Không bố mẹ nào đầu tư cả tỉ đồng cho con đi du học mà lại mong con học xong rồi về nước
Đáp lại lời nói thống thiết của cha mẹ, những đứa con du học chỉ muốn nói rằng: "Bố mẹ ơi, du học không phải là "con đường tắt" để đổi đời!"
- 09-04-2021Có một mùa hoa anh đào Nhật Bản đẹp đến "tan chảy" qua ống kính của du học sinh người Việt: Một khi đã xem thì chẳng thể rời mắt được
- 07-04-2021Ham du học giá rẻ mùa Covid, nhiều "thạc sĩ" Trung Quốc ngậm ngùi nếm trái đắng: Nguyên học kỳ không thấy mặt giáo viên, biết "yes, ok" cũng đủ qua môn
- 29-03-2021"Pizza hủ tiếu" - món ăn được cấp bằng sáng chế độc nhất của gia đình 3 thế hệ làm hủ tiếu tại miền Tây, thu về chục triệu mỗi ngày, giúp nuôi con đi du học Mỹ
Đối với không ít bậc cha mẹ, trong rất nhiều con đường để đưa một đứa trẻ tiến đến sự trưởng thành và thành công thì du học là một lối đi rất xán lạn. Những đứa trẻ được gia đình đầu tư cho đi du học thường phải "gánh" trên vai cả một sự kì vọng to lớn. Các bậc phụ huynh thì luôn kì vọng rằng, sau quá trình tu nghiệp ở nước ngoài, con cái họ sẽ đến với một "chân trời mới", một thế giới mới, chẳng ai mong con mình sẽ bỏ "bể lớn" để về "ao nhà" ngụp lặn mưu sinh.
Kỳ vọng của cha mẹ khi cho con đi du học
Du học là con đường ngắn và dễ dàng hơn cả để tiếp cận gần hơn với "văn minh thế giới" trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay.
Để con em mình được đến gần hơn với nền giáo dục tiên tiến, hiện đại của các nước phát triển, không chỉ các bậc phụ huynh ở thành phố lớn, mà ngay cả các gia đình khá giả ở nhiều miền quê cũng hết sức tạo điều kiện cho con em mình đi du học. Điều này đã khiến du học trở thành trào lưu mạnh mẽ.
Trong khoảng 20 năm trở lại đây, Việt Nam luôn đứng trong top những nước có học sinh, sinh viên du học nhiều nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ. Du học sinh Việt Nam có mặt tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó nhiều nhất là ở Úc, Mỹ, Nhật Bản. Những năm gần đây, số lượng quốc gia cấp học bổng cho Việt Nam ngày càng nhiều.
Bên cạnh đó, các "thị trường du học" truyền thống cũng tăng thêm nhiều suất học bổng cho du học sinh Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng du học sinh đạt được học bổng du học chỉ chiếm số ít, còn lại chủ yếu là học sinh, sinh viên du học theo hình thức tự túc.
Để cho con em có cơ hội đi học tập ở nước ngoài, các bậc phụ huynh đã phải tiêu tốn không ít tiền của. Cha mẹ sẵn sàng chấp nhận tốn kém để con em mình có thể học tập trong một môi trường ưu việt hơn, và kì vọng rằng đi du học sẽ là con đường để đưa các em đến với một tương lai tốt đẹp.
Bởi vậy, nhiều gia đình đã chấp nhận dồn tiền của cho con đi du học dù điều kiện kinh tế gia đình không hề dư giả. Nếu không có "của ăn của để", các bậc phụ huynh cũng sẵn sàng đi vay nợ để cho con em mình được xuất ngoại. Thế nhưng, theo phản ánh của nhiều du học sinh, đi du học bằng học bổng chỉ giúp đỡ các em bớt đi một phần chi phí, nếu muốn có được cuộc sống thoải mái ở nước ngoài, đa phần các em phải tìm việc làm thêm ngoài giờ lên lớp. Số tiền kiếm thêm này sẽ được dùng để chi trả sinh hoạt phí vốn khá đắt đỏ. Có học bổng đã vậy, nhưng nếu không có học bổng, đi du học theo dạng tự túc thì học phí và sinh hoạt phí chắc chắn sẽ trở thành một gánh nặng đáng kể, chỉ có những gia đình khá giả, có tiềm lực tài chính dồi dào mới có thể "tự tin" cho con mình tu nghiệp 4-5 năm ở xứ người.
Có một thực tế rằng, dù có được "sinh ra ở vạch đích" hay "sinh ra ở vạch xuất phát" thì những đứa trẻ được cha mẹ cho đi du học đều phải "cõng" theo cả sự kì vọng lớn lao của các bậc phụ huynh. Chị Thuý Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, cho con gái đi du học từ đầu cấp 3, gia đình chị đã tiêu tốn mỗi năm khoảng 2 tỉ đồng, và phải chuẩn bị sẵn một số tiền lớn gấp nhiều lần để con gái có thể yên tâm theo học khoảng 4 năm.
Đồng thời, chị Hà cũng thổ lộ, cho con đi học tốn kém như vậy, vợ chồng chị chỉ mong con có thể tìm được một công việc tốt, đúng với ngành học là thiết kế thời trang ở nước ngoài để có thể phát triển sự nghiệp một cách tốt nhất.
Cũng cùng suy nghĩ với chị Hà, anh Lực (Hạ Long, Quảng Ninh) chia sẻ: "Cho con trai đi du học ngành quản trị du lịch ở Úc, nếu con giỏi giang hay thành đạt thì là cái tốt, nhưng nếu không thì cũng cố gắng tìm được một con đường để ở lại đó lập nghiệp. Mất công đi 4-5 năm rồi lại về nước thì… tốn cơm gạo của bố mẹ". Cũng theo anh Lực thì "chẳng có cha mẹ nào tốn hàng tỉ đồng cho con đi du học mà lại mong con về nước làm ăn, sinh sống cả!".
Khi kì vọng của cha mẹ trở thành "liều độc dược"
Kì vọng của cha mẹ, về mặt tích cực, sẽ khiến cho con cái cảm thấy có động lực để phấn đấu trong bước đường trưởng thành, nhưng mặt khác, đó cũng là gánh nặng và đôi khi trở thành "liều độc dược" khiến các em suy sụp, kiệt sức.
Nguyễn Hồng H. (Kinh Môn, Hải Dương) tâm sự: được cha mẹ đầu tư cho đi du học từ năm lớp 10; dù gia đình cũng thuộc hàng trung lưu chứ không dư giả gì nhiều, nhưng bố mẹ em vẫn chấp nhận cầm cố hết tài sản để lo đủ tiền cho em đi Nhật. Sang Nhật rồi, H. mới nhận ra rằng, kì vọng của bố mẹ cho con "đổi đời" là điều không tưởng; và rằng cuộc sống du học sinh ở đó không hề sung sướng, nhàn hạ như em nghĩ, mà là những tháng ngày tối mặt đi làm thêm, vất vả gấp mấy lần đi làm nông ở nhà.
Sau 3 năm "du học", trở về nhà, H. cảm thấy như được "ra tù", nhưng cha mẹ em lại không hề vui vẻ; họ tỏ ra bất mãn vì em đã không thể tìm được cách để ở lại Nhật. H. sau đó đã bị khủng hoảng nặng nề khi cha mẹ liên tục mắng mỏ, nhiếc móc em là "đồ ăn hại". Trở về từ Nhật với tấm bằng gần như không có giá trị, H. không còn lựa chọn nào khác là "đầu quân" vào một khu công nghiệp, trở thành công nhân với mức lương khởi điểm 5 triệu đồng. Sau khi mang "mác" du học về, H. càng tự ti hơn khi bị họ hàng, bạn bè coi mình là kẻ "vô dụng".
"Ôm mộng" cho con đi Canada du học rồi sẽ lập nghiệp và định cư luôn, chị Trần Bích N. (Ninh Bình) đã bán hết nhà cửa, cầm cố tài sản để gom góp đủ số tiền 600 triệu đồng, chị tâm sự: "Là mẹ đơn thân nên tôi không đắn đo nhiều, xác định đi là không về nữa nên chẳng giữ lại gì ở Việt Nam, mẹ sang cùng con để đi làm nuôi con ăn học…". Thế nhưng, mọi suy nghĩ lạc quan của chị đã sớm bị dập tắt khi visa du lịch khiến chị không thể tìm được việc làm ở nước ngoài, thêm vào đó, học phí và sinh hoạt phí đắt đỏ khiến cho mẹ con chị nhanh chóng rơi vào tình trạng khánh kiệt. Rơi vào tuyệt vọng, chị N. phải vay tiền người thân từ Việt Nam gửi sang để mua vé máy bay cho hai mẹ con về nước chỉ sau một năm ở Canada. Giấc mơ đổi đời bằng con đường du học tan vỡ; nhưng éo le hơn chính là sự "nhỡ nhàng" của con gái chị, khi bỏ dở lớp 10 để đi du học. Sau sự việc đó, con gái chị bị sốc trong một thời gian dài và khó hoà nhập lại với bạn bè do cảm giác tự ti, thất bại.
Du học không phải là "con đường tắt" để đổi đời. Vậy nên các bậc phụ huynh hãy suy nghĩ kĩ trước khi quyết định cho con em mình đi du học, bởi nếu du học thất bại, đó hẳn sẽ là một vấp ngã lớn trên con đường trưởng thành, và không phải đứa trẻ nào cũng đủ nghị lực để vượt qua mà không trượt dài trong sự tự tin và thất vọng.
Doanh nghiệp và tiếp thị