Khó được dùng "điện sạch" bởi giá điện quá bèo?
Rào cản chính đối với phát triển điện mặt trời là biểu giá bán lẻ thấp làm cho năng lượng tái tạo trong đó có điện mặt trời được coi là đắt. Giá bán điện lẻ ở Việt Nam chỉ bằng 1/4 so với Brazil và Philippines.
- 17-05-2016Giá bán buôn điện tăng từ 2 - 5%, EVN khẳng định chưa điều chỉnh giá điện
- 16-05-2016Giá bán buôn điện năm 2016 tăng từ 2-5%
- 14-04-2016Quỹ bình ổn giá điện: Còn nhiều băn khoăn
Điện than khiến 21.000 người chết yểu
Tại hội thảo Phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam ngày 24/5, ông Bakhodir Burkhanov Phó giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong ngành điện lực, chủ yếu điện đốt than là nguyên nhân chủ yếu gây ra phát thải khí nhà kính trong tương lai.
Dự đoán, Việt Nam sẽ phát thải 7.4 tấn CO2e/đầu người vào 2030. Với mức bụi hô hấp năm 2030 do các nhà máy điện đốt than của Việt Nam sản sinh ra (nằm trong quy hoạch theo Kế hoạch phát triển điện VII), ước tính có thêm 21.000 người chết yểu/năm.
Tác động tiêu cực của điện than là những chi phí “bên ngoài” giá, do vậy trông có vẻ rẻ nhưng thực tế rất đắt. Do đó, Việt Nam phải có chính sách nhằm khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo.
Ông Nguyễn Viết Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng cho biết, nhu cầu năng lượng của Việt Nam ngày càng tăng nhưng chúng ta đang phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu. Hiện nay có 43 quốc gia trên thế giới đã tiếp cận chương trình năng lượng tái tạo.
Việt Nam được đánh giá có tiềm năng phát triển năng năng lượng tái tạo nhưng khó khăn là giá thành của năng lượng tái tạo cao hơn các dạng năng lượng khác.
Điện tái tạo thiếu hấp dẫn vì được coi là đắt
Tuy nhiên, đại diện UNDP cho rằng, thực tế giá điện trung bình ở Việt Nam duy trì ở mức ngang bằng hàng chục năm qua và thấp hơn nhiều so với các nước khác (giá bán điện lẻ trung bình ở Việt Nam là 7.6 cent Mỹ/kWh), chỉ bằng ¼ so với Brazil và Philippines.
Rào cản chính đối với phát triển điện mặt trời ở các quy mô khác nhau là biểu giá bán lẻ thấp làm cho năng lượng tái tạo trong đó có điện mặt trời được coi là đắt, chưa thể làm cho năng lượng tái tạo thành nguồn điện thay thế hấp dẫn cả về tài chính, quy mô nhà máy và hình thức phát điện.
Biểu giá bán lẻ thấp là do quy định giá dẫn đến việc trợ giá gián tiếp, dẫn đến các khoản lỗ trong ngành điện; trợ giá chéo; không đóng góp vào khoản thu nhà nước; các hỗ trợ khác nhau của nhà nước cho việc phát điện, truyền tải và phân phối điện và không đưa được các chi phí xã hội vào môi trường. Tuy nhiên, tất cả những hệ quả đó lại là các chi phí đối với người đóng thuế.
Theo nghiên cứu của UNDP, Việt Nam có lợi thế về điện mặt trời. Ngoài chi phí đầu tư ban đầu không cần đầu tư gì hết. Điện mặt trời giá chi phí thấp ở các nước khác và đang giảm dần. Ở các nước có điều kiện thuận lợi, điện mặt trời có quy mô lớn có “chi phí năng lượng trung bình” là 6-7cent Mỹ/kWh: thấp hơn chi phí điện đốt than và khí hiện nay ở Việt Nam (và thậm chí chưa tính giá các- bon).
UNDP cũng đưa ra kiến nghị “giá bán điện ưu đãi” (FiT) là 15 cent Mỹ/kWh đối với các nhà máy điện mặt trời trong đất liền và 19 cent Mỹ/kWh đối với các nhà máy điện ngoài hải đảo trong suốt thời gian hoạt động là 20 năm.
Đưa ra các giá bán điện ưu đãi tối đa và thương lượng hoặc đấu giá các dự án đầu tư sao cho các giá này sẽ hạ dần. Hỗ trợ tài chính cho các hệ thống điện mặt trời nối lưới và không nối lưới ở vùng sâu vùng xa và hải đảo.
Ngoài ra, UNDP cũng kiến nghị, cần loại bỏ dần mọi hình thức hỗ trợ cho sản xuất điện đốt than và đưa vào áp dụng phí môi trường/giá các- bon đối với việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Theo ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng tái tạo, Tổng Cục Năng lượng (Bộ Công thương) cho biết, Việt Nam đã có Chiến lược Phát triển Năng lượng tái tạo.
Trong thời gian tới, sẽ tập trung chú trọng phát triển thủy điện, năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, khí sinh học, nhiên liệu sinh học mà Việt Nam có tiềm năng.
Hiện tại đã có 9 tỉnh quy hoạch , tài nguyên gió- nguồn năng lượng này được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhưng mức giá chưa hấp dẫn.
Theo ông Thức, việc điều chỉnh năng lượng tái tạo sao cho phù hợp là khó khăn vì nếu áp dụng giá năng lượng như các nước phát triển thì giá điện EVN bán cho người tiêu dùng là không chịu nổi.
“Khó khăn hiện nay là làm sao để người dân Việt Nam có thể chi trả được, và không tạo khó khăn cân bằng thu chi cho EVN”, ông Thức cho biết.
Theo Quy hoạch, mục tiêu đến năm 2020 hầu hết các hộ dân đều có điện, đến 2030 được tiếp cận dịch vụ năng lượng hiện đại, bền vững, giá hợp lý; giảm phát thải khí nhà kính 5% vào năm 2020; 25% năm 2030 và 45% năm 2050.
Đồng thời giảm nhập khẩu 40 triệu tấn than; 3,7 triệu tấn dầu năm 2030; 150 triệu tấn than; 10,5 triệu tấn dầu năm 2050.
Ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ năng lượng tái tạo đạt khoảng 7% năm 2020, trên 10% năm 2030.
Cụ thể, đến năm 2030, thủy điện đạt 27.800 MW; điện gió 6.000 MW; Điện sinh khối chiếm 2,1%; Điện mặt trời lên 12.000 MW.
Infonet