Khối ngoại bán ròng gần 7.000 tỷ trong quý 1/2022, đâu là những cái tên bị "xả" mạnh nhất?
Giao dịch khối ngoại tiếp tục là điểm trừ cho thị trường khi họ bán ròng 6.561 tỷ đồng trong quý 1/2022, song đã có dấu hiệu khả quan khi giảm gần 63% so với giá trị bán ròng trong cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh tin tức tiêu cực bao vây thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index vẫn ghi nhận mức tăng tốt trong tuần cuối cùng của quý 1/2022. Trong đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn đóng vai trò "trụ cột", dẫn dắt đà đi lên của chỉ số. Bên cạnh đó, thanh khoản chung của thị trường cũng được cải thiện hơn so với trung bình các tuần trước và duy trì ở mức cao.
Tuy nhiên, nhìn chung trong ba tháng đầu năm 2022, thị trường vẫn đang trong giai đoạn giằng co với xu hướng không rõ ràng trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ. Đặc biệt, giao dịch khối ngoại tiếp tục là điểm trừ cho thị trường khi họ bán ròng 6.561 tỷ đồng trong quý 1/2022, song đã có dấu hiệu khả quan khi giảm gần 63% so với giá trị bán ròng trong cùng kỳ năm trước.
Xét riêng theo từng mã cổ phiếu, lực bán bán của khối ngoại tập trung tại các cổ phiếu như MSN, VIC, HPG, NVL với giá trị đột biến mỗi cổ phiếu đều trên 2.000 tỷ đồng; ngoài ra cũng tiếp tục bán ròng hàng trăm tỷ VNM, CII, HDB, E1VFVN30, VCI.
Ngược lại, dòng tiền ngoại trong những tháng đầu năm nay đã tìm đến cổ phiếu ngân hàng STB và "ông lớn" ngành hóa chất là DGC. Bên cạnh đó ,VHM, KBC, DXG, VPB cũng đứng vị trí cao trong danh sách mua ròng của khối ngoại trong quý 1/2022.
Trên sàn HoSE, khối ngoại có quý thứ 7 liên tiếp bán ròng, giá trị bán ròng trong ba tháng đầu năm ghi nhận 7.275 tỷ đồng. Cụ thể, nhà đầu tư ngoại bán ròng 3.861 tỷ đồng thông qua khớp lệnh trên sàn, bên cạnh đó tiếp tục bán ròng thêm 3.414 tỷ đồng thông qua giao dịch thỏa thuận, qua đó nới rộng thêm đà bán ròng chung.
Tại chiều bán, cổ phiếu chứng khoán MSN của Tập đoàn Masan là tâm điểm bán ròng trong suốt ba tháng vừa qua với giá trị ghi nhận là 5.707 tỷ đồng, trong đó đáng chú ý là giao dịch bán thỏa thuận gần 5.200 tỷ đồng. Phần lớn lượng bán ròng thỏa thuận được thực hiện trong phiên 19/1 với khối lượng "khủng" hơn 33 triệu cổ phiếu MSN, tương đương tổng giá trị giao dịch đạt trên 4.750 tỷ đồng - hành động được cho là của Quỹ đầu tư Amolis Investment thuộc Chính phủ Singapore.
Còn xét về diễn biến cổ phiếu MSN, thị giá trong ba tháng đầu năm giảm gần 17%, chốt phiên 31/3 đạt 142.200 đồng/cổ phiếu.
MSN 'đánh rơi' 17% về thị giá sau ba tháng
Bên cạnh MSN, khối ngoại cũng bán ròng hàng nghìn tỷ đồng tại ba bluechips là VIC, HPG và NVL. Khác với Masan, ba cổ phiếu này chủ yếu bị bán ròng trên kênh khớp lệnh. Tuy vậy, điểm tương đồng chính là thị giá của những mã vốn hóa lớn này không có sự bứt phá, thậm chí là giảm mạnh trong thời gian qua.
Cụ thể, VIC "rơi" từ vùng 100.000 đồng/cp hồi đầu năm về sát mức 81.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng giảm khoảng 15%; NVL cũng giảm 12% sau ba tháng trong khi HPG diễn biến side-way khi giảm nhẹ 3% so với mức giá khởi đầu năm 2022.
Diễn biến giá ba cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nghìn tỷ trong quý 1/2022
Các cổ phiếu khác tại sàn HoSE bị bán ròng trên 500 tỷ đồng trong quý 1 còn có thể kể đến là VNM (940 tỷ đồng), CII (772 tỷ đồng ), HDB (678 tỷ đồng), chứng chỉ quỹ E1VFVN30 (616 tỷ đồng). Hầu hết các mã này đều theo xu hướng giảm giá từ đầu năm đến nay.
Trong khi đó, cổ phiếu ngân hàng STB đón dòng vốn ngoại quay lại trong những tháng đầu năm 2022, tổng giá trị mua ròng trong quý 1 vượt mức 2.000 tỷ đồng. Song song với đó, cổ phiếu ngành hóa chất DGC hay bluechips dòng bất động sản VHM cũng ghi nhận khối ngoại rót ròng nghìn tỷ đồng.
Trên sàn HNX, khối ngoại ngược chiều, trở lại xu hướng mua ròng với giá trị 164 tỷ đồng, theo đó họ mua ròng 149 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh đồng thời mua ròng thêm hơn 15 tỷ đồng thỏa thuận
Giao dịch chiều bán tại HNX ghi nhận cổ phiếuTNG bị bán mạnh nhất với gần 230 tỷ đồng. Tuy vậy, bất chấp áp lực bán ra mạnh cộng thêm thị trường lình xình, cổ phiếu ngành dệt may này từ đầu năm vẫn liên tục duy trì xu hướng tăng điểm, thậm chí trong phiên 30/3 còn xác lập mức đỉnh giá lịch sử 40.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng thị giá tăng tới 23% so với hồi đầu năm
Theo sau là NTP với giá trị bán ròng 47 tỷ đồng và THD bị bán ròng 37 tỷ đồng. Danh sách bán ròng còn có VCS (37 tỷ đồng), NVB (23 tỷ đồng), LHC (16 tỷ đồng)...
Ngược lại, trong quý 1, khối ngoại mua ròng trên sàn HNX mạnh nhất tại hai mã PVS và PVI với lần lượt 131 tỷ đồng và 104 tỷ đồng, các cổ phiếu được mua ròng còn có IDC, CEO, HUT, DL1, PLC...
Trên sàn UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng mạnh 550 tỷ đồng trong quý 1/2022, trong đó họ mua ròng gần 940 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh, tuy nhiên lại bán ròng gần 400 tỷ qua kênh thỏa thuận.
Tại phía mua vào, cổ phiếu QNS trong ba tháng đầu năm được nhà đầu tư ngoại mua ròng nhiều nhất với 295 tỷ đồng, chủ yếu đều qua mua khớp lệnh. Ngoài ra, dòng vốn ngoại cũng tìm đến BSR với giá trị mua ròng ghi nhận 92 tỷ đồng. Danh sách mua ròng còn có CLX, QTP, VEA, NTC, VTP, VOC...
Trong khi đó, cổ phiếu SGB quý này dẫn đầu danh sách bán ròng khi bị khối ngoại bán ròng gần 310 tỷ đồng và phần lớn bán qua kênh thỏa thuận. Bên cạnh đó, ABC và FOX cũng bị bán ròng lần lượt 40 tỷ đồng và 30 tỷ đồng, một số cổ phiếu bị bán ròng từ nhà đầu tư ngoại trên UPCoM còn có ID[, HPP, VNA, BDT, ABI...