MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Không để bài học Grab, Be tiếp diễn trong lĩnh vực truyền hình”

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Phan Anh, Giảng viên Đại học Thương mại khi nhận định về những quy định tại Dự thảo sửa đổi Nghị định số 06/2016/NĐ-CP về quản lý dịch vụ truyền hình.

Nhờ sự phát triển của băng thông tốc độ cao, gần đây bắt đầu nở rộ dịch vụ xem video trên mạng internet. Nhưng, tương tự như sự xuất hiện của các loại hình kinh doanh mới trong lĩnh vực vận tải, sự phát triển của các loại hình kinh tế mới này đã khiến các cơ quan quản lý tỏ ra vô cùng lúng túng.

Trong bối cảnh ấy, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP (viết tắt là Dự thảo) của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình vẫn coi mô hình kinh doanh mới này là dịch vụ truyền hình và quản lý nó như đối với truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh (các mô hình kinh doanh cũ).

-Ông đánh giá như thế nào về những quy định tại Dự thảo lần này?

Dự thảo lần này dường như đang muốn “gò ép” các mô hình kinh doanh kiểu mới theo phương thức quản lý kiểu cũ. Đây là điều không nên bởi những quy định này sẽ cản trở sự phát triển của các mô hình kinh doanh kiểu mới.

-Vậy, nút thắt ở đây là gì, thưa ông?

Tương tự như câu chuyện quản lý Uber-Grab, tôi cho rằng nút thắt trong câu chuyện này nằm ở việc định danh dịch vụ.

Chúng ta có thể định danh đây là các dịch vụ video trực tuyến. Như vậy là bao quát và đầy đủ tất cả các loại hình và định dạng. Có thể phân chia dịch vụ video trực tuyến này theo các tiêu chí:

Theo tiêu chí trả tiền thì ta có thể chia thành dịch vụ video có trả phí mới được xem và dịch vụ video miễn phí. Với dịch vụ video có trả phí thì doanh thu của nhà cung cấp hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ thu phí thuê bao, phí dịch vụ. Với dịch vụ video không trả phí (hoặc miễn phí) thì đơn vị cung cấp có thể kiếm tiền từ các dịch vụ khác ví dụ như dịch vụ quảng cáo trực tuyến hoặc dịch vụ loại bỏ quảng cáo ra khỏi video.

Theo phân loại nội dung của video thì có thể bao gồm các video phim truyền hình, video đào tạo trực tuyến, video ca nhạc, và rất nhiều loại hình nội dung khác.

“Không để bài học Grab, Be tiếp diễn trong lĩnh vực truyền hình” - Ảnh 1.

Tương tự như sự nở rộ của các mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực vận tải. Những mô hình kinh doanh mới cũng đã xuất hiện trong lĩnh vực truyền hình và internet

-Từ câu chuyện của Grab, chúng ta có thể rút ra bài học gì cho công tác quản lý và định danh các loại hình kinh doanh mới này?

Đây không phải là lần đầu tiên cơ quan quản lý của Việt Nam tỏ ra lúng túng trước một mô hình kinh doanh mới. Trong lĩnh vực phát thanh và truyền hình, tôi đánh giá Nghị định 06/2016 cũ đã có một số quy định cụ thể liên quan đến truyền hình Internet vì tại thời điểm đó Internet cũng đã khá bùng nổ tại thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tế chúng ta có nhiều điều và nhiều khoản trong Nghị định không được định nghĩa một cách rõ ràng và cũng không/chưa phù hợp với tình hình thực tế và cả sự biến đổi rất nhanh của các ứng dụng và công nghệ trên Internet hiện nay. Bằng chứng là Nghị định 06/2016 vừa được ban hành năm 2016 đến nay đã phải tính đến việc cập nhật phiên bản mới.

Trên phương diện tiếp cận toàn diện, chúng ta dễ dàng thấy rằng nhiều cơ quan quản lý chuyên trách của Việt Nam lúng túng thật sự và thụt lùi về mặt quản lý trước những mô hình kinh doanh mới hoặc sự biến đổi quá nhanh của thị trường thực tế trong những lĩnh vực mà họ được giao quản lý. Tuy nhiên, về mặt luật pháp, thì luật pháp thường đi sau so với thực tế và chuyện đó cũng là chuyện dễ hiểu và logic thực tế.

Với cách tiếp cận giống với việc quản lý mô hình nền kinh tế chia sẻ Grab, Uber chúng ta cần có cách tiếp cận nhanh, hiện đại, hiệu quả và có tầm nhìn xa để văn bản pháp lý có hiệu quả trong dài hạn, cũng như tạo điều kiện cho những mô hình mới phát triển cho nền kinh tế quốc gia, cũng như duy trì được các mục tiêu quản lý, nhất là liên quan đến các loại hình nội dung số qua video và audio.

-Các nước trên thế giới ứng xử với các mô hình kinh doanh mới này như thế nào, thưa ông?

Cũng giống như Uber, Lift hay vô vàn các dịch vụ mới, các chính phủ đều khuyến khích các doanh nghiệp hoặc cá nhân khởi nghiệp trên tinh thần là được phép làm những điều mà pháp luật không cấm. Sau đó họ sẽ nghiên cứu và đánh giá mô hình, điều chỉnh bằng các văn bản pháp lý hiện hành, nếu văn bản pháp lý hiện hành không đủ để quản lý, họ sẽ ban hành các văn bản dưới luật để quản lý.

-Vậy, Việt Nam làm thế nào để có thể quản lý được các mô hình kinh tế mới này, làm thế nào để bài học Uber-Grab không tiếp diễn trong các lĩnh vực khác, thưa ông?

Thực ra, tôi tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể quản lý tốt các mô hình kinh tế mới. Vấn đề ở đây có thể là cách tiếp cận của chúng ta đôi khi chưa cởi mở, chưa cập nhật theo xu hướng thế giới. Và trong quá trình quản lý, có những điều chúng ta chưa theo kịp thì chúng ta cần phải cải thiện, thay đổi về luật pháp, phương thức quản lý.

Rất khó để trả lời cho câu hỏi làm thế nào để bài học Uber-Grap không tiếp diễn trong các lĩnh vực khác, bởi quản lý về mặt chuyên môn là của các bộ khác nhau, trong một bộ lại có các cục khác nhau nên không dễ dàng gì để quản lý được việc này.


Theo Huyền Trang

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên