Không phải ông Trump, Tổng thống Pháp Macron mới là người khiến G7 rung chuyển
Thay vì bỏ về như năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump nán lại G7 năm nay đến giây phút cuối cùng.
- 22-08-2019Lần đầu tiên trong lịch sử, G7 sẽ kết thúc mà không có tuyên bố chung
- 18-07-2019Các nước G7 quan ngại về tiền điện tử Libra của Facebook
- 27-03-2019Là một quốc gia G7, nhưng tại sao Italy lại "tha thiết" gia nhập Vành đai, Con đường với Trung Quốc đến vậy?
- 17-06-2018Tổng thống Trump tiết lộ sự thật đằng sau bức ảnh 'cô lập' ông tại G7
- 10-06-2018Tổng thống Mỹ không công nhận thông cáo chung của hội nghị G7
Tổng thống nước chủ nhà Pháp Emmanuel Macron đã có một quyết định đột phá. Lần đầu kể từ khi được thành lập, nước chủ nhà của G7 năm nay không hướng tới mục tiêu có một tuyên bố chung giữa 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chiến thuật mà ông Macron theo đuổi đã giúp G7 năm nay diễn ra trọn vẹn.
Tuy nhiên, không phải vì vậy mà nó không sóng gió. Ngày cuối cùng của G7 được mô tả bởi những từ ngữ như quay cuồng và bất ngờ. Ông Trump không chỉ ở lại đến cuối mà còn mỉm cười, bắt tay với chủ nhà và họp báo cho tới cuối cùng.
Đây là sự tương phản rõ rệt với hình ảnh ông Trump xông ra sớm ở G7 năm ngoái. Nó cũng là bằng chứng cho sự thành công trong chính sách ngoại giao của Chính quyền Macron. Lý do Tổng thống Pháp đưa ra khi không có theo đuổi một tuyên bố chung là nó chẳng có nghĩa lý gì nếu ông Trump từ chối ký như ở Canada hồi năm ngoái.
Tuy nhiên, đối với một số người ở Nhà Trắng, động cơ của ông Macron có vẻ thâm sâu hơn. Họ phàn nàn rằng chương trình nghị sự của G7 năm nay chỉ nhằm ủng hộ ông Macron. Tổng thống Mỹ có ít thời gian hơn để đăng đàn.
Ngày 25/8, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif, bất ngờ xuất hiện tại hội nghị theo lời mời của ông Macron, điều chưa từng có tiền lệ. Và thế là hỗn loạn bắt đầu. Ngay trước khi ông Zarif đến, ông Trump từ chối ủng hộ ông Macron thay mặt G7 đàm phán với Iran. Tuy nhiên, các trợ lý của ông Trump nói rằng sự có mặt của ông Zarif tạo ra một đường cong.
Sớm ngày thứ 2, ông Trump thay đổi quyết định và đồng hành cùng chính sách ngoại giao của ông Macron. Ông Trump nói rằng ông không chỉ biết Bộ trưởng Ngoại giao Iran sẽ có mặt mà còn ủy quyền cho ông Macron mời nhân vật này.
"Ông ấy đã nói chuyện với tôi. Ông ấy hỏi tôi và tôi trả lời rằng, nếu ông muốn làm điều đó tôi không thấy có vấn đề gì hết. Tôi không coi đó là thiếu tôn trọng, đặc biệt là khi ông ấy đã hỏi ý kiến tôi", Tổng thống Trump nói về quyết định mời ông Zarif của Tổng thông Pháp Macron.
Ông Macron cũng xác nhận điều này.
Tại G7 năm nay, hình ảnh của ông Trump với các vấn đề toàn cầu khá lu mờ. Ngược lại, hình ảnh của ông Macron lại khá nổi bật. Từ quyết định không theo đuổi một tuyên bố chung tới nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng giữa phương Tây với Iran bằng sự hiện diện của ông Zarif đều khiến ông Macron được nhắc tới.
Ông Macron cũng nhắc đến cuộc gặp giữa Tổng thống Iran và Tổng thống Mỹ đồng thời gợi ý chúng nên diễn ra vào những tuần sắp tới.
Tại G7 lần này, hình ảnh của ông Trump đã được cải thiện khá nhiều. Không phải người đàn ông kỳ quặc rời đi như tại Quebec năm ngoái, ông Trump nói rằng "không có tranh luận" hay "tất cả chúng tôi đều hòa hợp" và "có nhiều sự thống nhất" tại G7 lần này.
Hình ảnh Thủ tướng Đức Angela Merkel đã vài lần mỉm cười với ông Trump cho thấy dấu hiệu tốt hơn nhiều so với cuộc gặp năm ngoái. Tuy nhiên, về vấn đề Iran, bà Merkel không tin rằng ông Trump và người đồng cấp Hassan Rouhani có thể sớm gặp nhau.
"Chúng tôi đã có những cuộc nói chuyện rất hiệu quả về vấn đề này nhưng vẫn còn một chặng đường dài để tiến về phía trước", bà Merkel nhấn mạnh.
Thành công của ông Macron ở G7 rõ ràng không đến sau một đêm. Tháng trước, ông Trump từ chối cuộc đàm phán của các nhà lãnh đạo Pháp với Iran. "Tôi biết Emmanuel, cũng như nhiều người khác, có ý tốt nhưng không ai có thể nói thay cho Mỹ và nước Mỹ là chính mình", ông Trump từng nói.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng được ông Macron thông báo về sự hiện diện của Bột rưởng Ngoại giao Zarif và nhà lãnh đạo Anh phản ứng khá tích cực. "Tốt lắm. Ông làm rất tốt. Ôi chúa tôi, hôm qua ông đã làm rất tốt. Đó thực sự là điều khó khăn", Johnson nói.
Trở lại với sự kiện năm nay, Pháp, nước chủ nhà hội nghị G7, đã ban hành một tuyên bố ngắn gọn khi kết thúc hội nghị thay vì bản thông cáo báo chí như thường thấy. Nó vẫn cho thấy sự chia rẽ giữa các nước thành viên của nhóm 7 nền kinh tế phát triển nhất thế giới.
Trong tuyên bố được nước chủ nhà công bố, G7 cam kết thúc đẩy thương mại quốc tế công bằng và mở cửa, vì sự ổn định kinh tế toàn cầu. G7 cũng mong muốn Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) có sự thay đổi đáng kể nhằm nâng cao hiệu quả trong bảo vệ sở hữu trí tuệ, nhanh chóng giải quyết các tranh chấp và loại trừ các hoạt động thương mại không công bằng.
So với sự kiện năm ngoái, rõ ràng G7 năm nay thành công hơn. Nó cũng in đậm dấu ấn của Tổng thống Macron, người cũng đồng thời lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Chính phủ Brazil vì để rừng Amazon cháy suốt nhiều ngày qua. Chính sách tập trung vào phát triển kinh tế của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro bị nhiều người cáo buộc là nguyên nhân khiến rừng Amazon cháy suốt nhiều ngày qua.