MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không margin CTCK khó trụ

Đối với rất nhiều CTCK, margin được xem như "cần câu cơm" bởi nguồn thu từ phí giao dịch chủ yếu dùng để chi hoa hồng cũng như trang trải các chi phí quản lý, vận hành doanh nghiệp. Vậy nếu CTCK không thể cấp margin sẽ sống như thế nào?

Vùng vẫy tìm lối thoát

Chuyện CTCK không có margin không phải là việc thiếu đi một lợi thế cạnh tranh mà đó là chỉ báo, hệ quả cho những khó khăn mà CTCK đang phải đối mặt. Và nếu có trường hợp nào ngoại lệ, từ chỗ không được cấp margin, CTCK có thể phục hồi trở lại có thể xem là cá biệt, và rất ngoạn mục, nhưng sẽ rất hiếm.

Chuyên gia CK Hoàng Thạch Lân phân tích: "Nếu CTCK không đạt tỷ lệ an toàn vốn theo quy định (180%) hoặc lỗ lũy kế vượt 50% vốn điều lệ sẽ không được cấp margin. Tình trạng này sẽ tạo ra muôn vàn sức ép cho sự tồn tại của CTCK, vì thông thường khách hàng sẽ bỏ đi dần, dẫn đến việc CTCK hụt đi nguồn thu để cải thiện tình hình tài chính của mình". Đơn cử, một CTCK trực thuộc một NHTMCP, do không được cấp margin đã bị sụt giảm nguồn thu đến 60%. Hoặc như một CTCK khác sau khi không được cấp margin lượng khách hàng vốn đã ít ỏi cũng nhanh chóng chia tay.

Khó sống là điều đương nhiên, nhưng vẫn còn đó một số rất ít các CTCK dù không có nghiệp vụ margin vẫn tìm cách để tồn tại. Trước tiên, CTCK cần có một cơ số khách hàng phù hợp. Chẳng hạn, CTCK nào duy trì được một lượng lớn khách hàng truyền thống, việc có hay không có margin cũng không phải thách thức quá lớn. Bởi nhiều NĐT có tuổi hiện nay vẫn trung thành với lối giao dịch cẩn trọng, có bao nhiêu vốn, mua bấy nhiêu và giữ dài, không lướt sóng để đảm bảo sự an toàn. Trong trường hợp nếu CTCK vẫn còn duy trì được nghiệp vụ tư vấn cũng tạo ra một lợi thế đáng kể. Thông thường khi CTCK tư vấn cho doanh nghiệp (DN) niêm yết, CBCNV của DN đó cũng sẽ mở tài khoản CK tại CTCK đó để niêm yết CP. Và cũng có những lãnh đạo DN chủ yếu nắm giữ CP, khi chỉ có ý định "để đó" thay vì mua bán, việc CTCK có cấp margin hay không cũng không phải vấn đề lớn. Chính những DN mà cụ thể là CBCNV cũng là khách hàng truyền thống của CTCK.

Nhưng tìm được CTCK nào không được cấp margin vẫn mạnh về dịch vụ tư vấn là rất khó. Bởi lẽ nghiệp vụ tư vấn được xem như nghiệp vụ "cao cấp", ngay cả CTCK có thị phần lớn, tiền nhiều cũng chưa chắc đã mạnh về mảng này, huống chi những CTCK không thể cấp margin, nguồn vốn không còn dồi dào. Hơn nữa, về mặt con người cũng không có quá nhiều nhân sự trong lĩnh vực tư vấn dày dạn kinh nghiệm. Vậy nên những người này thường được các CTCK chiêu mộ với chế độ làm việc rất tốt nếu có cơ hội. Nghĩa là chỉ những nhân sự nào có nghề trong lĩnh vực tư vấn và có sự gắn bó đặc biệt mới có thể tiếp tục làm việc ở những CTCK không được cấp margin, và có thể hiểu là một CTCK yếu.

Một trường hợp cũng hiếm có nhưng không thể không nhắc đến là các quỹ đầu tư, một số tổ chức theo các quy định sẽ không được sử dụng margin nên CTCK cũng có thể giữ chân được nhóm này. Với nhóm khách hàng này, CTCK có thể đứng ra môi giới những cơ hội đầu tư lớn, đầu tư mua "gói lớn" trong các thương vụ IPO thoái vốn...

Chờ những điều kỳ diệu

Với các CTCK không cấp margin, một số giải pháp cũng được đưa ra liên tục nhằm chiều lòng và giữ chân khách hàng. Chẳng hạn, một CTCK trực thuộc NH có ưu đãi miễn phí ứng trước trong trường hợp NĐT bán ra và mua lại ngay CP trong ngày. Ưu đãi này cũng khá giống với việc CTCK miễn phí margin 2 ngày đầu tiên cho khách hàng. Khách hàng nếu giao dịch tương đối thường xuyên sẽ thích ưu đãi này, vì cũng tiết kiệm được kha khá các khoản phí. Bên cạnh đó, việc chỉ phục vụ cho một số ít khách hàng cũng trở thành lợi thế khi CTCK có thể dốc toàn lực trong việc tìm kiếm thông tin, tư vấn để NĐT có cơ hội sinh lời. Hơn nữa, CTCK cũng thoát khỏi áp lực cạnh tranh margin theo kiểu: CTCK đưa ra ưu đãi margin hấp dẫn, kéo về một lượng khách đáng kể, tuy nhiên đến khi hết ưu đãi, nhóm khách hàng này có thể chuyển sang CTCK khác ngay lập tức.

Sau môi giới, tự doanh có thể nhắc đến giống như nguồn sống của CTCK, tuy nhiên khi không được cấp margin, tỷ lệ an toàn tài chính của CTCK cũng bị ảnh hưởng, nghĩa là nguồn vốn không dồi dào nên nguồn lực cho tự doanh cũng rất hạn chế. Đôi khi hoạt động tự doanh có thể mang tính chất môi giới, hoặc đầu tư ngắn hạn nhiều hơn. Chẳng hạn như mua số lượng CP nhất định nhưng thực tế là "đứng tên hộ" cho một chủ sở hữu không muốn lộ diện, hoặc mua xong nếu có cơ hội có thể bán lại ngay.

Cần phải khẳng định một điều, với những CTCK không được cấp margin thì hoạt động chỉ mang tính chất cầm chừng, và khả năng tồn tại phát triển trở lại trong dài hạn là cực kỳ mờ mịt, dù tất nhiên vẫn có cơ hội. Bởi lẽ, ngay như yếu tố con người, vốn rất quan trọng và cũng là lợi thế gần như duy nhất để các CTCK này tồn tại cũng chứa đựng những sự bất định. Rõ ràng, làm việc tại những CTCK tương lai không rõ ràng sẽ rất khó tạo nên cảm hứng, ngay cả khi những người này làm việc bằng tình cảm hay sự gắn bó, thậm chí không cần tiền. Trong khi đó, nếu nhân viên của CTCK vẫn còn muốn gia tăng thu nhập thì chỉ cần có cơ hội sẽ thay đổi ngay công việc.

Theo Thanh Ngọc

Sài Gòn đầu tư

Trở lên trên