Không ai có thể sống một cuộc đời như ý: Đừng làm nô lệ cho ngày hôm qua hay ngày mai, hãy chỉ biết đến ngày hôm nay thôi
Bạn đã quá để tâm đến thế giới bên ngoài và quên mất việc đi tìm ý nghĩa thực sự cho cuộc sống của mình. Điều bạn cần làm chính là trân trọng những giây phút bình dị nhất từ ngày hôm nay, nếu có cố gắng điều gì đó, hãy cố gắng từ giây phút này. Đừng để đến khi bạn không còn có mặt trên cõi đời này nữa, khi bạn không thể tự ăn uống, tự đi lại, bạn mới thấy tiếc nuối. “Hối hận” luôn là thứ cảm xúc đáng ghét nhất.
- 07-01-2019Muốn thành đại nghiệp, đừng quên tiểu tiết: Người thành công không bao giờ bỏ qua những điều nhỏ nhặt này, đáng tiếc 97% bạn trẻ mắc sai lầm số 7
- 07-01-2019"Con tôi học hành luôn đứng đầu lớp, tốt nghiệp thạc sĩ mà vẫn bị đuổi việc?" - Câu trả lời của sếp khiến bà mẹ ngỡ ngàng
- 07-01-2019Muốn lúc nào cũng rủng rỉnh, người trẻ cần đặc biệt tránh tư duy này
Những lựa chọn từ trước tới giờ đang đưa bạn tới nơi tốt đẹp nhất
Trong cuộc sống, con người luôn có những lựa chọn. Ngay cả những người nghĩ rằng “Từ trước tới nay, tôi không có quyền cũng chẳng đủ dư dả để mà lựa chọn” thì trên thực tế, họ vẫn luôn có xu hướng chọn những thứ mình cho là “tốt”, chỉ là bản thân không nhận ra mà thôi. Điều đó có nghĩa bạn ở hiện tại là kết quả hoàn hảo nhất của những lựa chọn nối tiếp, và sau này bạn vẫn có thể lựa chọn cho mình cuộc đời tốt đẹp hơn thế.
Thông thường, bạn coi trọng điều gì, và sẽ lựa chọn thứ gì?
Khó ai có thể sống một cuộc đời như ý. Việc nuôi dạy con cái vừa nhàn nhã đôi chút, bạn định bụng “Làm việc nào” thì lại phải tiếp tục chăm sóc cha mẹ già, dù có muốn làm việc này, muốn sống ở chỗ kia cũng mãi mà không thể tìm được một công việc, một căn nhà phù hợp.
Chắc hẳn sẽ không ít người trong chúng ta từng có suy nghĩ “Đời tôi chẳng có lấy một việc gì như ý.” Nhưng, sự thật có phải như thế hay không? Thực tế là, mỗi chúng ta vẫn đang lựa chọn mỗi ngày.
Buổi sáng, nghe tiếng chuông báo thức, có dậy hay không là do bạn tự quyết định. Chọn đến công ty bằng đường nào cũng nằm ở bạn, bắt tay làm việc gì trước tiên vẫn là bạn. Dù là công việc hay cách sống, nhất định ở đâu đó sẽ tồn tại những lựa chọn.
Kể cả người đã “chạy chỗ này chỗ khác để tìm việc nhưng đều trượt cả, kết cục phải vào chỗ duy nhất này” cũng không có chuyện đã ứng tuyển hết tất cả công ty trên đời. Ngay tại thời điểm nộp đơn ứng tuyển cũng đã phần nào lựa chọn “Mình có hứng thú với công ty này không?”, “Có khả năng vào được không?” rồi. Vả lại khi lựa chọn, làm gì có ai chọn phương án bất lợi cho mình.
Chắc chắn tại thời điểm đó, bạn đã chọn phương án mình cho là “tốt hơn”. Vì vậy, cuộc đời hiện tại của bạn là kết quả của vô số những lựa chọn trong quá khứ, và là kết quả tốt nhất có thể.
Thế nhưng khi còn khỏe mạnh, chẳng mấy ai hiểu được điều đó. Hầu hết chúng ta đều phải đợi tới khi mắc bệnh, hoặc cận kề giây phút từ giã cuộc đời mới nhận ra sự thật này. Khi bệnh tật, cơ thể không còn tự do nữa, lựa chọn của ta sẽ đột ngột bị thu hẹp lại.
Ngày còn khỏe mạnh, chân ta có thể đi được tới bất kì đâu, miệng ta có thể ăn được bất cứ món gì trong phạm vi khả năng tài chính cho phép. Nhưng một khi cơ thể mất tự do, đi ra cửa hàng tiện lợi đối diện, thậm chí ra đến nhà vệ sinh thôi cũng đủ khó khăn rồi. Đồ ăn thức uống bị hạn chế, và trong một vài trường hợp, chúng sẽ được truyền vào cơ thể bằng ống dẫn thay vì đi qua đường miệng như thông thường.
Tôi hay nghe bệnh nhân than thở rằng:
“Giá mà tôi được đi siêu thị lần nữa.”
“Giá mà tôi được ăn sushi đến no căng bụng lần nữa.”
Và, “Thì ra từ trước đến giờ, tôi vẫn được thoải mái lựa chọn điều mình thích”.
Nhưng thực ra chừng nào bạn còn sống, chừng ấy bạn vẫn có thể tự do lựa chọn. Chẳng hạn, một bệnh nhân không thể tự đi tới nhà vệ sinh có thể chọn dùng bỉm hay dùng bô. Người bị liệt có thể chọn nhờ ai làm người chăm sóc. Cũng có nghĩa rằng tất cả chúng ta vẫn luôn luôn “lựa chọn phương án tốt hơn” cho đến tận giây phút cuối cùng.
Những ai còn đang bực bội vì “Không được sống như mình muốn”, hãy thử nghiêm túc nhìn những thứ mình đang “chọn” trong cuộc sống hàng ngày. Chỉ cần bạn nhận ra rằng ta đang có rất nhiều lựa chọn tưởng như đương nhiên, chắc chắn bạn sẽ mong muốn khẳng định bản thân. Và từ ngày mai, bạn sẽ cẩn trọng cân nhắc từng lựa chọn của mình.
Câu hỏi: Hãy thử nhìn lại cuộc sống hàng ngày cũng như cuộc đời mình từ trước tới giờ và viết ra “những thứ bạn đang tự mình lựa chọn”, “những thứ bạn đã lựa chọn được”.
...
Nếu chỉ còn một năm để sống, bạn sẽ mong muốn điều gì?
Nếu bạn là một người ngày nào cũng tất bật “việc phải làm chất thành núi”, hãy thử ngừng tay để nhìn lại xem trong số đó có việc gì “không cần làm cũng được” hay không. Làm vậy sẽ giúp bạn nhìn ra đâu là việc mình thực sự phải làm và thực sự muốn làm.
Hôm nay, điều bạn thực sự muốn làm là gì?
Ngày nào cũng vậy, chúng ta bị những việc “phải hoàn thành” rượt đuổi sau lưng. Nào là “phải làm việc”, “phải dọn dẹp”, “phải gặp gỡ bạn bè”… Nhiều đến nỗi nếu thử đếm sẽ không dứt ra được mất. Rồi những việc “muốn làm” chỉ thoáng hiện ra trong đầu, bạn cũng sẵn sàng đưa nó vào lịch trình, dần dà, chúng biến thành những việc bạn “phải làm” từ lúc nào không hay.
Càng nhiều việc “phải làm”, con người càng trở nên khổ sở. Khi không thể hoàn thành được những việc “phải làm”, bạn sẽ tự trách “sao phân bổ thời gian kém thế”, hoặc bị những việc ấy đuổi theo dồn dập, bạn sẽ chẳng còn rảnh rang mà tận hưởng cuộc sống. Những người như vậy không ngờ lại chiếm số đông.
Hãy thử bình tĩnh nhìn lại mọi chuyện. Hiện tại, việc bạn “phải làm” có đúng là việc cực kì quan trọng với bản thân bạn không? Hay trong số những việc bạn nghĩ rằng mình “phải làm” chắc chắn không có việc gì có thể “mặc kệ” chứ? Nếu đã quá mệt mỏi với những việc “phải làm”, hãy thử bỏ bớt gánh nặng trên vai để giao phó cho ai đó xem.
Trước đây, tôi có một nữ bệnh nhân trạc tuổi ngũ tuần. Chị luôn bị ràng buộc bởi những việc “phải làm”. Khi còn khỏe mạnh, chị làm việc tại một công ty và từng được giao phụ trách một số dự án lớn, đồng thời chị cũng phải một thân một mình chăm sóc người mẹ già mắc bệnh đãng trí. Đột nhiên, chị bị chẩn đoán mắc ung thư, cơ thể cứ thế mà yếu dần đi.
Chị đã nói thế này: “Từ trước tới nay, tôi sống vì mẹ. Bị bệnh thế này, điều tôi đau đớn nhất chính là không thể chăm sóc mẹ được nữa.”, “Tôi phải chăm sóc mẹ cơ mà”, “Tôi là một kẻ vô dụng”.
Thấy chị luôn đau đáu trong lòng những trăn trở ấy, tôi đã hỏi: “Chị có nghĩ rằng từ giờ, dù xảy ra bất cứ chuyện gì, mẹ chị cũng sẽ bình thản đón nhận không?”
Trước câu hỏi của tôi, chị đã mất mấy ngày, cuối cùng cũng tìm ra câu trả lời. Đó là, giao việc chăm sóc mẹ cho các chuyên gia. Chị đã trút bỏ được gánh nặng “tự chăm sóc mẹ” đeo đẳng mình bấy lâu.
Nhưng có một việc “phải làm” mà chị không bỏ. Đó là, chụp chung với mẹ một tấm hình. Chị đem việc ấy bàn với tôi khi bệnh tình ngày càng xấu đi nhanh chóng, không biết còn cầm cự được mấy ngày nữa. Tôi đã phải gấp rút chuẩn bị, và may mắn thay, buổi chụp ảnh đã diễn ra tốt đẹp.
Năm ngày sau, chị qua đời.
Khuôn mặt rạng rỡ của chị ở trung tâm bức ảnh đẹp và nhẹ nhõm. Phải chăng là do đã hoàn thành “việc quan trọng phải làm” kia?
Câu hỏi: Hãy thử viết ra tất cả những việc bạn “phải” làm. Trong số đó, đâu là việc bạn “muốn thực hiện bằng mọi giá” khi chỉ còn lại chút ít thời gian? Đâu là việc bạn “không cần làm cũng được”?
*Trích từ cuốn sách Sống hết mình cho ngày hôm nay, tác giả Taketoshi Ozawa.