Không nên cơ cấu, giãn nợ đại trà
Giới chuyên môn cho rằng, việc cơ cấu nợ cho riêng doanh nghiệp bất động sản không phù hợp, vì đây là vấn đề thị trường.
- 22-02-2023Chính phủ giao NHNN xem xét giãn nợ cho doanh nghiệp bất động sản khó khăn
- 18-02-2023Chính phủ dự kiến giãn nợ gốc, lãi vay cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn
- 17-02-2023Bộ Xây dựng đề xuất giãn nợ gốc, lãi vay cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn
-
Nhiều khả năng tổng mức giảm giá của VND so với USD trong cả năm nay chỉ khoảng 2%
-
Việc yêu cầu báo cáo với những giao dịch có giá trị lớn sẽ giúp cơ quan Nhà nước dễ kiểm soát những giao dịch có dấu hiệu đột biến, bất thường và cũng nhằm khiến những hành vi phạm pháp sớm bị ngăn chặn từ trước khi diễn ra
Tại Dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, Chính phủ yêu cầu ngành Ngân hàng rà soát việc cho vay đối với các doanh nghiệp bất động sản và có giải pháp phù hợp; NHNN xem xét chỉ đạo, hướng dẫn giãn nợ gốc, lãi vay cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn…
Vấn đề giãn nợ đã được một số doanh nghiệp lớn đề xuất tại Hội nghị bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Đại diện Tập đoàn Novaland cho biết, Novaland hiện vẫn đang làm việc với các NHTM để tháo gỡ khó khăn đối với các khoản vay. Doanh nghiệp đề nghị NHNN xem xét cho các tập đoàn bất động sản được tái cấu trúc nợ, giãn nợ trong vòng 24-36 tháng. Tương tự, đại diện Hưng Thịnh Land cũng cho hay, nếu không có chính sách hỗ trợ thì dư nợ của doanh nghiệp này sẽ nhảy nhóm nợ trong thời gian tới. Vì vậy, Hưng Thịnh Land kiến nghị NHNN cho phép cơ cấu nợ, tránh tình trạng nhảy nhóm nợ cho doanh nghiệp.
Về vấn đề này, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết sẽ chỉ đạo các TCTD tích cực làm việc với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN cho rằng, để ngành Ngân hàng có cơ sở thực hiện hỗ trợ Bộ Xây dựng cần rà soát, xem dự án nào mang tính đầu cơ, dự án nào gắn với sản xuất kinh doanh, với thương mại và dịch vụ… Khi phân loại được các dự án sẽ có ứng xử về các giải pháp tháo gỡ riêng.
Đánh giá tích cực hướng giải pháp NHNN đưa ra, TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, trong giai đoạn thị trường bất động sản đang gặp khó khăn, để giảm thiểu tác động đến nền kinh tế, việc đưa ra các giải pháp hỗ trợ linh hoạt là phù hợp, nhưng không nên làm đại trà. Chẳng hạn như việc giãn nợ cho doanh nghiệp bất động sản cũng phải có chọn lọc, tuỳ trường hợp chứ không phải thực hiện cho tất cả các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này. “Tuy nhiên, đây chỉ là một trong rất nhiều giải pháp về cơ chế để hỗ trợ cho thị trường bất động sản”, TS. Thành lưu ý.
Đối với vấn đề giãn nợ, theo TS. Châu Đình Linh nếu chỉ thực hiện riêng với doanh nghiệp bất động sản sẽ thiếu tính công bằng đối các ngành khác khi họ cũng đòi hỏi tương tự, thậm chí tạo tiền lệ xấu, tâm lý ỷ lại của doanh nghiệp cứ khó lại kêu hỗ trợ, trong khi họ vẫn có thể tự giải quyết vấn đề của mình như dùng lợi nhuận tích luỹ, thu hẹp quy mô hoạt động bán bớt dự án để trả nợ… Trong khi việc yêu cầu cơ cấu, giãn nợ lại đẩy khó khăn về phía ngân hàng, dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn rủi ro thanh khoản, mất cân đối kỳ hạn vì vốn ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn trong khi vốn vay bất động sản chủ yếu là trung, dài hạn.
Theo đánh giá của TS. Nguyễn Hữu Huân – Trưởng bộ môn Tài chính Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, không cần thiết phải ban hành quy định riêng về cơ cấu, giãn nợ cho doanh nghiệp bất động sản và cũng không nên làm đại trà. Những doanh nghiệp nào khó khăn thực sự, mức độ ảnh hưởng lớn đến thị trường thì xem xét cơ cấu, giãn nợ. “Tất nhiên việc hỗ trợ doanh nghiệp ra sao tuỳ khả năng tài chính của mỗi ngân hàng để họ vừa đảm bảo hỗ trợ khách hàng mà không đối mặt với rủi ro thanh khoản”, TS. Huân chia sẻ thêm.
Đồng quan điểm, lãnh đạo một NHTM lớn cho rằng, chỉ khi có những điều kiện bất khả kháng là đại dịch trên quy mô toàn thế giới mới cần phải ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ bất động sản. Còn trong điều kiện kinh doanh thông thường thì nên áp dụng điều kiện thông thường để triển khai. Việc cơ cấu, giãn nợ ở đây, theo lãnh đạo ngân hàng này, chỉ là cơ cấu nợ theo quy định hiện hành trong hoạt động của ngân hàng. Hiện nay các ngân hàng đều có cơ sở, căn cứ pháp lý để thực hiện cơ cấu nợ cho khách hàng gặp khó khăn trong quá trình hoạt động kinh doanh. Nguyên tắc cơ cấu nợ đó là việc sau khi cơ cấu xong doanh nghiệp đã được cơ cấu nợ phải đảm bảo trả đủ gốc và lãi cho các ngân hàng. Trường hợp sau cơ cấu nợ, doanh nghiệp bị nhảy nhóm nợ cao hơn, nhưng sau đó các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tốt hơn, thực hiện đúng theo cam kết với ngân hàng thì trở lại nhóm nợ bình thường.
“Hiện nay, không chỉ riêng doanh nghiệp bất động sản mà các doanh nghiệp lĩnh vực khác trong quá trình hoạt động kinh doanh nếu khó khăn ngân hàng đều thực hiện cơ cấu nợ theo đúng quy định hướng dẫn của NHNN. Việc cơ cấu nợ nên triển khai một cách rất thận trọng, chính xác, đảm bảo không chuyển nợ xấu về sau. Nếu dồn nợ xấu về sau tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế cũng như chính ngân hàng”, vị này khuyến nghị.
Giới chuyên môn cũng cho rằng, việc cơ cấu nợ cho riêng doanh nghiệp bất động sản không phù hợp, vì đây là vấn đề thị trường. Nếu có cơ chế đặc thù cho bất động sản thì các hiệp hội ngành nghề khác cũng đòi cơ cấu nợ. Như vậy sẽ không đảm bảo nguyên tắc công bằng giữa các ngành nghề.
Thời báo ngân hàng