MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không màng đến căng thẳng leo thang, một loạt công ty tài chính quyền lực nhất Phố Wall vẫn nỗ lực 'chen chân' để giành lấy 'miếng ngon' tại Trung Quốc

10-09-2020 - 15:17 PM | Tài chính quốc tế

Theo Financial Times, một số công ty tài chính quyền lực nhất Phố Wall đang tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực thực hiện các thương vụ đầu tư ở Trung Quốc, bất chấp mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington ngày càng trở nên căng thẳng.

BlackRock – công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, tháng trước đã được phía Trung Quốc chấp thuận thực hiện mối quan hệ đối tác với một ngân hàng quốc doanh tại nước này. Vài ngày sau, Vanguard cho biết họ sẽ chuyển trụ sở tại Trung Quốc đến Thượng Hải, còn Citigroup trở thành ngân hàng Mỹ đầu tiên nhận được giấy phép giám hộ quỹ. Ngoài ra, hiện tại đã có nhiều nguồn thông tin cho thấy JPMorgan đang có kế hoạch mua lại một đối tác trong lĩnh vực quản lý quỹ tại Trung Quốc.

Những động thái mới của một loạt công ty tài chính Mỹ đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang dần hướng tới mục tiêu tự do hóa thị trường vốn có quy mô lớn. Điều này cho thấy rằng, đằng sau sự căng thẳng của mối quan hệ Mỹ - Trung trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, lĩnh vực dịch vụ tài chính của 2 quốc gia này lại đang "xích" lại gần nhau hơn.

Stewart Aldcroft – chủ tịch Cititrust khu vực châu Á (thuộc Citigroup), nhận định: "Bất kỳ nơi nào ở Trung Quốc đều có rất nhiều tiền và liệu còn nơi nào khác trên thế giới có cơ hội tương tự, với lượng tiền như vậy để quản lý? Thành thật mà nói thì không có nơi nào cả."

Việc thâm nhập vào thị trường Trung Quốc gần đây chủ yếu tập trung ở ngành quản lý quỹ của nước này – một phần của một loạt các dịch vụ đang coi là "mang lại cơ hội hợp tác và cùng có lợi" trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và trung Quốc.

Chính sách cải cách của Trung Quốc có hiệu lực trong năm nay. Theo đó, lần đầu tiên, các công ty nước ngoài có thể hoàn toàn sở hữu các doanh nghiệp của riêng họ trong lĩnh vực quỹ tương hỗ. Theo dự báo của Deloitte, các quỹ đã công khai đăng ký hoạt động tại đây có thể sẽ quản lý 3,4 nghìn tỷ USD tài sản vào năm 2023.

Casey Quirk – một công ty tư vấn, ước tính rằng Trung Quốc sẽ vượt qua Anh để trở thành thị trường quỹ lớn thứ 2 thế giới vào năm 2023.

Trong khi đó, Peter Alexander – nhà sáng lập của công ty tư vấn Z-Ben Advisors, cho hay: "Chúng tôi biết ý định của Trung Quốc là mở cửa thị trường và lý do để họ làm điều đó không phải là vì họ quá hào phóng. Mà Trung Quốc muốn được hưởng lợi từ ‘cách thực hành tốt nhất’ (best practice) của Mỹ."

Aldcroft nhắc đến chuyến thăm cách đây 6 năm của các quan chức cấp cao tại Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đến Citi và cơ quan quản lý chứng khoán Hồng Kông – SFC. Ông nói: "Họ thấy sự cạnh tranh mà các công ty nước ngoài mang lại là sự phát triển rất lành mạnh."

Ở thời điểm này, ngành quỹ tương hỗ của Trung Quốc vẫn còn rất non trẻ. Goldman Sachs ước tính chỉ 7% tài sản hộ gia đình của nước này nằm trong thị trường chứng khoán và các quỹ tương hỗ, trong khi Mỹ là 32%. 2/3 tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc là bất động sản và gần 1/5 được nắm giữ bằng tiền mặt và tiền gửi.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc đang gặp nhiều biến động. Đây là một vấn đề mà các phương tiện truyền thông nhà nước đã bày tỏ lo ngại trong năm nay, khi các chỉ số đều tăng rất mạnh. Sự thay đổi bất thường về mức giá đã là dấy lên mối lo ngại đối với các nhà đầu tư rằng thị trường có thể gặp rất nhiều rủi ro.

Shen Jiahong, một nhà đầu tư nhỏ lẻ khoảng 40 tuổi tại Thượng Hải, chia sẻ: "Đối với chúng tôi, các nhà đầu tư nhỏ lẻ không có kiến thức chuyên ngành tài chính, thật khó để có được lợi nhuận." Chị cho hay, thay vì mua cổ phiếu riêng lẻ, chị thường mua các quỹ tương hỗ - được đánh giá dựa trên thứ hạng trên WeChat.

Mối quan tâm của các công ty nước ngoài không chỉ giới hạn ở việc kinh doanh dịch vụ quỹ tương hỗ. Gần đây, BlackRock đã có được quyền sở hữu toàn bộ hoạt động quỹ tương hỗ tại Trung Quốc, mối quan hệ đối tác mới với Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) và Temasek của Singapore cũng cho phép họ đóng vai trò quan trọng hơn trong thị trường quản lý tải sản tại đây – vốn bị chi phối bởi các ngân hàng trong nước. Tháng này, Trung Quốc cũng phê duyệt Citi là ngân hàng đầu tiên cung cấp dịch vụ giám sát như lưu trữ hồ sơ, thanh toán thương mại và quản lý thu nhập (income processing).

Vào tháng 3, Morgan Stanley cũng có được sự chấp thuận để nắm quyền sở hữu đa số đối với liên doanh chứng khoán Trung Quốc. JPMorgan gần đây được phép trở thành ngân hàng nước ngoài đầu tiên sở hữu toàn bộ hoạt động kinh doanh trong tương lai tại Trung Quốc, bên cạnh việc kiểm soát hoạt động kinh doanh quỹ tương hỗ thông qua chi nhánh quản lý tài sản.

Jamie Dimon – chủ tịch và giám đốc điều hành của JPMorgan, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg tại Bắc Kinh vào năm 2018 rằng công ty của ông đang có kế hoạch xây dựng hoạt động tại đây trong 100 năm. Ông nói: "Một ngày nào đó, bạn sẽ thấy có một tòa tháp của chúng tôi ở Trung Quốc giống như ở New York."

"Giải thưởng" đối với các công ty tài chính của Phố Wall khi bước chân vào Trung Quốc là rất lớn: một nguồn thu phí mới đối với các ngân hàng và là một lượng lớn khách hàng, công ty tiềm năng để rót tiền đối với các nhà quản lý quỹ. 

Dẫu vậy, việc giành được thị phần không phải điều dễ dàng. Hugh Young – trưởng nhóm nghiên cứu thị trường châu Á tại Standard Life Aberdeen, cho biết các nhà quản lý tài sản nước ngoài phải đối mặt với một số đối thủ "máu mặt" trong nước. Ông nói thêm rằng nhiều công ty nước ngoài đang nỗ lực củng cố sự hiện diện của họ trên thị trường, để hưởng lợi khi Trung Quốc nới lỏng kiểm soát đối với dòng tiền của hộ gia đình và công ty được chuyển ra nước ngoài.

Ngoài ra, Alexander cũng đồng tình rằng việc "lưu chuyển dòng tiền của Trung Quốc trên toàn cầu" là "chén thánh" đối với các công ty nước ngoài, nhưng Bắc Kinh sẽ không cho phép họ thống trị quá trình đó. 

Tham khảo Financial Times

Lục Lam

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên