MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khơi thông điểm nghẽn để bứt phá tăng trưởng kinh tế năm 2019

Để nền kinh tế Việt Nam có thể cất cánh, cần đánh giá chính xác bối cảnh của kinh tế thế giới để chớp thời cơ và có biện pháp ứng biến phù hợp.

TS. Nguyễn Đức Thành
TS. Nguyễn Đức Thành
Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách (VEPR)
31 bài viết

Năm 2018 khép lại với những thành tựu đặc biệt trong phát triển kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế đạt mức 7,08%, đây là mức cao nhất trong 11 năm qua và đưa Việt Nam trở thành quốc gia nằm trong nhóm các nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực và thế giới. Năm 2018 cũng được coi là một năm thành công với nhiều kỷ lục kinh tế được thiết lập như: tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 482 tỷ USD và xuất siêu 7,2 tỷ USD (tăng 147% so với năm 2017); tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ( FDI ) tiếp tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng 9,1% với kỷ lục mới về số vốn giải ngân đạt 19,1 tỷ USD. Bên cạnh đó, thu ngân sách Nhà nước cũng đạt dấu mốc đáng ghi nhớ khi lần đầu tiên Việt Nam vượt thu ngân sách 3,5 tỷ USD so với dự toán.

Tuy nhiên, theo TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia, mặc dù tăng trưởng GDP 2018 đạt mức ấn tượng nhưng những yếu kém nội tại trong nền kinh tế vẫn còn hiện hữu rõ nét. Tăng trưởng kinh tế vẫn còn dựa chủ yếu vào vốn, năng suất lao động thấp trong khi hiệu quả đầu tư còn cải thiện chậm. Hoạt động xuất nhập khẩu và diễn biến tỷ giá còn chịu nhiều áp lực và có thể bị ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình kinh tế thế giới trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và các chính sách bảo hộ thương mại quốc tế ngày càng gia tăng.

Khơi thông điểm nghẽn để bứt phá tăng trưởng kinh tế năm 2019 - Ảnh 1.
Năm 2018 được coi là một năm thành công với nhiều kỷ lục kinh tế được thiết lập

“Chất lượng tăng trưởng kinh tế vẫn còn hạn chế. Công nghiệp chế biến, chế tạo được coi là động lực cho tăng trưởng nhưng vẫn chủ yếu hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, năng suất lao động thấp; khả năng liên kết với doanh nghiệp nước ngoài yếu. Tăng trưởng giữa các ngành, lĩnh vực chưa thực sự đồng đều. Thành tích xuất nhập khẩu vẫn chủ yếu là từ khu vực FDI, mặt hàng xuất khẩu chủ lực còn có tính thời vụ. Hiệu quả đầu tư còn chậm cải thiện, vốn giải ngân còn chậm”, TS Đặng Đức Anh chỉ rõ.

Khơi thông điểm nghẽn để bứt phá

Với những nền tảng của năm 2018, Việt Nam xác định năm bản lề 2019 sẽ tiếp tục dồn lực bứt phá để đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững.

PGS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Việt Nam nhận định, tiềm năng cung - cầu của kinh tế Việt Nam trong năm 2019 cũng như những năm tới là rất tốt, hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng.

“Chúng ta có một thị trường tiêu thụ lớn và đã được duy trì tốt nhiều năm qua, sức mua vẫn tiếp tục tăng lên khá nhanh. Về cầu thế giới, chúng ta đang có nhiều lợi thế để duy trì các thị trường sẵn có và mở rộng ra các thị trường mới. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019 sẽ mang đến cơ hội cho hàng Việt xuất sang các nước đã phê chuẩn CPTPP với những ưu đãi thuế quan, nhất là trong thời gian đầu”, PGS Hoàng Văn Cường phân tích.

Khơi thông điểm nghẽn để bứt phá tăng trưởng kinh tế năm 2019 - Ảnh 2.

PGS. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)

Đồng tình với quan điểm này, PGS. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, những mục tiêu cho năm 2019 mà Quốc hội đặt ra là hoàn toàn có thể đạt được thậm chí có thể vượt hơn.

“Động lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 dựa trên nền tảng đã có từ các năm trước là chu kỳ kinh tế vẫn đang tiếp tục hồi phục. Bên cạnh đó, những nỗ lực từ khu vực DN và sự cải cách của Chính phủ cũng sẽ tạo động lực cho nền kinh tế", PGS. Nguyễn Đức Thành nói.

Tuy nhiên, con đường trở thành “con hổ châu Á” sẽ không bằng phẳng, đòi hỏi sự nỗ lực và dám chấp nhận thay đổi trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chuyển động nhanh trong cách mạng 4.0 với nhiều thách thức, biến động.

"Để cơ hội trở thành hiện thực đòi hỏi rất nhiều ở việc cải thiện môi trường thể chế, kinh doanh và chất lượng lao động trong nước”, PGS. Nguyễn Đức Thành nhận định.

Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, một động lực cho tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn đang gặp nhiều rào cản để phát triển đó chính là trong khi thu hút FDI của Việt Nam rất tốt, khu vực FDI phát triển nhưng tỷ trọng giá trị nội địa của Việt Nam hiện đã giảm theo thời gian. Giai đoạn 2010 - 2016 giá trị nội địa trong hàng xuất khẩu có độ tinh xảo cao tại Việt Nam cũng giảm.

“Hiện Việt Nam mới chỉ tham gia vào lắp ráp cơ bản, có nghĩa Việt Nam đang tham gia giá trị ngày càng thấp. Nguyên nhân của tình trạng này là do Việt Nam thiếu nhà cung cấp trong nước có chất lượng tốt. Hiện chỉ có 9% doanh nghiệp (DN) trong nước có chứng chỉ quốc tế về chất lượng”, ông Ousmane Dione cho biết.

Do đó, đại diện Ngân hàng Thế giới khuyến nghị, Việt Nam cần có những hỗ trợ vượt khỏi những chương trình kế hoạch để tháo gỡ khó khăn của DN trong nước, kết nối với DN FDI để giúp các DN trong nước trở thành những nhà cung ứng chất lượng. Bên cạnh đó, cần thu hút nhà đầu tư thành đối tác chính để đưa ra hướng dẫn chỉ đạo, tiếp thị cần thiết cho nền kinh tế với bên ngoài.

Dưới góc độ DN, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air cho rằng, Thủ tướng đã khẳng định, những gì tư nhân làm tốt thì cần tạo điều kiện cho tư nhân làm. Vì thế, Chính phủ cần có chính sách tốt, cơ chế tốt để khai thác nguồn lực từ khu vực tư nhân cho phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng hàng không, sân bay, tận dụng tốt thành tựu của cách mạng 4.0 để nâng cao năng suất lao động của toàn xã hội.

Tuy nhiên, theo bà Thảo, hiện nay toàn bộ cơ sở hạ tầng, bảo các dịch vụ cung ứng như nhà ga, sân bay… đều hoàn toàn phụ thuộc vào độc quyền của Nhà nước.

“Chúng tôi vẫn nói đùa, DN tư nhân không có “tấc đất cắm dùi” liên quan hạ tầng sân bay, dù chúng tôi hoàn toàn có năng lực có thể đầu tư hiệu quả”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo nói.

Đại diện DN này kiến nghị, DN tư nhân mong được ứng xử bình đẳng, công bằng để hướng tới xây dựng tập đoàn tư nhân đầu tàu mang thương hiệu quốc gia của Việt Nam như Samsung của Hàn Quốc… Bên cạnh đó, tốc độ tái cơ cấu, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng cũng cần nhanh hơn để hạn chế ảnh hưởng tới tài chính vĩ mô, giảm triển vọng tăng trưởng quốc gia, trong đó có khu vực kinh tế tư nhân.

3 trụ cột trong phát triển

Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong chiến lược tăng trưởng nhanh và bền vững, Chính phủ Việt Nam đã xác định 3 trụ cột quan trọng trong mọi chính sách và mô hình phát triển bao gồm kinh tế - xã hội và môi trường, đó là nguyên tắc 3 trong 1 của sự phát triển.

Khơi thông điểm nghẽn để bứt phá tăng trưởng kinh tế năm 2019 - Ảnh 3.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019

Hơn lúc nào hết, chúng ta càng thấu hiểu đà tăng trưởng kinh tế sẽ không thể duy trì lâu dài nếu thiếu tính bền vững. Phát triển bền vững không mâu thuẫn với tăng trưởng nhanh, ngược lại chính là nội hàm quan trọng, làm nên điều kiện cần và đủ của tăng trưởng nhanh trong dài hạn, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo đó, Thủ tướng cho biết, năm 2019 và các năm tiếp theo sẽ tập trung thực hiện 6 giải pháp để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Đơn cử, Chính phủ cam kết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế pháp luật và năng lực quản trị nhà nước để cải thiện tăng trưởng tiềm năng từ 7% trở lên. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng tốc và tạo ra các bứt phá trong việc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hướng đến chuẩn mực cạnh tranh, minh bạch và công bằng trong tiếp cận các nguồn lực, giảm chi phí cho DN.

Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ cũng sẽ dành ưu tiên nhiều hơn nữa cho đầu tư khoa học công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng thông minh, hạ tầng kỹ thuật số để thúc đẩy và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng 4. Đồng thời, Chính phủ tập trung các giải pháp phát triển toàn diện, hài hoà giữa kinh tế xã hội và môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy sự phát triển đồng đều hơn giữa các vùng miền.

Theo PGS. Hoàng Văn Cường, lợi thế để tăng trưởng kinh tế 2019 là có, song thách thức cũng không nhỏ. Để nền kinh tế Việt Nam có thể cất cánh, hay trở thành quốc gia thịnh vượng, hùng cường, ngoài nội lực từ bên trong, chúng ta cần phải chú ý đánh giá chính xác bối cảnh của nền kinh tế thế giới để chớp thời cơ, có biện pháp ứng biến phù hợp trong từng thời điểm.

“Phải tiếp tục duy trì được sự ổn định của các chỉ số kinh tế vĩ mô, tiếp tục cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, coi đây là trọng tâm của Chính phủ hành động. Nếu làm tốt những điều đó, chúng ta hoàn toàn tin tưởng nền kinh tế Việt Nam sẽ cất cánh”, PGS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh./.

Theo Cẩm Tú

VOV

Trở lên trên