Không phải startup công nghệ, Shark Bình đã tìm ra cơn "gió Đông" mới: Khẳng định "không bong bóng", Shark Tank chưa hết đã chốt 6 deal
Shark Bình đang liên tục đi "săn" các doanh nghiệp trong ngành sản xuất và F&B.
- 02-01-2024Hai tiến sĩ profile "khủng" khởi nghiệp với mô hình trồng nấm thông minh, Shark Bình: "Tôi thường rất cảnh giác với startup của các nhà khoa học"
- 27-12-2023Shark Bình kể về "long mạch đầu đời" năm 19 tuổi, tiết lộ lý do trở thành "cá mập"
- 28-11-2023Hai anh em cựu sếp Lazada startup lỗ "sương sương" 700 triệu đồng/tháng, đi vay 96 tỷ khiến Shark Bình cảm thán: Phí cao, thu tiền lẻ, liệu có giàu?
Tại Shark Tank Việt Nam mùa 4, một trong những thương vụ thành công trên thực tế và đáng chú ý nhất của Shark Bình là Coolmate – doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thời trang nam.
Sang mùa 5, thương vụ thực rót của ông chủ hệ sinh thái công nghệ Nexttech là khoản đầu tư 10 tỷ đồng nhằm hỗ trợ sản xuất hàng loạt và thương mại hóa các sáng chế của kỹ sư Nguyễn Vĩnh Sơn. Sản phẩm đầu tiên được hỗ trợ là Vòng bi cổ xe máy Upsidedown có tác dụng làm giảm tác động rung lắc khi lái xe khiến nắp tráng bi của xe bị mòn, giúp tăng độ bền vòng bi cổ xe lên gấp 3-5 lần (cụ thể từ 5 đến 10 năm). Cũng trong mùa 5, vị "cá mập" này còn tỏ ra hứng thú và chốt deal với các doanh nghiệp khác trong ngành sản xuất và ngành bán lẻ đến người dùng cuối như Nerman, Melya, nhưng không thành công hậu phát sóng.
Mặc dù sở hữu hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghệ, Quỹ Next100 vốn cũng tập trung tìm kiếm các startup đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ nhưng dường như, khẩu vị đầu tư của Shark Nguyễn Hoà Bình đang dần có sự chuyển dịch.
Chốt loạt "deal" với doanh nghiệp sản xuất
Doanh nghiệp đầu tiên mà Shark Bình đưa ra đề nghị đầu tư tại Shark Tank mùa này là công ty sản xuất gia vị Trí Việt Phát.
Founder kiêm CEO là bà Nguyễn Thị Vân Anh, người đã có "nhiều giờ bay" trong lĩnh vực sản xuất này. Bản thân Trí Việt Phát cũng không phải startup non trẻ mà đã có nền tảng vững chắc về công nghệ, sản xuất, nhà xưởng, thương hiệu,.. cùng lợi thế cạnh tranh rõ ràng. Sau gần 10 năm, công ty đã sở hữu một nhà máy đạt chuẩn FSSC 22000 rộng 6.000 m2, đầu tư 44 tỷ đồng (chưa tính đất) và 3 thương hiệu gồm: Trí Việt Phát – chuyên bán sỉ gia vị, Gungon – thương hiệu bán lẻ gia vị và dòng nước uống tiện lợi là Wil. Tuy nhiên, Shark Bình đã không thành công trong cuộc cạnh tranh đầu tư và để tuột mất khoản đầu tư tiềm năng vào tay Shark Hùng Anh.
Dẫu vậy, ông chủ NextTech vẫn tích cực đi "săn" các startup, doanh nghiệp trong ngành sản xuất, dịch vụ F&B, cung cấp sản phẩm trực tiếp đến người dùng cuối.
Sau khi để vụt mất deal Trí Việt Phát vào tay Shark Hùng Anh, ông chủ hệ sinh thái công nghệ NextTech kịp thời "phản công", thuyết phục Chaufifth về với đội của mình. Đây là thương hiệu túi xách đang rất phổ biến trong giới trẻ hiện nay, với doanh thu năm 2023 dự kiến đạt 30 tỷ đồng. Trên sóng truyền hình, Shark Bình và nhà sáng lập Chaufifth đã thống nhất khoản đầu tư 10 tỷ đồng đổi lấy 17,5% cổ phần, 2,5% là khoản vay.
Vẫn chưa dừng lại, shark Bình tiếp tục ra deal đầu tư 1 triệu USD cho Thế Giới Giấy – công ty 14 năm tuổi chuyên sản xuất và phân phối giấy ăn cho Trung Nguyên, Vinhomes, The Coffee House,..
Shark Bình cũng bắt tay cùng Shark Hùng Anh và Shark Minh Beta để đầu tư vào Slimcase. Đây là doanh nghiệp trẻ chuyên xản xuất ốp lưng điện thoại "mỏng nhẹ nhất thế giới" với giá chỉ bằng 1/3 hàng Apple, startup Việt này cho biết doanh thu đạt 45 tỷ đồng/năm.
Vị "cá mập" cũng tỏ ra hứng thủ với Cỏ Cây Hoa Lá, doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm dầu gội – xả, chăm sóc cơ thể từ thảo dược, nguyên liệu thiên nhiên. Dẫu startup bị cho là "ngáo" định giá, người đứng đầu NextTech không ít lần chấp nhận hạ tỷ lệ cổ phần để thuyết phục hai nhà sáng lập. Tuy nhiên đến cuối cùng, thương vụ vẫn không thành.
Tích cực "săn" startup F&B
Trong tập 2 Shark Tank Việt Nam mùa 6, Shark Bình chốt deal với Bánh mì Xin Chào – chuỗi cửa hành bánh mì Việt Nam tại Nhật Bản. Đáng chú ý, không lâu sau khi phát sóng, Shark Bình đã đích thân sang Nhật Bản, ký kết đầu tư 500.000 USD với kế hoạch phát triển 50 cửa hàng trong 2 năm tới, bao gồm một cửa hàng chính và một food truck, đẩy nhanh hơn nữa mục tiêu doanh số năm 2024 và các năm tiếp theo.
Tiếp đó, Shark Bình tiếp tục bổ sung vào danh mục đầu tư của mình thêm một doanh nghiệp trong ngành chuỗi F&B khác là Cơm thố Bách Khoa. Trong khi các "cá mập" khác đều lắc đầu từ chối vì cặp vợ chồng nhà sáng lập còn chưa hiểu rõ về báo cáo tài chính, Shark Bình lại "đi ngược chiều gió", chốt deal đầu tư 7,5 tỷ đồng cho 36% cổ phần, kèm theo cam kết của doanh nghiệp mở 100 cửa hàng, chia cổ tức và hoàn tất thẩm định.
Danh mục doanh nghiệp trong ngành F&B của Shark Bình vẫn chưa dừng lại khi ông còn tiếp tục thoả thuận thành công với thương hiệu bún Một buổi sáng của TikToker Long Chun, thoả thuận 2 tỷ đồng đổi lấy 30% cổ phần.
Tuy nhiên, không phải startup, doanh nghiệp nào trong ngành sản xuất, F&B cũng lọt vào mắt xanh của Shark Bình. Trong tập mới nhất của Shark Tank Việt Nam mùa 6, vị "cá mập" chia sẻ: "Rất nhiều startup lên Shark Tank Việt Nam mùa này là startup truyền thống, sản xuất thực phẩm, rất nhiều startup chốt được deal. Trong khi đó, rất ít startup công nghệ chốt deal thành công, phụ thuộc vào sản phẩm, đội ngũ và nhiều yếu tố khác.
Tôi rất khuyến khích các startup liên quan đến sản xuất, bởi đó là thứ bền vững, không bong bóng, có ích cho xã hội. Tuy nhiên, khẩu vị của tôi là các mô hình "consumer bussiness", cho dù sản xuất nhưng phải trực tiếp sở hữu người dùng cuối. Bởi theo quan điểm của tôi, việc sở hữu khách hàng là phần rất quan trọng. Sở hữu nhà xưởng, sản xuất ra sản phẩm mới là điều kiện cần, sở hữu được khách hàng mới là điều kiện đủ".
An ninh tiền tệ