Không mua theo cân, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt cả cây vải thiều xuất Nhật
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã đặt mua nguyên cây vải thiều tại vườn của gia đình ông Nguyễn Văn Sơn ở xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang.
- 07-06-2023Vải thiều Bắc Giang vào siêu thị, giá hơn 20.000 đồng/kg
- 07-06-2023Tin vui cho nông dân Bắc Giang: 300 tấn vải thiều Lục Ngạn sắp đổ bộ loạt siêu thị BigC, GO! và xuất sang Thái Lan
- 06-06-2023Vải thiều Việt Nam có giá hơn 400.000 đồng/kg tại Anh
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang - xác nhận, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đặt mua cả một cây vải thiều của gia đình ông Nguyễn Văn Sơn ở xã Quý Sơn. Cây vải này nằm trong khu vườn trồng vải xuất khẩu đi Nhật Bản.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt mua cây vải thiều trong lần ông đến làm việc ở huyện Lục Ngạn vào ngày 4/6. Ông Nam cho biết thêm, một số hộ dân trong huyện Lục Ngạn trồng vải xuất khẩu sang Nhật Bản, châu Âu và Mỹ đã liến kết với các công ty du lịch đưa khách đến tham quan vườn vải. Nhiều khách du lịch cũng đặt mua cả cây vải thiều ở các nhà vườn của huyện Lục Ngạn.
Ông Nam cho biết thêm, vụ vải thiều năm nay, huyện Lục Ngạn có thêm nhiều cách làm mới nhằm nâng cao giá trị quả vải, như xây dựng các tour, tuyến du lịch sinh thái, trải nghiệm hái vải thiều hay bán vải nguyên cả cây.
Mô hình vườn vải du lịch sinh thái trở thành một kênh tiêu thụ nông sản tại chỗ hiệu quả. Đây cũng là một kênh tiêu thụ rất đặc biệt khi du khách đến có thể trực tiếp trải nghiệm và cảm nhận được chất lượng trong từng trái vải, được chủ vườn vải trực tiếp chia sẻ về quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ông Trần Văn Hành ở thôn Chão (ở Giáp Sơn, Lục Ngạn) là một trong những người đã có được sự thành công khi liên kết với doanh nghiệp xây dựng mô hình du lịch vườn vải thiều và bán vải nguyên cây cho du khách.
Hằng ngày, ông Hành hoặc hướng dẫn viên du lịch trực tiếp chia sẻ với du khách về quy trình trồng và chăm sóc vườn vải thiều theo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Tính đến thời điểm này, vườn nhà ông Hành đã đón hơn 2.000 lượt du khách đến tham quan trải nghiệm. Ngoài ra, khách du lịch còn đặt mua hơn 10 cây vải trong vườn với giá từ 10-10,5 triệu đồng/cây.
Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn La Văn Nam cho biết, năm 2023, tổng diện tích sản xuất vải của huyện Lục Ngạn là 17.000 ha, trong đó có gần 13.500 ha áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP; dự kiến sản lượng toàn huyện đạt khoảng 98.000 tấn.
Vải thiều Lục Ngạn được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý từ năm 2008, bảo hộ nhãn hiệu tại 8 nước. Vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm trái cây đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản năm 2021.
Tiền phong