MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khoản thu từ nhà đất vượt dự toán năm sau 8 tháng

Khoản thu từ nhà đất vượt dự toán năm sau 8 tháng

Theo Bộ Tài chính, tới hết tháng 8, đã có 2 khoản thu NSNN vượt dự toán năm là khoản thu về nhà, đất (đạt 107,7%) và thu khác ngân sách (đạt 102,9%). Bên cạnh đó, có 3 khoản thu khác cũng đã đạt trên 90% dự toán...

Theo Bộ Tài chính, tới hết tháng 8, đã có 2 khoản thu NSNN vượt dự toán năm là khoản thu về nhà, đất (đạt 107,7%) và thu khác ngân sách (đạt 102,9%). Bên cạnh đó, có 3 khoản thu khác cũng đã đạt trên 90% dự toán...

Tiếp sau báo cáo từ Tổng cục Thống kê (GSO), Bộ Tài chính vừa tiếp tục có báo cáo chi tiết hơn về tình hình thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) trong giai đoạn.

Về tổng thể, NSNN lũy kế 8 tháng đầu năm tiếp tục thặng dư lớn, với hơn 251,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thu ngân sách trung ương ước đạt 84,8% dự toán và ngân sách địa phương ước đạt 86,4% dự toán.

Trong giai đoạn, có nhiều khoản thu, sắc thuế tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Trong đó, có 2 khoản thu đã vượt dự toán chỉ sau 8 tháng là thu về nhà, đất (đạt 107,7%) và thu khác ngân sách (đạt 102,9%); cùng 3 khoản thu khác đã đạt trên 90% dự toán...

Thu NSNN giảm trong tháng 8

Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, thu NSNN tháng 8 ước đạt 106 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 46 nghìn tỷ đồng so với số thu tháng trước, trong đó, thu nội địa ước đạt 78,4 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 43,4 nghìn tỷ đồng; thu từ dầu thô ước đạt 6,2 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 2,6 nghìn tỷ đồng so tháng trước.

Đồng thời, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 16,6 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 5,2 nghìn tỷ đồng so tháng trước.

Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân thu NSNN tháng 8 giảm, trong đó thu nội địa giảm chủ yếu do một số khoản thu chế độ cho phép thu theo quý như thuế TNDN, thuế TNCN và thuế GTGT của hộ kinh doanh phát sinh quý 2/2022 các DN đã kê khai, nộp trong tháng 7, sang tháng 8 phát sinh thấp.

Bên cạnh đó, thu từ dầu thô giảm là do giá dầu thanh toán bình quân mặc dù vẫn cao hơn dự toán nhưng lại thấp hơn 9,8 USD/thùng so với tháng trước.

Riêng thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu, trong tháng 8 kim ngạch nhập khẩu có thuế của một số mặt hàng có số thu ngân sách lớn giảm mạnh như xăng, dầu, sắt thép, hóa chất, chất dẻo, bông các loại...; kết hợp với số hoàn thuế cho một số dự án tăng theo tiến độ thực hiện, làm giảm số thu cân đối ngân sách trong lĩnh vực này.

Đồng thời, trong tháng 8, cơ quan thuế, hải quan tiếp tục triển khai các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí đã ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; lũy kế tổng số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm, gia hạn đến hết tháng 8 ước khoảng 106,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số tiền gia hạn khoảng 52 nghìn tỷ đồng (số thuế gia hạn đã nộp NSNN khoảng 10 nghìn tỷ đồng); số tiền miễn, giảm khoảng 54,2 nghìn tỷ đồng.

Vẫn còn 2 khoản thu chưa đảm bảo tiến độ

Theo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách 8 tháng ước đạt 1.208,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,6% dự toán.Trong đó, thu nội địa ước đạt gần 954,6 nghìn tỷ đồng, bằng 81,1% dự toán, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, số thu thuế, phí nội địa đạt 80,2% dự toán, tăng 13,6% so với cùng kỳ (loại trừ các yếu tố tác động của chính sách miễn, giảm, gia hạn, thì số thu thuế, phí nội địa không kể các khoản đột biến thì tăng 6,9% so với cùng kỳ).

Theo thống kê, đến hết tháng 8, có 2 khoản thu ước vượt dự toán, 3 khoản thu đạt trên 90% dự toán.

Cụ thể, 2 khoản thu ước vượt dự toán là khoản thu về nhà, đất (đạt 107,7%) và thu khác ngân sách (đạt 102,9%); 03 khoản thu đạt trên 90% dự toán là thu thuế thu nhập cá nhân (đạt 98,9%), thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên khoáng sản (đạt 99,2%) và thu quỹ đất công ích và hoa lợi công sản khác (đạt 94%).

Bên cạnh đó, các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất kinh doanh (chiếm 52% dự toán tổng số thu nội địa) ước đạt 76,8% dự toán, tăng 11,2% so với cùng kỳ.

Cụ thể, thu từ khu vực DNNN đạt 74,9% dự toán, tăng 9,8%; thu từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 71,9% dự toán, tăng 3,4%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 82% dự toán, tăng 18,4%.

Tuy nhiên, vẫn còn 2 khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường (đạt 57,6%) và thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước (đạt 50,9%).

Cũng theo Bộ Tài chính, mặc dù thu NSNN tháng 8 giảm, nhưng tổng thu của 8 tháng vẫn tăng, trong đó nguyên nhân quan trọng phải kể tới là cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, những tác động tích cực từ các chính sách tài khoá hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, thì cơ quan thuế, hải quan các cấp cũng đã nỗ lực tăng cường các giải pháp chống thất thu NSNN.

Khoản thu từ nhà đất vượt dự toán năm sau 8 tháng - Ảnh 1.

BizLIVE tổng hợp theo Báo cáo định kỳ Bộ Tài chính. Đơn vị: Nghìn tỷ đồng


Tiến độ chi đầu tư phát triển đạt thấp

Về chi NSNN, luỹ kế chi 8 tháng, tổng chi NSNN ước đạt 956,4 nghìn tỷ đồng, bằng 53,6% dự toán, tăng 4,2% so cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 212,2 nghìn tỷ đồng, bằng 40,3% dự toán Quốc hội quyết định, đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chi trả nợ lãi ước đạt 65,2 nghìn tỷ đồng, bằng 62,9% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 677,3 nghìn tỷ đồng, bằng 60,9% dự toán.

Trong giai đoạn, NSTW đã chi 2,4 nghìn tỷ đồng từ nguồn dự phòng NSTW năm 2022, trong đó chủ yếu để bổ sung cho các địa phương (2,1 nghìn tỷ đồng) kinh phí phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã thực hiện xuất cấp khoảng 27,6 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.

Riêng về chi đầu tư phát triển, tổng số kế hoạch vốn năm 2022 Thủ tướng Chính phủ đã giao 542,1 nghìn tỷ đồng; các địa phương đã giao kế hoạch vốn đầu tư của địa phương (từ các nguồn tăng thu, kết dư ngân sách địa phương,…) tăng thêm khoảng 55,9 nghìn tỷ đồng so kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn được giao đạt 101,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (không kể số kế hoạch vốn các địa phương giao tăng thêm, thì đạt 90,72%). Tính đến ngày 22/8/2022, vẫn còn 50,3 nghìn tỷ đồng (9,28%) kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao chưa được phân bổ chi tiết (trong đó: 10 bộ, cơ quan trung ương là 7,1 nghìn tỷ đồng; các địa phương là 43,2 nghìn tỷ đồng).

Tiến độ giải ngân 8 tháng đầu năm mặc dù tăng 13,3% so cùng kỳ, nhưng tỷ lệ mới đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 40,6%). Trong đó giải ngân vốn ngoài nước chỉ đạt 14,02% kế hoạch. Có 07 Bộ và 12 địa phương tỷ lệ giải ngân đạt trên 45% kế hoạch, trong khi vẫn còn 27 bộ, cơ quan trung ương và 03 địa phương tỷ lệ giải ngân vốn đạt dưới 20% kế hoạch vốn được giao.

Theo Tuấn Việt

BizLive

Trở lên trên