MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Không bàn lương thưởng cao hay thấp, năm nay có việc là may rồi”

09-12-2023 - 10:23 AM | Sống

Rất nhiều dân văn phòng e ngại nộp đơn xin nghỉ việc giữa lúc tình hình suy thoái kinh tế như hiện nay.

“Năm nay có việc làm đã tốt"

Trong tình trạng “đóng băng tuyển dụng”, rất nhiều dân văn phòng đã lâm vào tình trạng thất nghiệp. Số đông khác nếu có nhu cầu đổi sang công việc mới thì họ vẫn e ngại nộp đơn xin nghỉ vì nỗi lo không tìm thấy vị trí mong muốn. Nếu lướt trên các hội nhóm về dân công sở, “không bàn lương cao hay thấp, năm nay có việc làm đã tốt” là lời than thở của nhiều dân văn phòng về tình hình việc làm khó khăn như hiện nay.

Khả Ninh (28 tuổi, kỹ thuật viên) tâm sự: “Mọi năm mình thường quyết định rất nhanh nếu muốn thay đổi công việc nhưng năm nay lại khác. Nhiều người trẻ thường cho rằng nói nghỉ việc là nghỉ luôn thì là dũng cảm lắm. Nhưng quan trọng hơn là bạn sống thế nào sau thời gian thất nghiệp đó.

Có một khoảng thời gian nghỉ việc vào đầu năm nay, mình đã thấy rất thoải mái, thậm chí là sự thoải mái đó kéo dài trong 2 tháng liền. Và chỉ tới lúc nhìn thấy số dư tài khoản ngân hàng, mình mới phát hiện, mọi người nghỉ việc xong là sướng vì họ còn có tiền tiết kiệm thôi. Khi hết tiền thì đó lại là câu chuyện khác.

Do đó, nếu bạn bè than thở áp lực công việc, mình sẽ hỏi họ đã có phương án nào không? Nếu chưa có thì cố đợi đến thời điểm cuối năm sau để chờ đợi bão sa thải giảm bớt ảnh hưởng".

“Không bàn lương thưởng cao hay thấp, năm nay có việc là may rồi”- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Một trường hợp khác, Ngô Oanh (23 tuổi, kế toán) cho hay cô có một nguyên tắc đó là trước khi muốn chấm dứt hợp đồng ở công ty nào, bản thân sẽ đếm lùi 100 ngày trước khi chính thức mở lời nghỉ việc. Điều này giúp cô chuẩn bị nền tảng tài chính và coi đó thời gian để tìm kiếm cơ hội mới hay tập thích nghi với mọi khó khăn ở công ty cũ.

Hiện tại, Ngô Oanh đã muốn nghỉ việc ở công ty đang làm vì nhiều lý do: Mức lương giảm nhẹ, áp lực công việc nặng và người sếp trong dự án sắp chuyển đến công ty mới. Tuy nhiên, cô tâm niệm bản thân vẫn phải cố gắng tiếp tục đi làm, ít nhất là qua Tết âm lịch gần nhất để lấy tiền lương tháng thứ 13.

“Mình hiện tại đã chán công việc rồi. Nhưng suy nghĩ đến việc nằm ăn chơi trong 1 tháng, không làm gì, không giao tiếp cùng ai, đầu óc chậm đi là chần chừ chưa dám nghỉ việc. Mình nộp đơn nghỉ việc rồi thì được sao nữa, nhỡ may không có ai tuyển dụng lại thì sao. Mình từng gặp trường hợp các bạn nghỉ việc ban đầu ở nhà cũng thấy vui. Tầm gần 1 tháng sau họ bắt đầu đi rải hồ sơ thì toàn gặp những việc ‘đâu đâu’ trong khi chi phí sinh hoạt tăng kinh khủng”.

So với những đồng nghiệp khác, Ngô Oanh vẫn cảm thấy may mắn vì hiện tại vẫn có công việc tạo ra thu nhập tốt. Cô cho biết: “Nhiều đồng nghiệp của mình đã rơi vào diện sa thải dù đã gần 30 tuổi. Một người bạn khác lại nói rằng đang nhận thêm một công việc để trang trải chi phí sinh hoạt. Vì team mình cũng khá thân thiết với sếp nên mình từng nghe bạn ấy nói đùa với sếp là: Em đi nhận việc khác, chỉ làm ở văn phòng mình là không ổn".

“Không bàn lương thưởng cao hay thấp, năm nay có việc là may rồi”- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Quyết không nghỉ việc để nhận lương thưởng tháng 13

Thời điểm cuối năm, nhiều dân văn phòng bày tỏ băn khoăn có nên nộp đơn xin nghỉ nếu công việc mang lại nhiều áp lực về thể chất và tinh thần. Trong khi đó, số đông khác lại mang tâm lý cố gắng làm nốt 1-2 tháng để nhận lương thưởng tháng 13.

Tú Chi (23 tuổi) - đồng nghiệp của Ngô Oanh -chia sẻ: “Nếu thất nghiệp ngày bình thường áp lực một thì thất nghiệp ngành Tết áp lực mười. Mình nghĩ các trường hợp chủ động nghỉ việc ngay thời điểm này đều có khoản tiết kiệm, lương cao hoặc đã phải chịu áp lực quá lớn. Suy thoái kinh tế và bão sa thải là tình trạng chung. Bạn có chắc nếu chuyển sang công ty mới vẫn sẽ có được mức lương tốt hay lại tiếp tục chịu giảm lương như công ty cũ. Cái nào cũng có đánh đổi của chúng”.

Trong khi đó, Khả Ninh cho rằng quyết định nghỉ việc ở thời điểm hiện tại hay không còn phụ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người. Còn cá nhân cô chưa bao giờ khi nghỉ việc ở thời điểm gần Tết bởi quan điểm lương thưởng tháng thứ 13 là sự đền đáp cho cả năm làm việc của mình.

Khả Ninh bày tỏ quan điểm: “Chuyện có chấp nhận làm việc tiếp hay không phụ thuộc vào tình hình tài chính, nhu cầu sống của mỗi người. Nếu bạn thấy công việc mang nhiều áp lực, còn mình đủ tiền tiết kiệm để sinh sống trong vài tháng nữa thì cứ xin nghỉ để có quãng thời gian F5 cho cá nhân. Còn nếu như không có tiền tiết kiệm hoặc đã ra trường vài năm và có nhiều gánh nặng tài chính như mình thì buộc phải chấp nhận thực tế. Tất nhiên, việc chọn ở lại công ty cũng đi kèm với trách nhiệm tương xứng. Mình nghĩ giữa thời buổi kinh tế khó khăn, lựa chọn tốt nhất đôi khi chỉ cần đảm bảo sự an toàn thôi".

Theo Vân Anh

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên