MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không phải SSI, chứng khoán Bản Việt mới là quán quân “bơm tiền” cho thị trường nửa đầu năm

Theo dữ liệu từ Cafef.vn, 19 công ty chứng khoán cho vay margin nhiều nhất đã “bơm” ra thị trường 28.500 tỷ đồng tính đến cuối quý 2/2017. Con số này đã tăng thêm hơn 3.100 tỷ đồng so với thời điểm cuối quý 1/2017 và tăng thêm hơn 5.000 tỷ đồng so với đầu năm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam nửa đầu năm 2017 ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ về chỉ số lẫn thanh khoản. VN-Index lần lượt chinh phục các mức đỉnh 7 năm, 8 năm và 9 năm, đưa chứng khoán Việt Nam trở thành một trong những thị trường tăng trưởng mạnh nhất trong khu vực. Giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên đạt hơn 4.500 tỷ đồng – tăng 54% so với cùng kỳ năm trước. Hàng loạt cổ phiếu tăng gấp đôi, gấp ba kể từ đầu năm.

Tỷ suất sinh lời quá hấp dẫn trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm không mấy hấp dẫn và không nhiều kênh đầu tư phù hợp đã khiến cho tiền mạnh mẽ chảy vào chứng khoán. Không có thống kê một cách chính xác các nguồn tiền hỗ trợ cho chứng khoán nhưng dư nợ cho vay margin tại thời điểm cuối quý 2/2017 của các công ty chứng khoán cũng thể hiện phần nào sức nóng của thị trường.

Theo dữ liệu từ Cafef.vn, 19 công ty chứng khoán cho vay margin nhiều nhất đã “bơm” ra thị trường 28.500 tỷ đồng tính đến cuối quý 2/2017. Con số này đã tăng thêm hơn 3.100 tỷ đồng so với thời điểm cuối quý 1/2017 và tăng thêm hơn 5.000 tỷ đồng so với đầu năm.

SSI là công ty chứng khoán lớn nhất hiện nay về tất cả các chỉ tiêu, đương nhiên cũng dẫn đầu về cho vay margin với gần dư nợ gần 4.200 tỷ đồng. SSI đứng đầu thị phần môi giới trong quý 2/2017 và hoạt động cho vay cũng đem lại khoản lãi 237 tỷ đồng cho CTCK của ông Nguyễn Duy Hưng.

Tuy nhiên, đây không phải quán quân “bơm tiền” cho thị trường.

Nếu như giá trị cho vay margin của SSI chỉ tăng thêm 417 tỷ đồng so với đầu năm thì CTCK Bản Việt – đơn vị cho vay margin lớn thứ 4 (sau HSC, VNDIRECT và SHS) cho thấy đã tăng giá trị cho vay thêm 800 tỷ đồng so với đầu năm. CTCK Tp.Hồ Chí Minh (HCM) cũng không kém cạnh mà tăng thêm hơn 700 tỷ đồng. Các CTCK dẫn đầu cuộc đua cho vay ký quỹ như VNDIRECT và SHS tăng lần lượt là 685 tỷ đồng và 609 tỷ đồng.

Trong khi đó, CTCK KIS – từng rầm rộ tăng vốn lên nghìn tỷ để cho vay ký quỹ nhưng đã co hẹp lại, giảm dần giá trị cho vay ký quỹ qua các quý. So với đầu năm, CTCK này giảm gần 130 tỷ cho vay.

Cho vay margin có thể nói là “công cụ” đắc lực nhất của CTCK trong mục tiêu mở rộng số lượng khách hàng. Tuy nhiên, dù tăng giá trị cho vay rất mạnh, thị phần môi giới của HSC lại giảm so với trước. Trả lời trên báo Nhịp cầu đầu tư, ông Trịnh Hoài Giang, Phó Tổng Giám đốc HSC cho biết, việc chủ động không cấp margin với cổ phiếu ROS của Faros đã ít nhiều ảnh hưởng đến thị phần môi giới của HSC. Theo tính toán của HSC, giao dịch của ROS và FLC trung bình chiếm khoảng 15% giá trị giao dịch toàn thị trường.

Nhóm cổ phiếu này cũng được đánh giá là lý do chính giúp một CTCK nhỏ là chứng khoán Artex lọt vào top 10 thị phần môi giới. Tại cuối quý 2/2017, Artex cũng tăng gấp đôi giá trị cho vay ký quỹ lên 38 tỷ đồng.

Ông Trịnh Hoài Giang cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán tiếp nhận nhiều hàng hóa mới, được giao dịch mạnh như cổ phiếu của Sabeco, Vietjet, Novaland, Petrolimex... nhưng do cổ phiếu niêm yết dưới 6 tháng nên cả HSC lẫn SSI đều tạm thời chưa cấp margin cho các mã này.

Hải Thanh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên