Không phải né nhậu nhưng đàn ông Nhật vẫn lang thang vật vờ sau giờ làm dù có gia đình đầm ấm, nguyên nhân đến từ vấn đề chẳng ai ngờ
Cảm giác này xuất phát từ việc họ phải nhìn những người vợ tần tảo làm việc nhà, nấu ăn, dọn dẹp, chăm sóc con cái trong khi bản thân mình chẳng thể giúp gì được.
- 15-08-2020Mẹ Mỹ tiết lộ những bí mật đáng ngưỡng mộ trong cách nuôi dạy con của mẹ Nhật sau khi sống ở đất nước này
- 08-08-2020Tại sao không chỉ đàn ông mà phụ nữ Nhật cũng tán thành quan điểm "lấy chồng sinh con là phải nghỉ việc"?
- 08-08-2020Người Nhật luôn trẻ hơn tuổi thật, sống thọ nhất thế giới nhờ áp dụng nguyên tắc “7 món ăn và 5 thói quen” đơn giản này
Nhật Bản được biết đến với vai trò là một trong những quốc gia có năng suất lao động cao bậc nhất thế giới. Người Nhật chủ động trong công việc, họ tăng ca không ngừng nghỉ, xem chuyện làm thêm giờ là điều hiển nhiên. Đối với người Nhật, sẽ thật không hay nếu rời khỏi văn phòng trước đồng nghiệp của mình.
Tuy nhiên, điều này cũng tạo nên không ít mặc tiêu cực. Dễ dàng nhìn thấy nhất đó chính là việc quá đắm mình trong công việc khiến những giá trị sống riêng của người Nhật bị ảnh hưởng ít nhiều. Chẳng ai bảo ai, nhưng sự thật này cứ ngấm ngầm và ăn sâu rồi từ từ khiến cuộc sống của dân công sở Nhật mất đi sự cân bằng cần có.
Vì lẽ đó, chính phủ Nhật đã chẳng ngần ngại đưa ra hàng loạt phương cách nhằm cải tiến thực trạng này, cụ thể là xúc tiến nhiều chiến dịch nhằm thay đổi hoàn toàn cung cách làm việc, có thể kể đến như: nói không với việc làm ngoài giờ, tăng thời gian nghỉ ngơi, khuyến khích người lao động nghỉ phép…
Điều này góp phần làm dân công sở có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn, hướng sự quan tâm của bản thân đến những người thân yêu, kiến tạo những giá trị gia đình bền vững, đồng thời giảm bớt những căng thẳng, áp lực thường trực là nguyên nhân của không ít vấn nạn đáng tiếc trong quá khứ.
Những tưởng sẽ mang lại hàng hà những giá trị tích cực, tuy nhiên, những biện pháp này lại tồn tại không ít mặt trái. Những con số ghi nhận được đã cho thấy rằng, xu hướng dân công sở Nhật không quay về nhà ngay sau giờ làm đang tăng dần và không có dấu hiệu ngừng lại đã dấy lên không ít những quan ngại.
Những kiểu người như thế được xã hội gọi bằng cái tên “furari man”, chỉ những người đàn ông đi lang thang. Sau giờ làm, những người đàn ông này chẳng về nhà ngay mà sẽ lang thang trên các con phố, vào trung tâm thương mại để chơi game, đến các hiệu sách hoặc lê la cà phê. Điều đáng nói đến ở đây chính là những người vợ của họ hoàn toàn không hề hay biết về thực tế này.
Có nhà, tại sao những người đàn ông này không về?
Lý do khiến những người đàn ông này chẳng muốn về nhà vốn rất nhiều, tuy nhiên, phổ biến nhất chính là tự bản thân họ cảm thấy, nhà chẳng còn là chốn để họ có thể tìm về sau một ngày làm việc mệt nhọc và căng thẳng. Nghe qua có vẻ vô lý và tréo ngoe tuy nhiên tự bản thân họ cảm thấy mình là gánh nặng đối với vợ con?
Tại sao vậy, trong khi họ vẫn là những con người làm ra tiền, là chủ chốt kinh tế cho cả gia đình? Cảm giác này xuất phát từ việc họ phải nhìn những người vợ tần tảo làm việc nhà, nấu ăn, dọn dẹp, chăm sóc con cái trong khi bản thân mình chẳng thể giúp gì được. Chẳng biết nấu ăn cũng chẳng quen giặt giũ, muốn bắt tay vào làm để học thì lại sợ bày bừa rồi tạo thêm gánh nặng cho người vợ của mình.
Những lúc vợ bận bịu như vậy, chẳng lẽ bản thân lại có thể ngồi thư giãn xem tivi. Suy nghĩ đó càng khiến cảm giác có lỗi tăng lên gấp bội. Cho nên, phương án họ chọn đó chính là không về nhà để tránh đối mặt với sự ray rứt, tội lỗi. Đối với những cặp vợ chồng có con nhỏ, tình trạng người chồng không về nhà sau giờ làm càng phổ biến và tần suất cao hơn.
Ở một diễn biến khác, tại Việt Nam, trong những cuộc nói chuyện phiếm nơi công sở, chủ đề chồng con chưa bao giờ là thứ thôi hấp dẫn đối với chị em. Chồng biếng nhác, không phụ được việc nhà, chỉ giỏi lẩn trốn là thứ khiến nhiều chị em bức xúc. Tuy nhiên, qua câu chuyện trên mới thấy, việc không phụ được cho vợ cũng là nỗi khổ tâm và khiến các anh không khỏi nghĩ suy, ray rứt để rồi có những hành động tạo nên một hình thái đáng quan ngại trong xã hội.
Cho nên, tốt nhất, nếu có vấn đề, vợ chồng nền cùng nhau tâm sự, chia sẻ để có thể giải quyết một cách triệt để. Khó khăn nào rồi cũng sẽ hoá nhẹ nhàng khi nó được san sẻ và được đồng cảm bởi những thương yêu.
Nhịp sống Việt