Khốn khổ vì mua nhà phát mãi từ ngân hàng, gần 2 năm sau chủ cũ mới chấp nhận chuyển đi
Một người phụ nữ đã bỏ ra gần 6 tỷ để mua nhà nghỉ 5 tầng phát mãi. Thế nhưng, trớ trêu gần 2 năm sau kể từ ngày bỏ tiền ra mua, người phụ nữ này mới có thể được nhận bàn giao tài sản.
Đối với nhiều nhà đầu tư, tài sản phát mãi của ngân hàng là "món hời". Bởi thông thường, họ chỉ phải trả khoản tiền thấp hơn so với giá thị trường. Trong khi đó, những tài sản này thường đã được ngân hàng thẩm định về vị trí, pháp lý, vấn đề về quy hoạch.
Thế nhưng thực tế, để sở hữu tài sản phát mãi, người mua rơi vào tình cảnh đầy éo le.
Câu chuyện của một người phụ nữ tên T. đến từ Hà Nội là ví dụ điển hình. Cuối năm 2019, chị T. đã bỏ ra gần 6 tỷ mua lô đất rộng 210m2. Trên đất có tài sản là căn nhà nghỉ 5 tầng được xây dựng từ năm 2012. Thời điểm xem tài sản, chị T. đánh giá cao vị trí của căn nhà nghỉ này cùng chất lượng công trình. Tài sản này nằm sát trục đường lớn, xê dịch vào trong ngõ lớn, nơi ô tô dễ dàng di chuyển vào. Khu vực này cũng dễ dàng thu hút khách tới thuê phòng.
Dự tính sau khi mua lại tài sản này, chị T. sẽ tu sửa lại nhà nghỉ và đưa vào kinh doanh. Thế nhưng, điều đáng nói, đó là dù bỏ ra gần 6 tỷ đồng nhưng 2 năm sau, chị T. mới có thể nhận bàn giao tài sản. Nguyên nhân là bởi phía chủ cũ của nhà nghỉ 5 tầng không hợp tác bàn giao tài sản.
Ban đầu phía ngân hàng đã thỏa thuận với chủ cũ nhưng họ không hợp tác. Sau đó, phía tòa án cũng đã gửi văn bản làm việc với chủ cũ. Họ cũng không hợp tác. Họ vẫn tiếp tục kinh doanh tại nhà nghỉ. Đến cuối cùng, phía tòa án phải có quyết định thi hành cưỡng chế tài sản thì phía chủ nhà cũ mới phải chấp nhận di dời toàn bộ tài sản ra khỏi căn nhà.
"Ngoài bỏ khoản tiền lớn vào tài sản phát mãi, tôi mất tới gần 2 năm không thể nhận tài sản của mình chỉ vì những phát sinh bên ngoài. Mà vấn đề yêu cầu chủ cũ di dời tài sản ra khỏi căn nhà cũng khiến tôi mệt mỏi, mất thời gian, công sức, cộng thêm tiền bạc", chị T. cho hay.
Theo luật sư H. (Hà Nội), việc mua bán tài sản phát mãi thực tế sẽ gặp khá nhiều rủi ro. Tất nhiên, các rủi ro phát sinh cơ bản đều được phía ngân hàng đứng ra xử lý. Tuy nhiên, luật sư H. tiết lộ, để mua được tài sản phát mãi đẹp, khách hàng cũng phải mất thêm chi phí ngoài thì mới có thể bỏ ra chi phí tốt, lựa chọn bất động sản đẹp.
Nhưng trong trường hợp, gia chủ hợp tác thì mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng nhưng nếu gia chủ cũ thiếu thiện chí thì người mua cũng gặp phiền toán.
Đơn cử như, việc chuyển tới ở, người mua có thể gặp sự đe dọa từ chủ cũ. Thông thường khi tài sản rơi vào tình trạng phát mãi thì đồng nghĩa chủ cũ cũng đã không còn khả năng chi trả. Nhiều trường hợp sinh ra "cùng quẫn" nên có hành động đe dọa lại chủ mới, hoặc gây ra phiền nhiễu không đáng có. Luật sư H. cho biết, ông từng gặp 1 số trường hợp như vậy, dù không nhiều. Song theo luật sư H, người mua cũng nên xét các rủi ro có thể xảy ra để sẵn sàng tâm lý xử lý vấn đề phát sinh.