Không phải phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật, đây mới thực sự là mảng kinh doanh lãi nhất trong chuỗi nông nghiệp
Biên lãi gộp dao động từ 30%- 40%, điều này có nghĩa làm được 10 đồng thì có lãi tới 3-4 đồng, một hiệu suất rất cao nếu so với các mảng khác như kinh doanh lúa gạo, thuốc Bảo vệ thực vật, phân bón…
- 09-06-2016Đất đai: 'Bài toán khó' để nông nghiệp giữ chân DN
- 06-06-2016Công ty lãi to nhất nhì ngành nông nghiệp mất đi đáng kể "sức mạnh" vì lao theo cơn sốt này
- 28-05-2016La Nina được dự báo làm tăng mưa, nông nghiệp Việt có cơ hội khởi sắc
Là đầu vào quan trọng cho ngành nông nghiệp, tuy nhiên lĩnh vực giống cây trồng ở nước ta chỉ mới phát triển trong vòng 20 năm trở lại đây do xu hướng của người nông dân đang dần chuyển sang lựa chọn mua các giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng và tính chống chịu tốt thay vì giữ giống của mùa vụ trước.
Tính tới hết năm 2015, diện tích gieo trồng tại Việt Nam vào khoảng 9 triệu ha. Trong đó, chỉ có khoảng 30% diện tích được sử dụng giống hàng hóa và dự báo đến năm 2020, tỷ lệ này mới được nâng lên 70%.
Với quy mô thị trường ngày càng được mở rộng, rõ ràng lĩnh vực giống cây trồng đang trở thành mảnh đất màu mỡ đầy hấp dẫn cho các doanh nghiệp. Có thể thấy, khá nhiều tập đoàn nông nghiệp đa quốc gia đang hiện diện tại Việt Nam và chiếm phần lớn thị phần ngành giống cây trồng như Mosanto, CP, Sygenta, Vilmorin, East West...
Trong khi đó, số lượng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giống cây trồng tại Việt Nam không hề nhỏ, vào khoảng 260 doanh nghiệp nhưng đa phần có quy mô khá bé và chủ yếu là các công ty thương mại, nhập khẩu giống.
Các doanh nghiệp nội địa thực hiện hoạt động nghiên cứu giống chỉ đếm trên đầu ngón tay bởi rào cản về trình độ khoa học công nghệ và vốn. Một vài tên tuổi lớn trong ngành như Vinaseed (NSC), Giống cây trồng miền Nam (SSC), TCT Giống cây trồng Thái Bình (Thái Bình seed) hay tập đoàn Lộc Trời hiện đang thực hiện đồng thời cả nghiên cứu và phân phối giống.
Trong đó, Vinaseed, Thái Bình seed là các doanh nghiệp có thị phần lớn ở khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ; SSC (công ty con của Vinaseed) và Lộc Trời là các doanh nghiệp chiếm thị phần lớn phía Nam. Loại giống mà các doanh nghiệp cung cấp là khá đa dạng nhưng chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là lúa và ngô.
Về hoạt động kinh doanh, việc sử dụng tỷ trọng giống ngày càng tăng trong nông nghiệp Việt Nam đã giúp các doanh nghiệp tăng trưởng khá ổn định. Tuy vậy, ảnh hưởng của Elnino trong năm 2015 khiến hạn hán kéo dài, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, qua đó ảnh hưởng không nhỏ tới KQKD các doanh nghiệp giống cây trồng.
Trong năm 2015, doanh thu mảng kinh doanh giống cây trồng của tập đoàn Lộc Trời chỉ còn 749 tỷ đồng, giảm 12% so với năm trước đó. Tương tự, SSC cũng chỉ đạt doanh thu 522 tỷ đồng, giảm 14%. Tuy vậy, Vinaseed vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh 73% trong năm qua và ghi nhận doanh thu 1.249 tỷ đồng.
Với doanh thu sụt giảm, không bất ngờ khi lãi gộp của Lộc Trời và SSC cũng giảm đáng kể so với năm trước. Cụ thể, lãi gộp mảng giống cây trồng của Lộc Trời trong năm 2015 chỉ đạt 260 tỷ đồng, giảm 13%; SSC đạt 157 tỷ đồng, giảm 18%. Còn với Vinaseed, doanh thu tăng mạnh đã giúp doanh nghiệp này lãi gộp tới 455 tỷ đồng, tăng 59% so với năm trước.
Cần lưu ý, Vinaseed hiện nắm giữ tới 61,5% cổ phần tại SSC. Do đó, kết quả tích cực của Vinaseed trong năm vừa qua cũng có sự đóng góp không nhỏ từ SSC.
Biên lãi gộp các doanh nghiệp trong ngành được duy trì khá ổn định, dao động từ 30%- 40%. Điều này có nghĩa bán giống được 10 đồng thì có lãi tới 3-4 đồng, một hiệu suất rất cao nếu so với các mảng khác như kinh doanh lúa gạo, thuốc Bảo vệ thực vật, phân bón…
Trí Thức Trẻ