Khối ngoại mua ròng DXS liên tục 6 tháng từ khi lên sàn
Khối ngoại liên tục mua ròng cổ phiếu DXS của Công ty Cổ phần Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh từ khi niêm yết đến nay và chỉ trong gần 6 tháng, khối lượng mua ròng là hơn 15 triệu đơn vị (tương đương gần 21 triệu đô).
Trước sức hút cổ phiếu đối với dòng vốn ngoại, Chủ tịch HĐQT DXS cho biết không bất ngờ bởi ngay từ khi thực hiện đấu giá ra công chúng (IPO), DXS đã được nhiều quỹ đầu tư nước ngoài tham gia. Trong đó có những quỹ đầu tư quy mô lớn, có tên tuổi trên thị trường, và cổ đông nước ngoài lớn nhất hiện nay của DXS là VinCapital.
Với nhà đầu tư tổ chức, quỹ đầu tư nước ngoài, tiêu chí đầu tư thì nhiều, nhưng theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Hoạch định Chiến lược Đầu tư, quỹ Dragon Capital Việt Nam, chia sẻ trong buổi webinar chủ đề "Kinh nghiệm sống khoẻ trên thị trường chứng khoán dành cho nhà đầu tư mới" do CTCK Bản Việt, cho rằng có thể tóm gọn 4 yếu tố chính: doanh nghiệp tốt, lãnh đạo có tâm có tầm, lợi thế cạnh tranh và sau cùng mới là định giá.
Quan trọng tiên quyết là Quản trị doanh nghiệp phải tốt. Khi đầu tư công ty với lượng tiền lớn, nhỏ là 20tr USD/công ty, lớn 300-400 triệu USD/công ty – đồng nghĩa quỹ sẽ đồng hành dài với DN, không phải nay mua mai bán. Nên tiêu chí đầu tiên là phải đánh giá ban lãnh đạo có tâm có tầm, có cách quản trị minh bạch, tiên tiến hay không. Kế đến là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành (chẳng hạn như sản phẩm, chuỗi cung ứng…). Và dòng tiền thị trường có đang quan tâm không? Và định giá là yếu tố cuối cùng.
Nhưng đâu là lý do quan trọng nhất để khối ngoại lại mua ròng DXS trong thời điểm bán ròng toàn thị trường?
Theo góc nhìn của ông Sơn, nhà đầu tư nước ngoài thường không hiểu rõ thị trường Việt Nam bằng các nhà đầu tư trong nước, nên khi chọn đầu tư, họ ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp đầu ngành để đảm bảo chất lượng lợi nhuận. DXS là công ty môi giới hàng đầu Việt Nam chiếm 30% thị phần với hệ thống phân phối trải dài 63 tỉnh thành với chiến lược hướng đến hệ sinh thái dịch vụ bất động sản.
Kể từ khi tiến hành IPO và niêm yết đến nay, nhiều lần HĐQT, Ban Lãnh đạo của DXS đã khẳng định với các thế mạnh và nền tảng sẵn có, chiến lược xuyên suốt của DXS là củng cố vị trí số 1 mảng môi giới bất động sản thông qua đẩy mạnh môi giới sơ cấp và mở rộng môi giới thứ cấp, ngày càng gia tăng thị phần hơn nữa. Song song đẩy mạnh các mảng dịch vụ tài chính và các dịch vụ phái sinh để hoàn thiện hệ sinh thái. Trong đó mảng môi giới thứ cấp và mảng dịch vụ tài chính là động lực thúc đẩy công ty có sự phát triển đột phá trong những năm tiếp theo. Trong đó, dịch vụ môi giới thứ cấp được DXS nghiên cứu và phát triển một cách toàn diện trong hệ sinh thái. Khách hàng có thể tiếp cận, trải nghiệm tốt nhất cho việc tìm kiếm một sản phẩm đa dạng, phù hợp với nhu cầu một cách nhanh nhất, an toàn và hiệu quả. Đầu tư và phát triển công nghệ là công cụ của DXS thực hiện các mục tiêu trên.
Dù mới niêm yết, nhưng hàng quý, DXS đều tổ chức định kỳ các buổi gặp gỡ chuyên viên phân tích, nhà đầu tư để cập nhật thông tin mới nhất, đầy đủ, và được trình bày trao đổi bằng 2 ngôn ngữ Anh – Việt nhằm đảm bảo công bằng cho NDT NN trong việc tiếp cận thông tin dễ dàng, nhanh chóng như các NĐT trong nước.
Vì mỗi buổi chỉ có khoảng 90 phút, mà mô hình DXS lại khá mới ở thị trường Việt Nam, nên sau đó vẫn có rất nhiều cổ đông vẫn mong muốn có các buổi gặp gỡ sâu hơn để hiểu hơn về doanh nghiệp và mô hình. Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch HĐQT DXS tiết lộ, chính nhờ các buổi gặp gỡ như vậy, DXS lại đón thêm các cổ đông nước ngoài mới.
Vây là hiện tượng mua ròng là nhất thời, hay là xu hướng dài hạn sẽ tiếp diễn?
Theo tân chủ tịch mới của DXS, với sức mạnh nội tại của doanh nghiệp và việc gia tăng số lượng cổ đông tổ chức ngoại đối với ông không phải hiện tượng "lạ" nếu nó vẫn tiếp tục vào năm sau.
Lễ giới thiệu dự án của Đất Xanh Miền Tây – Một thành viên của DXS
Với lợi thế vượt trội của DXS là độ phủ khắp các tỉnh thành và đều có vị thế Top ở mỗi khu vực, theo đó lợi nhuận đóng góp của công ty cũng được phân bổ các vùng miền, không phụ thuộc vào một thị trường nào. Chính nhờ mạng lưới phân phối sâu và rộng, DXS có thể hưởng lợi từ sự phát triển của thị trường bất động sản từng địa phương. Chẳng hạn tại các tỉnh thành lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội với mặt bằng giá bất động sản cao thì tốc độ phát triển sẽ không bằng các tỉnh thành khác. Điển hình là những năm qua, DXS hưởng lợi từ thị trường Miền Trung – cũng là thị trường đóng góp tỷ trọng cao trong doanh thu năm 2021. Bên cạnh đó, khi toàn bộ hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận bị đình trệ do dịch bênh Covid, thì DXS vẫn ghi nhận lợi nhuận từ các vùng miền khác cho thấy sức mạnh hệ thống mang lại cho DXS, giảm thiểu rủi ro cục bộ ở từng thị trường.
Thị trường BĐS nghỉ dưỡng miền Trung sẽ bứt phá sau dịch.
Nói riêng về tiềm năng bất động sản miền Trung, ông Sơn kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh trong năm 2022, đặc biệt khi du lịch mở cửa trở lại thì kinh tế miền Trung sẽ phục hồi ấn tượng, kéo theo đó là thị trường bất động sản (bên cạnh nhiều yếu tố hỗ trợ khác như lãi suất thấp, các gói kích thích kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công…). Hiện ở khu vực này, DXS có công ty con là Đất Xanh miền Trung được thành lập từ 2010 với số vốn ban đầu là 1 tỷ đồng, nay vốn điều lệ đã là 1.400 tỷ đồng và vốn điều lệ tăng lên hoàn toàn từ nguồn lợi nhuận giữ lại. Đất Xanh Miền Trung là đơn vị dẫn đầu thị trường miền Trung với hơn 60% thị phần.
Trong bối cảnh thị trường BĐS nhà ở đón nhận những tích cực từ cả cung cầu và giá bán trong 2022, cùng với tính hiệu hồi phục của BĐS nghỉ dưỡng, thì những công ty môi giới, nhất là vị thế đầu ngành như DXS có thể nắm bắt sự phục hồi của thị trường và đạt kết quả kinh doanh ấn tượng trong 2022. Trong đó, DXS là nhà môi giới được các bên phân tích ưa thích vì đã và đang chuyển đổi hoạt động bán hàng truyền thống của họ sang kỹ thuật số để thích ứng với việc bị gián đoạn do các biện pháp giãn cách xã hội. Đồng thời, quy mô ấn tượng các hợp đồng phân phối sản phẩm sơ cấp của công ty – cơ sở cho sự tăng trưởng ổn định của DXS.