Không dễ đánh thuế tự vệ ô tô
Một trong những biện pháp để bảo vệ ngành ô tô trong nước là nghiên cứu áp dụng biện pháp tự vệ thương mại đối với ô tô nguyên chiếc NK. Song giới chuyên gia cho rằng, muốn áp dụng biện pháp này không dễ.
- 24-03-2017Thuế ô tô giảm - Doanh nghiệp Việt gặp khó
- 28-02-2017Thuế ô tô 0%: Tính giá tiền, chọn ngày mua xe năm 2018
- 30-04-2016Thuế ô tô thay đổi xoành xoạch
Một trong những giải pháp để bảo vệ ngành ô tô trong nước được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu là Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu khả năng áp dụng biện pháp tự vệ thương mại .
Thực tế trước tình trạng ô tô NK tăng đột biến đây là biện pháp cần thiết và hiệu quả được các nước áp dụng khi muốn hỗ trợ sản xuất trong nước. Biện pháp này không chỉ giúp bảo vệ sản xuất trong nước mà còn hạn chế sự gia tăng NK gây ảnh hưởng đến cán cân thương mại.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, việc áp dụng biện pháp tự vệ không phụ thuộc vào chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước mà do các doanh nghiệp sản xuất trong nước có quyết định nộp đơn yêu cầu biện pháp tự vệ hay không.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, để yêu cầu biện pháp tự vệ, chúng ta phải đáp ứng yêu cầu nhất định, có thông tin chứ không phải thích kiện là kiện. Đặc biệt, một yếu tố cần phải xem xét là ai là người đang NK ô tô? Các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước có khi lại chính là người NK nhiều nhất. Nếu DN đang có lợi ích từ việc NK thì việc nộp đơn có thể sẽ khiến DN không có lợi ích. Mặt khác nếu DN có NK sẽ không đáp ứng điều kiện để đi kiện – điều kiện để có thể đi kiện phải là ngành sản xuất thuần túy, nếu có NK thì bị loại khỏi “tiêu chí” ngành sản xuất trong nước.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Tô Thái Ninh, Phó Trưởng phòng Phòng Điều tra vụ kiện phòng vệ thương mại của DN trong nước (Cục Quản lí cạnh tranh- Bộ Công Thương) nhìn nhận, muốn sử dụng biện pháp tự vệ, trước tiên phải có đơn của ngành sản xuất trong nước - tức là một nhóm DN đại diện cho ngành sản xuất trong nước. Song để đáp ứng điều kiện này, DN nộp đơn phải có lượng sản xuất chiếm ít nhất 25% tổng sản lượng của toàn ngành sản xuất trong nước. Giả sử, một năm ngành sản xuất trong nước sản xuất được 100.000 xe, nếu có 3 DN muốn nộp đơn áp dụng biện pháp tự vệ phải chiếm ít nhất 25.000 xe trong giai đoạn xem xét.
Ngoài tính đại diện nói trên, DN phải chứng minh được có sự gia tăng đột biến lượng ô tô NK vào Việt Nam và sự gia tăng đột biến đó gây thiệt hại nghiêm trong cho ngành sản xuất trong nước. Sự thiệt hại đó được quy định rõ bằng 15 “chỉ số” như doanh thu, lợi nhuận, chi phí sản xuất, tồn kho… “Từ những điều kiện đó, chúng ta mới có cơ sở tiến hành khởi xướng điều tra. Còn nếu muốn áp thuế thì chúng ta còn phải mất thời gian, nhanh là 3 tháng”, ông Ninh nói.
Đáng lưu ý, việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng ô tô còn phụ thuộc vào vấn đề liệu có tồn tại ngành sản xuất trong nước hay chỉ mới là NK về và lắp ráp? Liệu DN có mang tính đại diện cho ngành hay không? “Chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự (phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản). Dây chuyền sản xuất chủ yếu gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra”, đây là một trong 4 hạn chế của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam được đã được Bộ Công Thương chỉ ra.
Báo hải quan