MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không chỉ nhà đầu tư nhỏ lẻ, đa số các quỹ hàng đầu trên TTCK từ lãi thành thua lỗ lớn chỉ trong tháng 10

Dù cuối tháng 9 vẫn tăng trưởng dương nhưng đến đầu tháng 11 giá trị tài sản ròng của các quỹ lớn như VNM ETF, Dragon Capital VEIL, Pyn Elite Fund... đều đã giảm 8-10% so với đầu năm.

Sau giai đoạn bùng nổ vào quý 1, TTCK Việt Nam đã đối mặt với áp lực điều chỉnh mạnh. Chỉ số Vn-Index từ vùng đỉnh 1.200 điểm đã có thời điểm rơi xuống dưới 900 điểm khiến không ít nhà đầu tư thiệt hại và ngay cả những quỹ đầu tư hàng đầu trên thị trường cũng "ngấm đòn".

Theo số liệu tổng hợp trong 9 tháng đầu năm, mức tăng trưởng tài sản ròng/chứng chỉ quỹ (NAV) của hầu hết các quỹ đều ở mức rất thấp, từ 1 đến 3%, con số này tương đương mức tăng trưởng của Vn-Index (3%) và thấp hơn đáng kể so với mặt bằng lãi suất ngân hàng.

Thậm chí, nhiều quỹ có tên tuổi lớn trên TTCK Việt Nam như Pyn Elite Fund hay Vaneck Vectors Vietnam ETF Fund (VNM ETF) còn có kết quả khá thất vọng khi tăng trưởng NAV trong 9 tháng đầu năm lần lượt là âm 1% và âm 3%.

Tuy vậy, kết quả hoạt động kém tích cực của các quỹ trong năm 2018 vẫn chưa dừng lại khi thị trường tiếp tục đối mặt với áp lực điều chỉnh mạnh từ đầu tháng 10.

Theo đó, sau khi hồi phục lên vùng 1.025 điểm vào đầu tháng 10, những diễn biến kém tích cực từ TTCK toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường trong nước, bất chấp thông tin khả quan từ mùa báo cáo quý 3. Chỉ số Vn-Index một lần nữa thủng mốc 900 điểm trước khi hồi phục nhẹ lên vùng 924 điểm vào đầu tháng 11. So với thời điểm đầu năm, Vn-Index hiện đã mất khoảng 6% giá trị.

Không chỉ nhà đầu tư nhỏ lẻ, đa số các quỹ hàng đầu trên TTCK từ lãi thành thua lỗ lớn chỉ trong tháng 10 - Ảnh 1.

TTCK Việt Nam điều chỉnh khá mạnh trong năm 2018

Với diễn biến kể trên, tăng trưởng NAV của hầu hết các quỹ trên TTCK Việt Nam tính tới đầu tháng 11 đều âm, thậm chí còn giảm mạnh hơn nhiều so với mức giảm của Vn-Index.

Không chỉ nhà đầu tư nhỏ lẻ, đa số các quỹ hàng đầu trên TTCK từ lãi thành thua lỗ lớn chỉ trong tháng 10 - Ảnh 2.

Các quỹ ETFs như VNM ETF, FTSE Vietnam ETF hay VFMVN30 ETF có kết quả không thực sự khả quan khi tăng trưởng NAV tính tới đầu tháng 11 lần lượt là âm 12% (VNM ETF) và âm 8% (FTSE Vietnam ETF và VFMVN30 ETF). Trong khi đó, SSIAM VNX50 ETF do SSI quản lý lại có hiệu quả tích cực hơn khi NAV chỉ là âm 3%.

Quỹ ngoại lớn nhất trên TTCK Việt Nam - VEIL do Dragon Capital quản lý với tổng tài sản hơn 1,4 tỷ USD cũng có kết quả khá thất vọng khi tăng trưởng NAV tính đến đầu tháng 11 là âm 9%. Một quỹ lớn khác là VOF do VinaCapital quản lý cũng tăng trưởng NAV âm 7%.

Tundra Vietnam Fund, quỹ đầu tư chuyên vào các thị trường mới nổi là cái tên hiếm hoi có tăng trưởng NAV dương. Tính tới đầu tháng 11, tăng trưởng NAV Tundra Vietnam Fund là 1%, trong khi 9 tháng đầu năm, tăng trưởng NAV quỹ này lên tới 12% và là quỹ hiệu quả hàng đầu trên thị trường.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên