MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi vốn ngân hàng bị “o ép”

26-09-2016 - 10:10 AM | Tài chính - ngân hàng

NH đóng vai trò chính trong cung ứng vốn cho nền kinh tế khiến nguy cơ rủi ro tăng .

Tại sao cứ mãi phân nhầm vai?

Những nhược điểm trong phát triển thị trường vốn được chỉ ra từ nhiều năm nay, nhưng đến thời điểm này chúng ta vẫn chưa thể khắc phục được. Thị trường chứng khoán vẫn trầm lắng sau giai đoạn tăng trưởng nóng.

Do thị trường vốn chưa phát triển, nên vốn NH vẫn đóng vai trò chủ đạo trong đầu tư cho nền kinh tế, kể cả vốn dài hạn, dẫn đến tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống NH. Cũng bởi sự phụ thuộc quá nhiều vào vốn NH nên nó đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, do đặc điểm các dự án lĩnh vực này vốn đầu tư cao, thời gian vay dài, trong khi vốn NH chủ yếu là huy động vốn ngắn hạn. Một minh chứng là 85-90% tổng mức đầu tư của các dự án BOT có tài trợ vốn của NH.

“Tất nhiên, việc NH cho vay các dự án trên không bị ép buộc mà vẫn phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro của mình. Nhưng nếu đó không phải là các dự án trọng điểm quốc gia với sự kêu gọi của Bộ Giao thông - Vận tải vào thời điểm cách đây 2-3 năm thì có lẽ các NH sẽ không cho vay nhiều các dự án về BOT, BT”, một chuyên gia NH lấy dẫn chứng về yếu tố tác động gián tiếp sức ép lên vốn NH.

Sự mất cân đối trong phát triển nguồn vốn cũng khiến việc phân vai trên thị trường khá khó khăn. Chính phủ dường như không có nhiều sự lựa chọn trong việc “chỉ định” kênh cấp vốn.

Vì vậy, trong nhiều gói tín dụng chính sách ưu đãi cho vay dài hạn như chương trình cho vay nhà ở theo Nghị quyết 02, nhà ở chính sách… đáng lẽ đơn vị thực hiện phải là Bộ Tài chính với công cụ tài khóa nhưng vẫn phải chuyển giao sang ngành NH dù vốn huy động của hệ thống NH chủ yếu là ngắn hạn. Đương nhiên vì nhiệm vụ các NHTM không thể “từ chối” cho vay.

“Một số NH thực hiện theo các gói tín dụng trên đã đẩy tỷ lệ cho vay trung, dài hạn lên cao tiềm ẩn rủi ro về thanh khoản nếu thị trường có biến động”, TS. Cấn Văn Lực chỉ ra bất cập về việc phân vai “nhầm”.

Cách nào giảm “o ép”?

Đã có ý kiến bình luận: một khi vốn NH vẫn bị “o ép” như hiện nay thì khó tránh khỏi những rủi ro về tín dụng, nợ xấu. Trên thế giới các NH cũng chủ yếu huy động ngắn hạn nhưng họ chỉ cho vay tương ứng với kỳ hạn huy động được. Vì sau lưng họ có thị trường vốn khá ổn định. Còn tại Việt Nam, không có thị trường vốn để dựa, các NH chỉ có thể lấy vốn huy động chủ yếu từ ngắn hạn đến trung hạn để cho vay trung, dài hạn từ 1-5 năm, thậm chí có dự án đến 10 năm; hay như chương trình cho vay nhà ở theo Nghị quyết 02, thời gian vay vốn lên tới 15 năm.

Làm thử một phép tính: Với vốn huy động 6 tháng, chưa bàn đến việc khách hàng có rút hết tiền hay chỉ lấy lãi rồi tái tục, nhưng chắc chắn định kỳ đến thời điểm đáo hạn sổ tiết kiệm, NH phải chuẩn bị sẵn sàng số tiền đó để trả người gửi tiền. Nhưng đối với người vay, thì không NH nào có thể khẳng định chắc chắn 100% là đến thời điểm đó khách hàng trả nợ đúng hạn. Khi tiền chưa trở lại thì NH phải bù đắp từ khoản vốn khác hoặc là huy động mới để trả khoản huy động cũ đang bị “kẹt” trong tín dụng.

Đối với những NHTM lớn thì không quá khó khăn để huy động được vốn, thậm chí với giá rẻ. Nhưng các NH nhỏ, yếu kém thì buộc phải tăng lãi suất mới có thể huy động vốn nếu không rủi ro thanh khoản trực chờ.


CPH các DNNN nhằm cung cấp hàng hóa có chất lượng cao cho thị trường

CPH các DNNN nhằm cung cấp hàng hóa có chất lượng cao cho thị trường

“Điều này không thể tránh được, vì nếu cho vay 1 năm thì việc dự báo trong tầm tay của NH. 2 năm có thể khó hơn nhưng vẫn trong tầm kiểm soát được. Nhưng nếu kỳ hạn vay là 5 năm trở lên thì khả năng kiểm soát dòng tiền hạn chế nhiều… Tóm lại, nếu vốn huy động ngắn hạn, mà thời gian cho vay càng dài thì rủi ro càng cao, không chỉ NH mà cả nền kinh tế”, một chuyên gia NH nhận định.

Cũng bởi sự mất cân đối này nên NHNN buộc phải đưa ra những quy định hành chính về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung hạn như một kim chỉ nam để các NH tự cân đối điều chỉnh hoạt động của mình. Điều này tuy không theo thông lệ quốc tế (trên thế giới NHTW không can thiệp chỉ số này mà họ điều tiết qua hệ số CAR của các NH), nhưng một thành viên Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia đồng tình với quyết định trên của NHNN trong thời điểm này để hạn chế rủi ro hệ thống.

Trước những rủi ro có thể thấy được, nhiều ý kiến cho rằng giảm dần sức ép vốn cho NH đang trở nên cấp thiết. “Vấn đề giảm bớt sự lệch lạc trong phân vai trên thị trường vốn và có lộ trình cụ thể chứ không phải chỉ là hô hào. Nhất là khi Việt Nam ký kết nhiều hiệp định như TPP, AEC, đến 2020 theo cam kết WTO phải mở cửa thị trường tài chính”, một chuyên gia nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất: Trong vòng 4 năm tới, có thể chia làm 2 giai đoạn với mục tiêu cụ thể. Vì thị trường tiền tệ luôn là điểm tựa vững chắc của thị trường tài chính, nên giai đoạn 2 năm đầu (2017, 2018) tiếp tục thúc đẩy tái cơ cấu ngành NH mạnh mẽ hơn nữa, quản trị rủi ro phải chấn chỉnh một cách toàn diện, vấn đề lợi ích nhóm, sở hữu chéo phải triệt tiêu.

Basel II được áp dụng một cách đầy đủ với số lượng NH thực hiện nhiều hơn con số 10 như hiện tại… Khi có thị trường tiền tệ lành mạnh vững chắc, hai năm sau, là thời điểm thị trường vốn buộc phải chuyển mình với những quyết sách mạnh như cải cách các DNNN thông qua CPH nhằm cung cấp hàng hóa có chất lượng cao cho thị trường.

Đồng thời, phải thúc đẩy sự hình thành và phát triển các công ty xếp hạng tín nhiệm DN góp phần phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu DN theo hướng minh bạch, phù hợp với thông lệ thế giới.

Tất nhiên thị trường phát triển thế nào còn tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro cũng như phân khúc nhà đầu tư. Nhưng nhìn chung khi thị trường có định hướng phát triển rõ ràng và chỉ ra cho người ta tiềm năng phát triển và tính ổn định cao thì sẽ ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư không chỉ nhà đầu tư nội mà ngoại cũng không ít.

Theo Nguyễn Vũ

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên