MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không hiếm chuyện ‘hét’ giá trên trời rồi bỏ cọc tương tự Tân Hoàng Minh

14-01-2022 - 08:45 AM | Bất động sản

Không hiếm chuyện ‘hét’ giá trên trời rồi bỏ cọc tương tự Tân Hoàng Minh

Thời gian qua, nhiều phiên đấu giá đất được tổ chức tại khắp các địa phương, kết quả trúng đấu giá cao gấp 2 - 3 lần, thậm chí đến 4 lần so với giá khởi điểm. Tuy nhiên, đến hạn nộp tiền thì không ít nhà đầu tư đã “bỏ của chạy lấy người”.

Đây không phải lần đầu

Tháng 12/2021, thị trường bất động sản Việt Nam được chứng kiến cơn “địa chấn” khi giá trúng lô đất vàng 10.060 m2 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm có mức giá lên tới 2,45 tỷ đồng/m2.

Chủ tịch Đỗ Anh Dũng đã chia sẻ lý do về mức giá mà mình quyết định bỏ ra để trúng thầu. Theo ông kể lại, thời điểm đó, có nhiều nhà đầu tư tham gia trả giá cao đến 20.000 tỷ đồng rồi bỏ cuộc, chỉ còn một nhà đầu tư ngoại. Lo ngại mảnh đất đẹp nhất Thủ Thiêm về tay người nước ngoài, nên chủ tịch Tân Hoàng Minh đã quyết định trả giá cao hơn 3%, tương đương 700 tỷ đồng để giành quyền trúng thầu.

"Nhiều năm qua, tôi thực sự cảm thấy rất xót xa khi nhiều lô đất quý hơn vàng lần lượt rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài. Tôi trăn trở với câu hỏi: Tại sao doanh nghiệp Việt Nam ta không cạnh tranh được với họ ngay trên chính đất nước mình? Tại sao đất đai - tài nguyên quý giá của nước mình lại tạo ra lợi nhuận cho người nước ngoài? Vì vậy mà tôi quyết tâm phải có được lô đất đẹp này - kể cả bằng một cái giá mà theo nhiều người là "gây sốc"!", ông Dũng từng cho biết ngay sau phiên đấu giá.

Tuy nhiên, đến ngày chiều tối 10/1, ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có tâm thư gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước về việc xin bỏ cọc lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm và chấp nhận mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Ông Dũng giải thích, hành động này nhằm đảm bảo một phần sự ổn định thị trường kinh doanh bất động sản. "Sau khi đấu giá trúng, Tập đoàn lắng nghe rất nhiều dư luận xã hội và thấy rằng kết quả trúng đấu giá cao như vậy có thể dẫn đến hệ lụy không tốt. Đặc biệt sau khi tiếp nhận ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại kỳ họp bất thường Quốc hội vừa qua".

"Chúng tôi xin tự nguyện đơn phương chấm dứt Hợp đồng mua bán đấu giá tài sản ô đất 3-12 khu chức năng số 3 trong Khu đô thị Thủ Thiêm và chấp nhận mọi chế tài việc đơn phương chấm dứt Hợp đồng theo quy định của pháp luật về việc đấu giá tài sản công", Chủ tịch Tân Hoàng Minh nêu trong tâm thư.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Tân Hoàng Minh trúng đấu giá các lô đất vàng rồi xin rút lui khỏi dự án. Trước khi trúng đấu giá lô đất 3-12 tại Thủ Thiêm, vào năm 2016, tập đoàn này từng gây xôn xao dư luận khi trúng đấu giá lô đất 23 Lê Duẩn, quận 1, TP. HCM với giá 1.430 tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần so với giá khởi điểm.

Tại khu đất này, Tân Hoàng Minh lên kế hoạch phát triển 23 Lê Duẩn thành một dự án phức hợp văn phòng, trung tâm thương mại dịch vụ cao cấp. Tuy nhiên, vào năm 2018, Techcombank đã mua lại khu đất để xây dựng trụ sở làm việc.

Tại Hà Nội, Tân Hoàng Minh cũng từng sở hữu khu đất vàng 22-24 Hàng Bài và 25-27 Hai Bà Trưng vào năm 2006. Tuy nhiên, sau nhiều năm vướng giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp đã rút khỏi dự án.

Đấu giá trên trời rồi “bỏ của chạy lấy người”

Thời gian qua, câu chuyện nhà đầu tư bỏ cọc tháo chạy sau khi đấu giá thời gian qua không phải là hiếm. Tại nhiều tỉnh thành như Bắc Giang, Thanh Hóa, Phú Thọ,… ghi nhận hàng loạt nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp trúng đấu giá chấp nhận chịu mất tiền cọc, không nộp tiền trúng đấu giá khiến các lô đất có kết quả đấu giá bị hủy.

Cụ thể, tại xã Quảng Nhân, huyện Quảng Xương, vào cuối năm 2020, UBND xã tổ chức đấu giá 53 lô đất, mỗi lô có diện tích 120 - 150 m2, giá khởi điểm 1,5 - 2 triệu đồng/m2. Trong phiên đấu giá người dân ở khắp nơi về tham gia. Qua buổi đấu giá, giá đất được đẩy lên 4,1 đến 4,25 triệu đồng/m2.

Không hiếm chuyện ‘hét’ giá trên trời rồi bỏ cọc tương tự Tân Hoàng Minh - Ảnh 1.

ảnh minh họa.

Tuy nhiên, khi hết hạn nộp tiền trúng đấu giá, đã có 31 lô bị người trúng đấu giá bỏ cọc. UBND xã phải trình cấp có thẩm quyền hủy bỏ kết quả để đấu giá đất lại. Số tiền bỏ cọc khoảng 1,5 tỷ đồng.

Tiếp nữa, tại huyện Hoằng Hóa, trong năm 2021, trên địa bàn huyện tổ chức hơn 30 cuộc đấu giá, với tổng diện tích 11,4 ha (722 lô đất) nhưng có đến hơn 100 lô đất bị bỏ cọc, tập trung nhiều ở các xã Hoằng Đức, Hoằng Cát, Hoằng Đồng, Hoằng Thành…

Trước đó, theo báo cáo của Trung tâm Phát triển Quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện Yên Dũng, toàn huyện có 477 lô đất thuộc thị trấn Nham Biền, các xã: Nội Hoàng, Xuân Phú, Tiến Dũng, Đồng Phúc và Quỳnh Sơn từ đầu năm tới nay được đấu giá thành công. Tổng giá trị theo giá trúng đấu giá là gần 954 tỷ đồng, tăng so với giá khởi điểm hơn 363 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến thời điểm 12/2021 đã có 77 lô đất khách hàng bỏ cọc với tổng số tiền trả giá gần 147 tỷ đồng. Trong số này, khu dân cư thôn Xuân Đông, xã Xuân Phú có 38/66 lô; khu dân cư thôn Huyện, xã Tiến Dũng có 21/42 lô; khu đất ở và kinh doanh dịch vụ xã Nội Hoàng có 18/88 lô bỏ cọc.

Lãnh đạo Trung tâm Phát triển Quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện Yên Dũng cho biết, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc khách hàng trả giá quá cao. Đơn cử, 88 lô đất của khu đất ở và kinh doanh dịch vụ xã Nội Hoàng có giá trúng đấu giá hơn 318 tỷ đồng, tăng tới hơn 138 tỷ đồng (khoảng 77% so với khởi điểm).

“Có rất nhiều lô đất tăng gần gấp đôi mức giá huyện đưa ra. Việc trả giá quá cao khiến cho người trúng gặp khó khăn trong việc thu xếp tiền nộp ngân sách. Điều này cũng không không phản ánh đúng giá trị thực của các lô đất trên thị trường”, lãnh đạo cho biết.

Nhiều ý kiến cho rằng những phiên đấu giá đất sôi nổi tại các địa phương có thể chỉ là tình trạng sốt ảo. Thực tế, một bộ phận người tham gia không thật sự có nhu cầu sử dụng mà cố ý mua đất nhằm mục đích thổi giá, trục lợi. Theo ghi nhận của phóng viên, không ít người sau khi trúng sẽ sang tay tại khu đất, trong trường hợp không bán chênh được sẽ bỏ cọc.

Theo quy định hiện nay, tiền đặt cọc trước tối thiểu là 5% giá khởi điểm của thửa đất đấu giá. Tỉnh Thanh Hóa vừa qua đã có văn bản yêu cầu nâng mức đặt trước này lên tới 20%.

Tuấn Minh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên