MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không phải kinh tế giảm tốc hay nợ chồng chất, đây mới là gót chân Achilles của Trung Quốc

14-09-2019 - 12:51 PM | Tài chính quốc tế

Những ngày này, điểm yếu, gót chân Achilles của Trung Quốc trở thành chủ đề rất được quan tâm.

Quý II, tốc độ tăng trưởng thực của kinh tế Trung Quốc chỉ là 6,2% - thấp nhất trong 27 năm trở lại đây. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của ĐH Chicago chỉ ra rằng trên thực tế nguồn thu thuế trong giai đoạn 2010 – 2016 tăng trưởng thấp hơn 1,8% so với con số chính thức, do đó thực ra kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng quanh mức 4%.

Sau báo cáo của Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump ngay lập tức viết lên Twitter rằng "thuế quan của Mỹ đã tác động mạnh lên các công ty muốn rời Trung Quốc đến các quốc gia không bị ảnh hưởng bởi thuế". Ông khẳng định các yếu tố kinh tế vĩ mô của Trung Quốc đang suy yếu và đó là thứ mà ông nhắm vào để tấn công.

Những ngày này, điểm yếu, gót chân Achilles của Trung Quốc trở thành chủ đề rất được quan tâm. Một danh sách được đưa ra: khu vực tư nhân chìm trong nợ nần, các doanh nghiệp nhà nước trì trệ như những xác sống, nợ xấu liên quan đến sáng kiến Vành đai con đường, thế tiến thoái lưỡng nan ở eo biển Malacca, chuỗi cung ứng toàn cầu có nguy cơ gián đoạn, chênh lệch giàu nghèo, tham nhũng, môi trường bị tàn phá, sự bất mãn của nhóm dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, có một vấn đề ít ai chú ý đến nhưng lại có thể đe dọa Trung Quốc trong dài hạn được gói gọn chỉ trong 1 từ: nước. Trung Quốc đã không thể đảm bảo có đủ nguồn nước đảm bảo chất lượng cho toàn bộ người dân, dẫn đến nguy cơ rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn tài nguyên quan trọng này.

Liên hợp quốc định nghĩa có 3 mức độ "căng thẳng về nước", bắt đầu khi nguồn cung nước hàng năm giảm xuống còn 1.700m3 mỗi người. Tình hình tồi tệ hơn khi con số giảm xuống mức 1.000m3 – ngưỡng được định nghĩa là "khan hiếm nước". Các nước có nguồn cung nước hàng năm giảm xuống dưới 500m3 trên đầu người sẽ rơi vào tình trạng "thực sự khan hiếm nước".

Xét theo tiêu chuẩn này, 8 tỉnh miền Bắc của Trung Quốc hiện đang rơi vào mức độ nghiêm trọng nhất, trong khi 11 tỉnh khác ở mức 1.

Nguồn nước cung cấp bởi sông Hoàng Hà hiện chỉ bằng 1/10 so với những năm 1940. Trên khắp vùng đồng bằng sông Hoàng Hà, nguồn cung nước đã giảm một nửa trong 50 năm qua. Năm 1997, sông Hoàng Hà đã bị khô cạn trong 226 ngày.

Những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng tình trạng ô nhiễm khiến 1/10 lượng nước của sông Hoàng Hà không còn phù hợp để sử dụng trong nông nghiệp. Biến đổi khí hậu càng khiến tốc độ cạn nước của dòng sông tăng nhanh. Năm 2000, Thủ tướng Trung Quốc khi đó là Chu Dung Cơ đã cảnh báo với tốc độ cạn nước như vậy sẽ có ngày Trung Quốc phải chọn nơi khác làm thủ đô thay vì Bắc Kinh.

Để đảm bảo nguồn cung nước cho Bắc Kinh, chính phủ Trung Quốc đã triển khai dự án dẫn nước Bắc Nam để dẫn nước từ sông Dương Tử lên phía Bắc. Đường ống phía Đông dài 1.156km, chảy qua các thành phố Hàng Châu và Bắc Kinh được hoàn thành năm 2013, sử dụng kênh đào Đại Vận Hà vốn được xây dựng từ thời nhà Tùy. Đường ống trung tâm dài 1.432km hoàn thành năm 2014. Thời xưa, kênh đào Đại Vận Hà là con đường huyết mạch để vận chuyển lương thực từ vùng Giang Nam lên Bắc Kinh.

Trong khi dự án dẫn nước Bắc Nam có thể tạm thời giúp giải tỏa cơn khát nước, Bắc Kinh vẫn đang ở trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Các tỉnh lân cận sẽ sớm rơi vào tình cảnh tương tự.

Nguồn cung nước từ sông Dương Tử cũng đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dự án khổng lồ này. Ở điểm đầu của đường ống trung tâm tại tỉnh Hà Bắc, khoảng 380.000 người phải di tản để xây dựng hồ chứa Danjiangkou. Để tránh ô nhiễm nguồn nước, các nhà máy, đồn điền và làng chài trong khu vực này phải đóng cửa. Một số địa phương cũng đang bảo vệ nguồn nước bằng cách xây đập dọc theo các nhánh sông để giữ nước lại.

Cuộc khủng hoảng nước mà Trung Quốc đang phải đối mặt xuất phát từ tình trạng ô nhiễm và lãng phí nguồn nước, mà một phần nguyên nhân là do nước quá rẻ. Trong 30 năm đầu tiên sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc nắm quyền, nước được cấp miễn phí. Chỉ khi nước này bắt đầu cải cách kinh tế những năm 1980, người dân mới bị thu phí.

Kể từ thời cổ đại, trị thủy đã là nhiệm vụ quan trọng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, công tác trị thủy và tưới tiêu thường được quy thành những dự án khổng lồ đi kèm với tham nhũng và bị ảnh hưởng rất nhiều bởi chính trị.

Được mệnh danh là "nóc nhà của thế giới", khu vực Himalaya – nơi khởi nguồn của những con sông lớn nhất châu Á như Dương Tử, Hoàng Hà, sông Hằng, sông Ấn và sông Mekong. Trong tương lai, cuộc đua tranh giành tài nguyên nước sẽ trở nên rất khốc liệt. Các nước chạy đua để xây dựng những con đập khổng lồ sẽ không chỉ bao gồm những nước ở thượng lưu như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Nepal và Bhutan mà còn bao gồm cả những nước ở hạ lưu như Bangladesh, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Thu Hương

Japan Times

Trở lên trên