng đã được rõ hình hài. Theo đó, năm nay tất cả 25 ngân hàng đều làm ăn có lãi với tổng lợi nhuận đạt hơn 53.000 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2018.
Đứng đầu bảng lợi nhuận vẫn là những cái tên quen thuộc, trong đó Vietcombank đang giữ vị trí quán quân với hơn 11.300 nghìn tỷ đồng, hơn cả tổng lợi nhuận của 2 cái tên đứng tiếp sau là Techcombank với 5.662 tỷ đồng và VietinBank với 5.335 tỷ đồng. Tiếp theo là MBBank với 4.875 tỷ đồng; BIDV 4.772 tỷ đồng; VPBank 4.342 tỷ đồng; ACB 3.622 tỷ đồng… Điểm đáng chú ý, 6 tháng đầu năm nay bảng xếp hạng đã có sự thay đổi về thứ hạng khi “ông lớn” BIDV từ vị trí thứ tư hồi năm ngoái đã tụt xuống vị trí thứ năm, xếp sau MBBank (năm ngoái MBBank xếp vị trí thứ sáu). Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận BIDV sụt giảm vẫn đến từ gánh nặng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Nửa đầu năm, ngân hàng này đã trích lập dự phòng tới 10.710 tỷ đồng, chiếm gần 70% lợi nhuận thuần, đứng đầu hệ thống. Trong năm 2018, ngân hàng này cũng đã phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tới gần 18.900 tỷ đồng, trong đó 6 tháng đầu năm là hơn 10.000 tỷ đồng.
Hiện BIDV là ngân hàng có nợ xấu nội bảng lớn nhất hệ thống với 21.121 tỷ đồng vào cuối tháng 6-2019, tăng 12,3% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng mạnh tới 46% lên 10.492 tỷ đồng, chiếm tới 50% tổng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay ở BIDV tăng từ 1,90% hồi đầu năm lên 1,98% vào cuối tháng 6. Một nguyên nhân khác khiến lợi nhuận BIDV sụt giảm là chi phí vốn tăng khi tỷ lệ chi phí lãi trên thu nhập lãi trong 6 tháng đầu năm là 63,7%, tăng so với mức 60,6% cùng kỳ năm ngoái.
Có thể thấy, các ngân hàng đang trong một “cuộc đua” về lợi nhuận, khi đây được coi là chỉ tiêu, là mục tiêu phấn đấu hàng đầu để “làm đẹp” hình ảnh trong mắt cổ đông cũng như khách hàng. Nhìn vào con số trong báo cáo tài chính các ngân hàng nửa đầu năm nay, nhiều ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng so với cùng kỳ tới trên 20%, thậm chí trên 40% và cá biệt có ngân hàng như VIB và TPBank đã tăng trưởng lên đến 58%. Trong bối cảnh nguồn thu chính của các ngân hàng đến từ mảng tín dụng đang bị thu hẹp, nhiều ngân hàng đã đột phá lợi nhuận khi chuyển hướng đầu tư mạnh vào mảng dịch vụ.
Những ngân hàng “ăn nên, làm ra” nhờ mảng dịch vụ trong 6 tháng đầu năm có thể kể đến VIB với lãi từ hoạt động dịch vụ tăng tới 142% cùng kỳ; TPBank tăng gấp đôi cùng kỳ; ACB với tăng trưởng từ mảng phân phối bảo hiểm qua ngân hàng tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ; MBBank tăng mạnh 85% lợi nhuận mảng dịch vụ cũng nhờ công ty con kinh doanh bảo hiểm. Xu thế này cũng đang diễn ra tại nhiều ngân hàng như Sacombank, Techcombank, HDBank, OCB, SCB…
Nợ xấu cũng tăng mạnh
Mặc dù các con số về lợi nhuận ngân hàng những năm gần đây ngày càng đẹp, nhưng hệ thống ngân hàng vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện, nhất là vấn đề nợ xấu, hệ số an toàn vốn.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 6-2019, ước tính toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 937.500 tỷ đồng nợ xấu, trong đó riêng trong năm 2018, đã xử lý được 163.140 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, riêng xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15-8-2017 đến cuối tháng 6-2019, toàn hệ thống ước đã xử lý được hơn 264.000 tỷ đồng nợ xấu (xác định theo Nghị quyết 42), trong đó xử lý nợ xấu nội bảng là 127.641 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tính chung thì tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 6-2019 lại có xu hướng tăng so với cuối năm 2018, từ mức 1,89% lên 1,91%. Ngoài việc tăng nợ xấu nội bảng do một số ngân hàng tích cực mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC thì cũng có một tỷ trọng nợ xấu mới phát sinh chủ yếu do các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động tín dụng. Thống kê sơ bộ tổng giá trị nợ xấu của 25 ngân hàng đang khoảng 86.000 tỷ đồng, tăng khoảng hơn 8% so với cuối 2018 (trong khi tín dụng chỉ tăng hơn 7%). Riêng nhóm Big3 (Vietcombank, BIDV và Vietinbank), con số nợ xấu lên tới trên 41.000 tỷ đồng. Một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh như: SHB tăng từ 2,4% lên 2,88% (tương đương hơn 6.912 tỷ đồng); TPBank tăng từ 1,12% lên 1,5%...
Theo phân tích của Công ty CP chứng khoán VNDirect, khác với trước đây, nợ xấu trong quá khứ của các ngân hàng đến từ các khoản cho vay với mục đích đầu cơ và các hoạt động không phải ngành kinh doanh chính (như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản) và cho vay các khoản đầu tư không hiệu quả của doanh nghiệp quốc doanh. Trong khi đó, nợ xấu mới hiện tại lại đến từ các khoản đầu tư của tư nhân, vay tiêu dùng của hộ gia đình và cá nhân, đặc biệt là ở các ngân hàng bán lẻ. Do đó, nợ xấu sẽ tăng nhiều nhất ở các ngân hàng mở rộng trong mảng bán lẻ, đặc biệt là tài chính tiêu dùng do hoạt động này rủi ro cao.
Trong khi đó, việc xử lý nợ xấu tồn đọng trước đây theo Nghị quyết 42 vẫn còn gặp những vướng mắc đáng kể. Theo chuyên gia ngân hàng, TS Cấn Văn Lực, thực tế việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 còn nhiều vướng mắc, trong đó vướng mắc lớn nhất vẫn là quyền thu giữ tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn rất hạn chế, gần như chưa có vụ án nào được áp dụng trong thực tế theo hướng dẫn thủ tục rút gọn. Ngoài ra, còn nhiều vướng mắc trong thủ tục sang tên, chuyển nhượng tài sản đảm bảo, sự thiếu đồng bộ, nhất quán và quyết liệt của các bên tham gia xử lý nợ xấu, sự thiếu vắng của một thị trường mua bán nợ thực sự…
Còn đối với tỷ lệ an toàn vốn (hệ số CAR), tính đến hết tháng 4-2019 CAR của toàn hệ thống đang là 12,19%. Trong đó, CAR của khối ngân hàng thương mại Nhà nước là 9,61%; khối ngân hàng thương mại cổ phần là 11,1%; khối ngân hàng liên doanh nước ngoài 25,9%. Mặc dù hiện CAR của các ngân hàng đều ở trên ngưỡng tối thiểu, nhưng tại các ngân hàng quốc doanh (trừ Vietcombank) đã phải tính đến giải pháp kiềm chế tăng quy mô tổng tài sản để đảm bảo tỷ lệ này.
Đây không phải là phương án lâu dài, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận ngân hàng. Hơn nữa, theo chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu, nếu tính theo Thông tư 41, sẽ có không ít nhà băng không đảm bảo yêu cầu vốn tối thiểu. “Đó là chưa kể mức độ tin cậy của hệ số CAR tại các ngân hàng cũng vẫn đang là vấn đề đáng lưu tâm. Việc phân loại nợ xấu, trích lập dự phòng còn nhiều vấn đề, các ngân hàng vẫn có xu hướng “làm đẹp” trên sổ sách” - TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Như vậy, có thể thấy, dù biểu đồ lợi nhuận các ngân hàng không ngừng đi lên, song nợ xấu, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn đang là vấn đề không nhỏ mà nhiều ngân hàng phải đối mặt. Nếu sa đà vào tăng trưởng tín dụng mà không kiểm soát tốt nợ xấu thì bài toán xử lý nợ xấu sẽ ngốn không ít nguồn lực của nhiều ngân hàng trong những năm tới.
Có thể thấy, dù biểu đồ lợi nhuận các ngân hàng không ngừng đi lên, song nợ xấu, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn đang là vấn đề không nhỏ mà nhiều ngân hàng phải đối mặt. Nếu sa đà vào tăng trưởng tín dụng mà không kiểm soát tốt nợ xấu thì bài toán xử lý nợ xấu sẽ ngốn không ít nguồn lực của nhiều ngân hàng trong những năm tới.
Xem bài gốc Tại đây
An ninh Thủ đô