MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Không ai muốn ốm để được uống sữa”

07-06-2017 - 09:45 AM | Tài chính - ngân hàng

Đại biểu của Hà Giang cho rằng, chẳng ai muốn nợ không xấu lại thành nợ xấu. Nợ xấu thì phải trích lập dự phòng rủi ro điều này sẽ làm giảm lợi nhuận của ngân hàng, nếu nợ xấu cao còn bị kiểm soát đặc biệt, nên các TCTD sẽ không có động lực chuyển nợ để hưởng ưu đãi.

Phát biểu thảo luận về vấn đề xử lý nợ xấu trong dự thảo Nghị quyết mà Chính phủ trình lên Quốc hội tại kỳ họp này, đại biểu Nguyễn Ngọc Hải đoàn Hà Giang cho rằng, nợ xấu có nguyên nhân từ khách quan lẫn chủ quan, liên quan đến nhiều chủ thể từ khách hàng tới ngân hàng, cơ quan quản lý, môi trường sản xuất… và cả nền kinh tế. Trong đó khách hàng là nguyên nhân trực tiếp, là chủ thể trực tiếp gây ra nợ xấu, đến hạn trả nợ mà không trả, khả năng trả nợ của chủ thể lại phụ thuộc nhiều vào kinh tế vĩ mô, vào môi trường kinh doanh, thậm chí là ý thức trả nợ.

Chính vì vậy, không nên coi nợ xấu là của ngân hàng và ngân hàng phải chịu trách nhiệm chính xử lý nợ xấu. Quan điểm này khiến việc xử lý nợ xấu chưa được đồng bộ, chưa có kết quả cao.

Thực tế xử lý nợ xấu trong 5 năm qua chủ yếu là tự thân ngân hàng, bán nợ cho VAMC và bán nợ cho các chủ thể khác. Ngành ngân hàng đã nỗ lực xử lý nợ xấu nhưng cũng chưa thấm vào đâu, tổng số nợ xấu có thể lên đến hơn 10% dư nợ như Chính phủ trình. Đây là thực tế đáng ngại và đáng ngại hơn nữa khi nguyên nhân dẫn đến việc xử lý nợ xấu còn đang bất cập trong các luật hiện hành. Vì thế, đại biểu cho rằng, việc ban hành nghị quyết xử lý nợ xấu là rất cần thiết trong bối cảnh chưa có quy định rõ ràng trong luật.

Đại biểu đề xuất, về phạm vi điều chỉnh của nghị quyết, có nhiều ý kiến rằng chỉ nên khoanh vùng đến 31/12/2016 để tránh bị lợi dụng chuyển nợ không xấu thành nợ xấu. Theo đại biểu điều này là không đáng ngại vì các quy định về nợ xấu rất chặt chẽ. Chẳng ai muốn nợ không xấu lại thành nợ xấu. Nợ xấu thì phải trích lập dự phòng rủi ro điều này sẽ làm giảm lợi nhuận của ngân hàng, nếu nợ xấu cao còn bị kiểm soát đặc biệt, nên các TCTD sẽ không có động lực chuyển nợ để hưởng ưu đãi. Đại biểu đồng thời còn ví von “không ai muốn ốm để được uống sữa”.

Về bán nợ theo giá thị trường. Thực tế hiện nay có nhiều khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo có giá trị thấp hơn sổ sách nhưng luật pháp chưa cho bán nợ dưới giá thị trường nên TCTD không thể xử lý được, nhiều tài sản đảm bảo phải bỏ không, điều này gây lãng phí nguồn lực xã hội. Vì vậy theo đại biểu việc làm sống lại các tài sản đảm bảo là rất cần thiết, và do đó quy định này rất cần thiết. Song đại biểu bổ sung thêm rằng cần yêu cầu bán theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo bán công khai, minh bạch để các TCTD không lợi dụng bán giá thấp hơn thị trường để hưởng lợi ích nhóm.

Về áp dụng thủ tục rút gọn liên quan tranh chấp tài sản, đại biểu cho rằng, trong thời điểm này để hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu TCTD thì cần cơ chế pháp lý đặc biệt để xử lý nợ xấu nhằm hạn chế nợ xấu xuống mức thấp nhất ảnh hưởng của nợ xấu với nền kinh tế và an toàn ngành ngân hàng. Việc xử lý nợ xấu theo trình tự gây tốn kém chi phí, như các nước cũng chấp nhận quy trình xử lý nợ xấu không qua tòa, nên việc rút gọn thủ tục xử lý nợ xấu theo đại biểu là cần thiết giảm bớt chi phí phát sinh, giúp TCTD giảm lãi suất đầu vào qua đó giảm lãi suất cho vay (vì hiện nay lãi suất của chúng ta rất cao), qua đó hỗ trợ nền kinh tế tốt hơn.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên