Không có đơn hàng khẩu trang, lợi nhuận May Thành Công (TCM) giảm 44% trong tháng 6
Trong tháng 6, TCM ghi nhận mức doanh thu đạt 13,57 triệu USD, tương đương khoảng 312 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ đi các khoản chi phí và thuế, công ty thu lãi 955 nghìn USD (~22 tỷ đồng), giảm 44% so với cùng kỳ năm 2020.
Mới đây, CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (mã chứng khoán: TCM) đã báo cáo kết quả kinh doanh trong tháng 6 và nửa đầu năm 2021.
Dệt may Thành Công cho biết, mặc dù năm nay không có đơn hàng PPE - thiết bị bảo hộ cá nhân (khẩu trang, quần áo bảo hộ), nhưng nhờ vào sự phục hồi của các đơn hàng may truyền thống, cùng với đó là sự cải thiện từ mảng kinh doanh vải sợi, đà tăng trưởng của công ty vẫn được giữ vững.
Cụ thể, trong tháng 6, TCM ghi nhận mức doanh thu đạt 13,57 triệu USD, tương đương khoảng 312 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ đi các khoản chi phí và thuế, công ty thu lãi 955 nghìn USD (~22 tỷ đồng), giảm 44% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng vẫn tăng trưởng đến 35% so với tháng 5/2021.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu đạt hơn 81,1 triệu USD (~1.865 tỷ đồng) cao hơn 11% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt gần 5,1 triệu USD, tương đương 117,3 tỷ đồng, cao hơn 4,3% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm nay, TCM hoàn thành 45,2% kế hoạch doanh thu và 41,3% mục tiêu lãi đặt ra cho cả năm nay.
Được biết, TCM là doanh nghiệp sở hữu chuỗi cung ứng sợi – đan/dệt – nhuộm – may khép kín. Điều này sẽ tạo lợi thế về tự chủ nguồn cung nguyên liệu vải và ổn định biên lợi nhuận, từ đó khắc phục “điểm nghẽn” của ngành dệt may khi giúp công ty tránh phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng khép kín tạo điều kiện thuận lợi cho TCM đáp ứng yêu cầu về nguyên tắc xuất xứ và được hưởng lợi từ CPTPP và EVFTA nhiều hơn so với những doanh nghiệp cùng ngành.
Về cơ cấu doanh thu 6 tháng đầu năm 2021, vì không có đơn hàng vải kháng khuẩn nên doanh thu vải chỉ chiếm 15% tỷ trọng tổng doanh thu, thấp hơn năm ngoái, trong khi doanh thu mảng sợi năm nay được cải thiện hơn năm ngoái khi chiếm khoảng 11%. Mảng garment trong 6 tháng chiếm khoảng 73% tổng doanh thu, thấp hơn năm ngoái gần 323 nghìn USD do không có đơn hàng PPE.
Châu Á vẫn là thị trường chính của TCM với hơn 58,4% lượng đơn hàng được xuất khẩu vào đây. Ngoài ra, châu Mỹ và châu Âu hứa hẹn cũng sẽ bùng nổ trong khoảng thời gian tới đây khi cầu nhập khẩu bùng nổ trở lại và các hiệp định ký kết tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu sang EU của công ty.
Trên thị trường, cổ phiếu TCM chốt phiên 14/7 giảm 0,2 điểm xuống 86.000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường hơn 6.100 tỷ đồng.
Triển vọng xuất khẩu dệt may 6 tháng cuối năm 2021
Liên quan,hận định về tình hình xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2021, Bộ Công Thương cho rằng ngành đã có nhiều tín hiệu khởi sắc khi kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 6 tháng đạt 15,2 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ. Nhu cầu mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật bản, Hàn Quốc… tăng rõ rệt khi dịch bệnh được kiểm soát thông qua hoạt động tiêm vaccine rộng rãi, kinh tế dần phục hồi, dỡ bỏ lệnh phong tỏa.
Bộ Công Thương cũng đưa ra nhận định về diễn biến trong giai đoạn nửa sau của năm nay. Theo đó, hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do, hoạt động xuất khẩu dệt may trong nửa cuối của năm 2021 sẽ nhiều "điểm sáng", đặc biệt khi các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc mở cửa trở lại và tăng cầu nhập khẩu.
Trong đó, Hiệp định EVFTA mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội xuất khẩu sang EU bởi mức thuế suất ưu đãi sẽ tạo điều kiện để hàng dệt may Việt Nam giảm giá thành, đủ năng lực cạnh tranh với các nước khác. Hay hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), với việc chỉ yêu cầu công việc cắt may được thực hiện tại Việt Nam mà không quan trọng nơi sản xuất sẽ giúp các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế khi xuất vào Nhật Bản.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) dự báo, với kịch bản dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt hơn trên thế giới, thì xuất khẩu dệt may năm 2021 có thể đạt khoảng 39 tỷ USD (~898 nghìn tỷ đồng), tương ứng mức tăng trưởng 10,6% so với năm trước đồng thời cao hơn 9.9% CAGR trong giai đoạn 2015 – 2019.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng cho rằng, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên thế giới có thể khiến chuỗi cung ứng hàng hóa bị trở ngại, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và mặt hàng dệt may nói riêng.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị