Không phải lãi suất, đây mới là điều nhà đầu tư quan tâm nhất về cuộc họp của Fed đêm nay
Suốt từ năm 1994 cho đến tháng 6 năm nay, Fed chưa từng tăng lãi suất mạnh đến vậy.
- 02-11-2022Lời cảnh báo dành cho FED: Các ông định để bao nhiêu việc làm biến mất?
- 02-11-2022Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ ủng hộ FED tăng lãi suất, kỳ vọng chạm mức 5,5%
- 02-11-2022'Vũ khí bí mật' giúp Fed tiếp tục tăng lãi suất và hạ nhiệt lạm phát mà không gây suy thoái
Đêm nay (2/11), Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ có những quyết định quan trọng về lãi suất sau khi cuộc họp đã kéo dài 2 ngày kết thúc. Các nhà phân tích đang đổ dồn sự chú ý vào bài phát biểu của Chủ tịch Jerome Powell để tìm ra manh mối trả lời cho câu hỏi liệu Fed có ý định giảm tốc độ tăng lãi suất vào cuộc họp sắp tới (sẽ diễn ra vào tháng 12) hay không.
Hiện thị trường đang dự đoán vào đêm nay Fed sẽ công bố tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm, nâng vùng lãi suất mục tiêu lên 3,75% - 4%. Đây sẽ là lần thứ 4 liên tiếp Fed tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, nhằm giảm lạm phát thông qua việc “ghìm cương” nền kinh tế.
Sau một thời gian dài liên tiếp tăng lãi suất, gần đây một số quan chức Fed đã bắt đầu phát đi tín hiệu cho thấy họ mong muốn Fed sẽ bắt đầu thu hẹp các đợt tăng sau cuộc họp tháng 11, tạo tiền đề để ngừng hoàn toàn lộ trình tăng lãi suất vào đầu năm tới. Nhóm này cùng với một số các chuyên gia kinh tế cũng đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ Fed đang mắc sai lầm khi tăng lãi suất quá nhiều và khiến nền kinh tế nhanh chóng suy yếu một cách không cần thiết.
Suốt từ năm 1994 cho đến tháng 6 năm nay, Fed chưa từng tăng lãi suất mạnh đến vậy. “Chúng ta đang cố gắng hạ nhiệt chứ không phải đóng băng nền kinh tế”, Diane Swonk, chuyên gia kinh tế trưởng của KPMG nói.
Trở lại mùa hè vừa qua, đa số các quan chức Fed đều ủng hộ phương án tăng mạnh lãi suất bởi vì họ gần như đang đuổi theo lạm phát. Tỷ lệ lạm phát liên tục ở gần mức cao nhất 40 năm nhưng cho đến tận tháng 3 năm nay lãi suất vẫn ở mức gần 0.
Tuy nhiên, giờ tình hình đã đổi khác. Và cuộc tranh luận về mức độ tăng lãi suất sẽ trở nên căng thẳng hơn khi mà lãi suất đã đạt đến ngưỡng ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động chi tiêu, đầu tư và tuyển dụng. Là lãi suất tham chiếu cho nhiều giao dịch, lãi suất cơ bản liên bang sẽ ảnh hưởng đến chi phí đi vay trên toàn nền kinh tế, trong đó có cả lãi suất thẻ tín dụng, lãi suất thế chấp và các khoản vay mua xe ô tô.
“Họ thực sự cần phải hành động chậm lại. 50 điểm cơ bản là nhanh, còn 75 điểm cơ bản là quá nhanh”, Ellen Meade, chuyên gia kinh tế đang làm việc tại ĐH Duke và từng là cố vấn cao cấp tại Fed nhận định. Theo bà, tháng 12 là thời điểm hợp lý để Fed giảm tốc độ tăng lãi suất.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại cho rằng rất khó để Fed có thể “hãm phanh” vào tháng 12, bởi họ nhận định lạm phát sẽ tiếp tục nóng hơn so với dự báo. Các quan chức Fed từng nhiều lần kỳ vọng lạm phát giảm xuống trong năm nay, nhưng điều đó không trở thành sự thật, khiến Fed phải tiếp tục tăng lãi suất.
Một loạt ngân hàng lớn gồm Deutsche Bank, UBS, Credit Suisse và Nomura đều dự báo Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,75% vào tháng 12, bằng với mức tăng của tháng 11. Bank of America, Goldman Sachs, Morgan Stanley và Evercore ISI thì lạc quan hơn với dự báo lãi suất sẽ tăng 0,5% vào tháng 12.
Kể từ cuộc họp tháng 9 tới nay, các số liệu vẽ nên 1 bức tranh trái chiều về kinh tế Mỹ. Trong khi lực cầu nội địa tăng trưởng chậm lại và thị trường nhà ở bước vào thời kỳ suy giảm mạnh, thị trường lao động vẫn tỏ ra khỏe mạnh và áp lực lạm phát tiếp tục tăng lên. Nhìn vào báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, có thể thấy cầu tiêu dùng khá mạnh và giá cả vẫn đang tăng.
Từ nay cho tới cuộc họp tháng 12, các quan chức Fed sẽ theo dõi sát sao các số liệu về tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát. “Kể cả nếu như ông Powell đưa ra những dự báo tại cuộc họp báo đêm nay, chắc chắn trong đó sẽ không có sự cam kết nào. Bởi vì mọi quyết định của Fed đều dựa trên số liệu”, cựu Thống đốc Fed Laurence Meyer nói.
Trong bối cảnh chi tiêu tiêu dùng và lực cầu nội địa vẫn mạnh, một số chuyên gia kinh tế dự báo lãi suất liên bang sẽ vượt mức 4,6% trong năm 2023. Thậm chí FHN Financial dự báo lãi suất có thể lên đến 6% vào tháng 6/2023. “Tình thế tiến thoái lưỡng nan rõ ràng nhất mà thị trường tài chính đang phải đối mặt là rất nhiều thứ có thể xảy ra đồng thời dù chúng đi theo nhiều hướng khác nhau. Fed có thể giảm tốc độ tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 12, nhưng lãi suất hoàn toàn có thể chạm mốc 6%”, báo cáo của công ty này nhận định.
Fed “chiến đấu” với lạm phát bằng cách thắt chặt các điều kiện tài chính (như lãi suất tăng, giá cổ phiếu giảm và đồng USD tăng giá) để khiến nền kinh tế chậm lại. Bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách của Fed, thậm chí không phải là các hành động nâng hạ lãi suất cụ thể mà chỉ là những thay đổi trong phương hướng, cũng ảnh hưởng sâu rộng đến thị trường.
Chỉ cần ông Powell nhắc đến quan điểm của Fed đối với khả năng lãi suất tăng, kỳ vọng của thị trường về kịch bản lãi suất sẽ tăng chậm lại trong tương lai sẽ ngay lập tức bị phá vỡ. “Giờ mối quan tâm lớn nhất là đích đến chứ không phải hành trình”, Michael Gapen - chuyên gia kinh tế trưởng của Bank of America nói.
Đã có nhiều lần nhà đầu tư háo hức cho rằng Fed phát tín hiệu giảm tốc độ tăng lãi suất là cột mốc cho thấy không lâu nữa lãi suất sẽ ngừng tăng. Tuy nhiên tâm lý lạc quan lại khiến các chỉ số chứng khoán tăng mạnh và đe dọa biến những nỗ lực hạ nhiệt nền kinh tế thành vô ích.
Tham khảo Wall Street Journal
Nhịp sống thị trường