MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không chỉ là cao su, dòng tiền của PHR tìm thêm từ đâu?

04-06-2017 - 10:37 AM | Doanh nghiệp

Giá cổ phiếu hiện tại của CTCP Cao su Phước Hoà (PHR) đang được giao dịch ở mức 30,700 VND/cp, khá hợp lý cho tình hình kinh doanh cốt lõi hiện tại của PHR. Tuy vậy mức này chưa phản ánh được giá trị dòng tiền liên quan đến việc đền bù chuyển nhượng dự án VSIP 3.

Giá cao su dự báo tăng 40%

Giá cao su trong nước trong 4 tháng đầu năm mức trung bình 45,6 triệu, tăng hơn 50% so với mức giá trung bình 2016. Theo báo cáo của ANRPC (Association of Natural Rubber Producing Countries), thị trường cao su được dự báo sẽ thiếu cung trong năm 2017. Với giả định thận trong, công ty chứng khoán BSC cho rằng giá cao su tối thiểu có thể đạt mức trung bình 40 triệu/tấn, tương ứng mức tăng 30% so với giá cao su bán ra trung bình trong năm 2016.

Trong số các doanh nghiệp niêm yết, Phước Hòa là đơn vị có diện tích thanh lý cao, trung bình 1.000 hecta giai đoạn 2014-2019. Việc tập trung thanh lý cây cao su là biện pháp cần thiết để Phước Hòa cơ cấu lại vườn cây, khi hiện tại hơn 50% diện tích vườn cây của PHR đang thuộc nhóm 3 (trên 20 tuổi) và đưa về năng suất thu hoạch thấp, trong khi tỷ lệ lý tưởng cho vườn cây cao su là các độ tuổi chia đều cho cả 3 nhóm cây. Theo đó, trong giai đoạn 2015-2018, Phước Hòa tập trung thanh lý vườn cây, với kỳ vọng đến năm 2020 sẽ đạt được cơ cấu tuổi hợp lý.

Công ty chứng khoán BSC giả định mức giá cao su thanh lý trung bình của năm 2017 là 200 triệu/hecta, tương ứng với lợi nhuận ròng thu về 160 triệu/hecta. Với kế hoạch tiếp tục thanh lý them 1.500 hecta cho 2 năm 2017 và 2018, BCS ước tính cao su Phước Hòa sẽ tiếp tục ghi nhận khoảng 240 tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động thanh lý cao su trong 2 năm này, bù trừ cho khoản thu nhập mất đi do diện tích thu hoạch cao su thu hẹp.

Kỳ vọng từ các khu công nghiệp

Bên cạnh hoạt động cao su cốt lõi, PHR đang nắm giữ 80% ở KCN Tân Bình và 32.85% KCN Nam Tân Uyên. Tốc độ thu hút vốn FDI ở Bình Dương làm tăng cao nhu cầu thuê KCN ở khu vực này, qua đó đẩy nhanh tỷ lệ lấp đầy ở các công ty con/công ty liên kết.

KCN Tân Bình đã được phê duyệt mở rộng hơn 1,000 hecta và KCN Nam Tân Uyên được phê duyệt mở rộng 352 hecta, là động lực tăng trưởng dài hạn. Giá đất đền bù đất KCN dự kiến tăng mạnh từ 2018 (300 triệu lên 917 triệu/ha). BSC cũng lưu ý rằng do KCN Tân Bình là công ty con của PHR, báo cáo hợp nhất sẽ không ghi nhận khoản tiền đền bù từ KCN này do đã loại trừ giao dịch nội bộ.

Đối với KCN Nam Tân Uyên, số tiền nhận về sẽ vẫn được ghi nhận như lợi nhuận vì chỉ là công ty liên kết của Phước Hòa. Thông tin về việc đền bù đất từ dự án VSIP 3: 800 hecta, doanh thu tối thiểu 1 tỷ/hecta và lợi nhuận kỳ vọng trong khoảng 600 – 1000 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận sẽ được ghi nhận trong 3-4 năm, có thể bắt đầu từ 2017.

Ngoài ra còn có vườn cao su Kampong Thom đảm bảo lợi nhuận dài hạn. Tổng diện tích 7,600 hecta, tương ứng mức tăng 80% so với diện tích hiện nay.

Lợi nhuận liệu có khả quan?

BSC ước tính trong năm 2017, PHR sẽ ghi nhận 1.472 tỷ đồng doanh thu (+24,9% yoy) và 364,8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế từ hoạt động thường xuyên(+40,4% yoy).

Triển vọng cho giai đoạn 2018-2020 đến từ việc mở rộng ở các khu công nghiệp Tân Bình và Nam Tân Uyên. Giả định lợi nhuận sẽ bắt đầu được ghi nhận từ 2018 cho việc đền bù đất KCN VSIP, ước khoảng 150 tỷ/năm; diện tích cây thanh lý còn nhiều, cùng với xu hướng giá gỗ cao su tăng cao cùng là một lợi thế trong ngắn hạn thì kỳ vọng lợi nhuận từ hoạt động thường xuyên (không tính phần đền bù của VSIP) sẽ ổn định trong năm 2018 – 2019, và tăng tốt khoảng 20% trong năm 2020.

BSC cho rằng mức giá hợp lý cho mỗi cổ phiếu PHR vào khoảng 36.800 VND/cp, với giả định lợi nhuận thu về từ đền bù KCN VSIP vào khoảng 600 tỷ đồng. Giá cổ phiếu hiện tại đang được giao dịch ở mức 30.700 VND/cp, khá hợp lý cho tình hình kinh doanh cốt lõi hiện tại của PHR, tuy vậy chưa phản ánh được tiềm năng từ mức lợi nhuận đột biến nói trên.

Giá trị hợp lý được BSC ước tính dựa trên 2 mảng lợi nhuận: Lợi nhuận thường xuyên và lợi nhuận đột biến: Lợi nhuận trước thuế 2017 ước 364,8 tỷ đồng, tương ứng EPS 2017 đạt 3.152 (đã trừ đi 20% quỹ khen thưởng phúc lợi). Với mức lợi nhuận cốt lõi như trên, giá trị cổ phiếu PHR từ hoạt động cốt lõi ước tính ở mức 31.520 VND/cp, tương ứng với P/E = 10.

Cùng với mảng lợi nhuận từ hoạt động cốt lõi, với thông tin lợi nhuận đột biến từ việc đền bù giải phóng mặt bằng của KCN VSIP 3, với tổng lợi nhuận được kỳ vọng tối thiểu là 600 tỷ, được ghi nhận cho 4 năm, tương ứng với mức giá trị tại thời điểm hiện tại là 5.320 VND/cp – áp dụng mức chiết khẩu r = 10%.

Theo đó, giá trị hợp lý của PHR là tổng giá trị từ 2 nguồn lợi nhuận nói trên, ở mức 36.835 VND/cp

Theo Châu Huệ

Diễn đàn Doanh nghiệp

Trở lên trên