Không để lỡ khoản tín dụng hỗ trợ quốc tế về chuyển đổi xanh 15,5 tỷ USD
Từ nay đến cuối năm, nếu không xây dựng và đệ trình được với các đối tác phát triển về kế hoạch thực hiện, thì Việt Nam có khả năng để lỡ khoản tín dụng quốc tế trị giá 15,5 tỉ USD hỗ trợ chuyển đổi xanh cho Việt Nam. Đây là một ví dụ được các chuyên gia nêu ra, để khuyến nghị Việt Nam cần nỗ lực mạnh mẽ hơn trong nắm bắt các hỗ trợ quốc tế về chuyển đổi xanh.
- 06-07-2023Đua nhau xây điện mặt trời, giá điện châu Âu lại xuống mức âm
- 02-06-2023Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói về cơ chế giá điện gió, điện mặt trời
- 07-01-2023Giá mua điện gió, điện mặt trời cao nhất là hơn 1.800 đồng/kWh
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, trong khi Chính phủ nỗ lực mở ra nhiều cơ hội tiếp cận các khoản tín dụng xanh từ quốc tế thì việc nắm bắt các cơ hội này lại chưa chuyển động tích cực như kỳ vọng. Đơn cử như việc tháng 12 năm ngoái, các nhà lãnh đạo của Việt Nam và Nhóm Đối tác Quốc tế (bao gồm: Liên minh Châu Âu, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Ý, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch) đã thống nhất một Chương trình Quan hệ Đối tác về Chuyển dịch năng lượng công bằng (gọi tắt là JETP).
Chương trình ban đầu sẽ huy động nguồn tín dụng 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam. Yêu cầu đến cuối năm nay, Việt Nam phải làm việc với các đối tác để xây dựng và thông qua Kế hoạch Huy động Nguồn lực của JETP Việt Nam, để tạo điều kiện thực hiện tài trợ và chiến lược của JETP.
Theo đó, TS. Mai Huy Tân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững Mekong kỳ vọng, các nhà hoạch định chính sách sớm hoàn thành và trình thông qua Chiến lược giảm 500 triệu tấn CO2 đến năm 2035, để được nhận khoản tài trợ 15,5 tỷ USD từ chương trình Chuyển dịch năng lượng xanh JETP Việt Nam.
"Indonesia ngay khi biết được chủ trương về JETP, họ đã chuẩn bị sẵn một chiến lược rồi. Cho nên khi đưa chiến lược ra và được phê duyệt ngay và được giải ngân với con số lớn hơn cho Việt Nam rất nhiều. Vậy nếu đến cuối năm nay, Việt Nam không đệ trình được và không có chiến lược về giải ngân thì họ sẽ không phê duyệt và cũng không có tiền để giải ngân được cho Việt Nam, và mất đi một cơ hội rất lớn để làm kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực giảm phát thải khí CO2, tiến đến NET- Zero vào năm 2050” - TS. Mai Huy Tân nêu rõ.
Việt Nam là quốc gia thứ ba triển khai JETP, sau sự ra mắt thành công của JETP cho Nam Phi và JETP Indonesia. Là một nền kinh tế mới nổi đang phát triển nhanh chóng và với Chương trình JETP, Việt Nam sẽ chứng minh rằng tăng trưởng kinh tế không song hành với tiêu thụ năng lượng nhiên liệu hóa thạch.
Trọng tâm của JETP là đảm bảo quá trình chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch được công bằng. Một quá trình chuyển dịch công bằng sẽ không chỉ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về khí hậu mà còn đảm bảo một tương lai thịnh vượng và đủ sức chống chịu cho người dân, giảm tác động của ô nhiễm và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cũng như tạo việc làm mới. Điều quan trọng là toàn bộ xã hội dân sự cần được tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh ở tất cả các giai đoạn và không ai bị bỏ lại phía sau.
Việc thực hiện thành công các mục tiêu đầy tham vọng của JETP sẽ giúp giảm tổng cộng khoảng 200 triệu tấn khí nhà kính đến năm 2030 và giảm thêm 300 triệu tấn nữa đến năm 2035, giúp hạn chế phát thải tổng cộng khoảng 500 triệu tấn hoặc nửa giga tấn thông qua JETP từ giờ đến năm 2035 và có thể giảm được hơn nữa sau 2035. Chương trình sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu tham vọng về đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, đẩy nhanh tốc độ đạt đến đỉnh phát thải khí nhà kính và chuyển đổi từ nhiên liệu hoá thạch sang năng lượng sạch.
Cụ thể, Chương trình JETP hỗ trợ Việt Nam hướng tới một số mục tiêu mới đầy tham vọng: Đưa thời điểm đạt đỉnh phát thải khí nhà kính dự kiến ở Việt Nam từ năm 2035 thành năm 2030; giảm phát thải đỉnh của ngành điện tối đa là 30% đến năm 2030, từ 240 triệu tấn CO2 xuống 170 triệu tấn CO2, đưa thời điểm đạt đỉnh phát thải khí nhà kính sớm hơn 5 năm, thành năm 2030; giảm công suất điện than của Việt Nam từ mức 37 GW theo kế hoạch hiện tại xuống còn 30,2 GW; đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo để năng lượng tái tạo chiếm 47% tổng lượng điện được tạo ra đến năm 2030 (so với tỉ trọng hoạch định hiện nay là 36%). Việc thực hiện thành công các mục tiêu đầy tham vọng này sẽ giúp giảm phát thải khoảng 500 triệu tấn (một nửa giga tấn) từ giờ đến năm 2035.
VOV