MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khiếu kiện kéo dài trong thu hồi đất tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định

18-08-2021 - 15:47 PM | Bất động sản

Khiếu kiện kéo dài trong thu hồi đất tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định

Việc khiếu nại tố cáo liên quan đến thu hồi đất thực hiện dự án như khu đô thị ở Văn Giang (Hưng Yên), các dự án tại khu đô thị tại quận Hà Đông, Hà Nội, thành phố Lạng Sơn … vẫn kéo dài dù đã được nhiều lần rà soát.

Chuyển cơ quan điều tra 4 vụ việc

Ngày 18/8, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri và kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội.

Về khiếu nại tố cao, theo báo cáo 6 tháng đầu năm của Thanh tra Chính phủ, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp nhận 161.215 đơn của công dân, trong đó có 20.451 đơn khiếu nại (giảm 25.9%), 8.592 đơn tố cáo (giảm 38,1%). Trong số đó có 10.070 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính, đến nay đã giải quyết 7.677 vụ việc.

Theo ông Bình, kết quả giải quyết đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước và trả lại cho công dân, tổ chức 33,53 tỷ đồng, 20 héc ta đất, đồng thời trả lại quyền lợi cho 7 tổ chức và 288 các nhân, kiến nghị xử lý hành chính 233 người, chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 4 vụ việc. Trong đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam 1 vụ việc, Hà Nội 2 và Nghệ An 1 vụ việc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, tới đây giám sát về vấn đề này, Ban Dân nguyện hàng tháng báo cáo nội dung gì ra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội? Cần quan tâm công tác giám sát, chí ít là đôn đốc Chính phủ, cơ quan Chính phủ giải quyết cho người dân.

"Cái nào của T.Ư thì T.Ư giải quyết, cái nào địa phương thì địa phương giải quyết, gắn với trách nhiệm và phải báo cáo lại Quốc hội chứ không phải nói chơi, không làm. Qua giải quyết, anh nào sai, anh nào đúng phải rõ ràng, phân minh mới có chuyển biến", ông Vương Đình Huệ cho hay.

Cũng về khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, Thanh tra Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an lập danh sách 35 vụ việc, trình Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để có kế hoạch kiểm tra, rà soát, chỉ đạo, giải quyết dứt điểm.

"Đến nay, có 16 vụ việc đã được Tổ công tác xem xét, chỉ đạo và địa phương có báo cáo đã giải quyết xong; hiện còn 19 vụ việc đang được tiếp tục rà soát, giải quyết theo chỉ đạo của Tổ công tác", ông Bình cho hay.

Thống kê kiểm đếm rõ ràng 500 vụ nổi cộm

Ban Dân nguyện dẫn báo cáo của Bộ Công an, có 501 vụ việc tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự xã hội ở một số địa phương do Công an các tỉnh thống kê để xây dựng phương án đảm bảo an ninh, trật tự. Trong số đó có vụ việc đang được các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương xem xét, giải quyết hoặc rà soát theo quy định; có vụ việc đã được các cơ quan Trung ương nhiều lần rà soát nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại.

Một số vụ việc điển hình được viện dẫn, như sự việc khiếu nại tố cáo liên quan đến việc thu hồi đất để thực hiện dự án Khu đô thị mới Văn Giang, Hưng Yên; vụ việc khiếu nại, tố cáo của một số công dân ở quận Hà Đông, Hà Nội liên quan đến việc thu hồi đất của một số dự án trên địa bàn; vụ việc của một số công dân phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn liên quan đến việc thu hồi đất để thực hiện Dự án chỉnh trang, phát triển đô thị và quy hoạch khu dân cư tại khối 2, phường Vĩnh Trại, TP.Lạng Sơn…

Trong thời gian tới Ban Dân nguyện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an trong việc rà soát lại các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, nhất là các vụ việc có tính chất rất bức xúc, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có giải pháp giải quyết dứt điểm vụ việc.

"Lần này giám sát có thống kê, kiểm đếm rõ ràng, 500 vụ việc có hồ sơ rõ ràng. Làm sao cuối năm, tất cả được giải quyết cơ bản, không đẻ ra số mới. Tránh tình trạng chưa giải quyết cũ thì đẻ ra số mới", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ban Dân nguyện đã chuyển 807 kiến nghị cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong đó, 471 kiến nghị liên quan đến việc đề xuất xây dựng chính sách, pháp luật; 281 kiến nghị liên quan đến việc tổ chức thực hiện pháp luật và 55 kiến nghị liên quan đến những vấn đề khác. Các kiến nghị của cử tri tập trung vào các nhóm vấn đề chính như quản lý nhà nước về đất đai, môi trường; cải cách tiền lương; phòng, chống dịch bệnh COVID-19; miễn giảm thuế cho các tổ chức kinh tế bị ảnh hưởng do đại dịch…

Theo Luân Dũng

Tiền phong

Trở lên trên