MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không phải doanh nghiệp FDI, đây mới là nhóm công ty có mức lương bình quân cao nhất năm 2021

Không phải doanh nghiệp FDI, đây mới là nhóm công ty có mức lương bình quân cao nhất năm 2021

Số liệu thống kê của về tình hình tiền lương năm 2021 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, mức lương bình quân của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 8,26 triệu đồng/tháng, thế nhưng đây không phải là nhóm doanh nghiệp có mức lương cao nhất năm 2021.

Trên cơ sở báo cáo tổng hợp của 60 tỉnh, thành phố tại 41.339 doanh nghiệp, tương ứng với 3,83 triệu lao động, chiếm 15,9% tổng số lao động làm công hưởng lương trên cả nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã công bố số liệu về tình hình tiền lương năm 2021.

Theo đó, tiền lương bình quân của người lao động trong năm 2021 ước đạt 7,84 triệu đồng/tháng, tăng 4% so với năm 2020 (7,54 triệu đồng/tháng) và tăng 0,9% so với năm 2019 (7,77 triệu đồng/tháng).

Cụ thể, ở nhóm công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, mức tiền lương bình quân đạt 9,13 triệu đồng/tháng, bằng 100% so với năm 2020 (9,1 triệu đồng/tháng), giảm 2,2% so với năm 2019 (9,34 triệu đồng/tháng). 

Doanh nghiệp dân doanh là 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 5% so với năm 2020 (7,13 triệu đồng/tháng), tăng 3,4% so với năm 2019 (7,25 triệu đồng/tháng).

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 8,26 triệu đồng/tháng, tăng 20% so với năm 2020 (8,12 triệu đồng/tháng), và giảm 2,4% so với năm 2019 (8,46 triệu đồng/tháng).

Không phải doanh nghiệp FDI, đây mới là nhóm công ty có mức lương bình quân cao nhất năm 2021 - Ảnh 1.

Tình hình tiền lương năm 2021 chia theo nhóm doanh nghiệp. Nguồn: Bộ LĐ-TB&XH

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, các doanh nghiệp trả lương cho người lao động rất khác nhau tùy theo vị trí công việc, ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Mức tiền lương cao chủ yếu tập trung vào các ngành có lợi thế, ít chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như tài chính - ngân hàng, hóa mỹ phẩm, điện tử - công nghệ thông tin, y tế...

Bên cạnh các doanh nghiệp có kết quả sản xuất, kinh doanh tốt, có điều kiện chăm lo đời sống cho người lao động, còn có một số ít doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn dẫn đến nợ lương của người lao động.

Được biết, bắt đầu từ tháng 4/2022, Bộ sẽ khảo sát nhiều doanh nghiệp trên cả nước để thu thập thông tin về tình hình lao động, tiền lương làm cơ sở cho việc đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2023.

Việc khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhằm cung cấp cơ sở cho việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2023 và hoạch định chính sách về lao động, tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp.

Theo kế hoạch, việc khảo sát sẽ được tiến hành tại 2.000 doanh nghiệp ở 18 tỉnh, thành phố đại diện cho 8 vùng kinh tế của cả nước có số lượng doanh nghiệp lớn, thị trường lao động phát triển.

Trong đó, 3 địa phương có số doanh nghiệp được khảo sát nhiều nhất là TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và TP.Đà Nẵng với mức 150 doanh nghiệp/thành phố.

https://cafef.vn/khong-phai-doanh-nghiep-fdi-day-moi-la-nhom-cong-ty-co-muc-luong-binh-quan-cao-nhat-nam-2021-20220124095127423.chn

Giang Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên