Không còn ngân hàng nào làm ngơ với CASA
Cạnh tranh hút tiền gửi không kỳ hạn (CASA) giữa các ngân hàng vẫn quyết liệt. Nhiều ngân hàng miễn rất nhiều loại phí và đặt tham vọng nâng tỷ lệ CASA trên 50%/tổng số dư tiền gửi…
- 04-05-2021SSI Research: Tỷ lệ CASA của MB tăng 37% trong quý đầu năm, NIM đạt trên 5%
- 17-03-2021Tỷ lệ Casa cao kỷ lục, Techcombank dẫn dắt thị trường số
- 21-02-2021Vì sao nhiều ngân hàng vẫn “hụt hơi” trong cuộc đua CASA?
CASA có chi phí vốn gần như bằng 0 khiến các ngân hàng đẩy mạnh đầu tư hệ thống thanh toán hiện đại, nhằm thu hút và giữ chân khách hàng dựa trên nền tảng số hóa và liên tục nâng cao trải nghiệm khách hàng. Ngân hàng nào có tỷ lệ CASA càng cao, càng có lợi thế lớn trong cuộc cạnh tranh lãi suất cho vay và có nhiều cơ hội cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM).
TECHCOMBANK VẪN GIỮ "NGÔI VƯƠNG"
Hết quý 1/2021, thống kê từ báo cáo của các ngân hàng cho thấy, top 3 ngân hàng có tỷ lệ CASA đạt mức cao nhất vẫn là 3 cái tên: Techcombank, MBBank và Vietcombank.
Hết quý 1/2021, tại Techcombank, tổng huy động đạt 287,4 nghìn tỷ đồng, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tỷ lệ CASA là 44,2%, cao nhất trong các ngân hàng trong nước.
Hết quý 1/2021, tại Techcombank, tổng huy động đạt 287,4 nghìn tỷ đồng, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tỷ lệ CASA là 44,2%, cao nhất trong các ngân hàng trong nước.
Biên lãi ròng NIM cải thiện lên 5,2% so với 4,7% cùng kỳ năm ngoái, hưởng lợi từ chi phí vốn thấp hơn nhờ CASA tăng trưởng 67,9% so với cùng kỳ, đặc biệt là CASA cá nhân tăng 83,6% so với cùng kỳ và lãi suất tiền gửi có kỳ hạn thấp hơn.
Tại MBBank, tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn được cải thiện ở mức 37%. Tổng huy động, bao gồm chứng chỉ tiền gửi tăng ̣5% so với cuối năm 2020 lên mức 380,229 nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid, tỷ lệ CASA vẫn đứng thứ 2 về tỷ lệ CASA so với các đối thủ trong ngành.
“Nhờ thành công của ứng dụng MB App trên điện thoại và chương trình tài khoản số đẹp được triển khai từ quý 2/2020. Lợi thế về CASA cùng môi trường lãi suất thấp giúp MBB tiếp tục nằm trong nhóm những ngân hàng có chi phí vốn thấp nhất hệ thống”, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá trong một báo cáo mới đây.
Với cơ cấu huy động và cơ cấu tiền gửi không kỳ hạn đa dạng hơn trước, nhóm nghiên cứu từ VCBS cho rằng MBBank có thể duy trì lợi thế chi phí vốn thấp trong dài hạn.
Đối với Vietcombank, tổng huy động đạt 203,6 nghìn tỷ đồng, trong đó, tỷ lệ CASA chiếm 30%, cung cấp nguồn vốn chi phí thấp cho ngân hàng, trong đó, tỷ lệ 50% doanh nghiệp và 50% cá nhân.
Trước đó, cuối năm 2020, Techcombank “soán ngôi” Vietcombank và MBBank vươn lên đứng số một thị trường trong huy động tiền gửi không kỳ hạn, tổng huy động CASA lần đầu tiên vượt 100.000 tỷ đồng. Đặc biệt, từ năm 2016 đến năm 2020, tỷ lệ CASA tăng mạnh, từ 22,7% lên 46,1%.
Cụ thể, trong hai năm 2018-2019, Vietcombank, MBBank và Techcombank thường bám đuổi sát sao nhau với tỷ lệ CASA trên dưới 30%. Song, đến năm 2020, Techcombank bứt lên, vượt xa hai thành viên còn lại trong top 3, với tỷ lệ CASA lên tới 46,1%. Ở vị trí thứ hai, MBBank tiếp tục thể hiện ưu thế CASA mạnh khi vượt mốc 39%, và Vietcombank đứng thứ ba với khoảng 30%.
Trái lại, cũng có nhiều ngân hàng không mặn mà với cuộc chạy đua này hoặc chưa đủ tự tin để tham gia. Tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn dưới 5% xuất hiện tại BacABank, NamABank, VietBank, Kienlongbank…. Tuy nhiên, mặt bằng chung của toàn hệ thống ngân hàng vẫn vào khoảng 14%, cao hơn nhiều so với những năm trước.
ĐUA THANH TOÁN SỐ, HÚT CASA
Đại diện Techcombank cho biết, sự tăng trưởng CASA và tiền gửi đã được cộng hưởng từ các chương trình miễn phí giao dịch trực tuyến “Big Zero Fee”, chương trình hoàn tiền 1% không giới hạn đối với các giao dịch thanh toán bằng thẻ ghi nợ “Debit Cash back 1%”, giúp tổng huy động tăng 17,0%, trong đó riêng số dư tiền CASA tăng 65,3%.
Năm 2020 chứng kiến sự “nhảy vọt” của thanh toán điện tử. Điều này cũng đem đến “quả ngọt” cho Techcombank khi CASA của khách hàng có sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử trong năm 2020 cao gấp 12 lần so với các khách hàng không dùng ngân hàng điện tử, và luôn duy trì mức tăng cao dần trong nhiều năm qua.
Đặc biệt, mức tăng trưởng CASA kỷ lục đạt 76,1 nghìn tỷ, đóng góp 74% lợi nhuận của dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Đồng thời, tiết giảm chi phí phục vụ khách hàng tại quầy giao dịch thông qua việc chuyển dịch các dịch vụ hỗ trợ thẻ từ quầy lên kênh online, bao gồm hỗ trợ cả thẻ tín dụng và thẻ thanh toán, giúp tiết kiệm hơn 67 tỷ chi phí tin nhắn SMS.
“Để có tỷ lệ CASA trên mốc 45% trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chúng tôi tạo cú huých bằng cách thay đổi phương thức giao dịch truyền thống sang trực tuyến. Và lợi thế và ưu thế trong cuộc đua này đã nghiêng về những thành viên tiên phong dẫn dắt trên lộ trình chuyển đổi số và quan trọng hơn cả, là chuyển đổi đúng hướng để mang đến trải nghiệm vượt trội cho khách hàng. Techcombank đã làm được điều đó”, đại diện Techcombank cho biết.
Tham vọng của ngân hàng Techcombank 5 năm tới
Hướng tới mục tiêu tham vọng năm 2025, Techcombank sẽ trở thành ngân hàng có giá trị vốn hóa 20 tỷ USD, với tỷ lệ CASA khoảng 55%. Techcombank sẽ tiếp tục đẩy mạnh những sản phẩm, dịch vụ tạo lợi nhuận lớn nhất như cho vay mua nhà, tài khoản tiết kiệm – tài khoản thanh toán và quản lý gia sản.
Đối với MBBank, mục tiêu duy trì tỷ lệ CASA ở mức 36% trong năm 2021. Ngân hàng áp dụng nhiều giải pháp tiết giảm chi phí huy động vốn đầu vào để, thông qua phát triển các tính năng dịch vụ tài khoản trên ứng dụng điện tử, tạo tăng trưởng huy động vốn không kỳ hạn tốt. MBBank là ngân hàng tiên phong trong chuyển đổi số, phục vụ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trên 3 nền tảng số phù hợp với nhu cầu giao dịch thuận tiện tăng trưởng đột phá về khách hàng.
NHIỀU NGÂN HÀNG "HỤT HƠI" TRONG CUỘC ĐUA
Khảo sát bảng lãi suất gửi tiết kiệm không kỳ hạn do các ngân hàng công bố, có thể thấy các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đang đưa ra mức lãi suất nhỉnh hơn so với các ngân hàng thương mại cổ phần sở hữu vốn nhà nước. Cụ thể, lãi suất không kỳ hạn tại Ngân hàng ACB, Ngân hàng Bắc Á 1%/năm; BIDV 0,5%/năm, Vietcombank ở mức chỉ 0,1%/năm…
Theo đánh giá của chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, tiền gửi không kỳ hạn là dòng vốn huy động rất quan trọng. Ông Hiếu lý giải, với lãi suất huy động bằng không hoặc rất thấp, ngân hàng dùng số tiền đó để cho vay, sẽ đem lại tỷ lệ lợi nhuận biên rất cao. Tại Việt Nam, hầu hết các ngân hàng đều trả lãi suất thấp, nhưng ở các nước khác, như Mỹ, nếu là tài khoản vãng lai đều không được trả lãi suất.
"Với lãi suất huy động bằng không hoặc rất thấp, ngân hàng dùng số tiền đó để cho vay, sẽ đem lại tỷ lệ lợi nhuận biên rất cao. Tại Việt Nam, hầu hết các ngân hàng đều trả lãi suất thấp, nhưng ở các nước khác, như Mỹ, nếu là tài khoản vãng lai đều không được trả lãi suất".
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu
Tại mỗi ngân hàng, tiền gửi cơ sở (core deposits) đúng như tên gọi của nó, đóng vai trò “cốt lõi”. Nó tạo thành nguồn vốn ổn định cho các ngân hàng cho vay, có thể là khoản tiền gửi có kỳ hạn nhỏ, tiền gửi tài khoản thanh toán hay tài khoản giao dịch. Ông Hiếu cho biết “tỷ lệ này thường chiếm tỷ trọng khoảng 20% trên tổng tiền gửi”. Mặc dù không kỳ hạn và dễ dàng rút ra, nhưng khách hàng khi mở tài khoản ngân hàng luôn giữ một lượng tiền mặt tại ngân hàng để phục vụ cho mục đích thanh toán. Vì vậy, tạo ra tính thanh khoản dồi dào cho ngân hàng.
Đặc biệt, theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân và trở thành “cú huých” khiến dịch vụ ngân hàng điện tử bùng nổ. Vì vậy, dự báo tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn sẽ ngày càng gia tăng, phục vụ nhu cầu thanh toán, mua sắm trực tuyến của khách hàng.
Ngân hàng Nhà nước cũng vừa có công văn gửi các ngân hàng và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đề nghị hưởng ứng và tích cực triển khai các hoạt động thiết thực trong khuôn khổ ngày “Không tiền mặt” 16/6 năm nay. Thông tin từ Vụ Thanh toán, Ngân hàng nhà nước cho biết, tính tới hết quý 1/2021, có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán triển khai thanh toán qua internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động.
Tính trong quý 1, giao dịch qua kênh Internet đạt 156,2 triệu món với giá trị 8,1 triệu tỷ đồng. Giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt trên 395 triệu món với giá trị hơn 4,6 triệu tý đồng. Giá trị giao dịch qua kênh QR code tăng mạnh nhất, lên tới 146% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4.479 tỷ đồng với 5,3 triệu món.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, ngân hàng quy mô nhỏ có nhiều bất lợi trong cuộc đua hút tiền gửi không kỳ hạn so với ngân hàng lớn, do mạng lưới giao dịch không phủ rộng, uy tín thấp hơn ngân hàng có vốn nhà nước. “Để vượt qua rào cản này, các ngân hàng nhỏ phải tăng chất lượng phục vụ, đào tạo thường xuyên đội ngũ cán bộ tiếp xúc với khách hàng rất quan trọng”, ông Hiếu gợi ý.
Vị chuyên gia này đánh giá, thái độ và chất lượng phục vụ khách hàng của ngân hàng vẫn còn thiếu sự thân thiện so với các ngành nghề khác như bất động sản, bán lẻ du lịch, ăn uống... Các cán bộ nhân viên không tiếp đãi niềm nở, đặc biệt khi khách hàng có những câu hỏi, những vấn đề khúc mắc, các cán bộ không tỏ ra nhiệt tình.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàngNhững ngân hàng nhỏ, để có tiền gửi cơ sở (core deposits) dồi dào, vấn đề đầu tiên, phải cải thiện chất lượng dịch vụ nhiều sản phẩm, tăng trải nghiệm và nâng cao chất lượng dịch vụ, cung cách phục vụ thân thiện hơn để giữ chân khách. Các sản phẩm đa dạng hơn, về huy động, tiết kiệm, thanh toán, kể cả thanh toán quốc tế, các loại thẻ, hệ thống dàn trải, rộng rãi, phục vụ khách hàng. Quan trọng là, ngân hàng phải bắt kịp xu thế phát triển của nền kinh tế, thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng công nghệ số, đặc biệt trong lúc dịch bệnh hoành hành nghiêm trọng như hiện nay.
Vneconomy