Không phải sự bao bọc, "lót đường sẵn", đây mới là 8 điều tốt nhất cha mẹ nên làm cho tương lai của trẻ
Không đứa trẻ nào sinh ra đã là đứa trẻ ngoan hay chắc chắn sẽ thành công trong tương lai. Nguồn gốc tính cách cũng như sự thành công của một đứa trẻ đều ẩn giấu trong cách giáo dục của gia đình.
- 09-11-2019Warren Buffett chỉ ra sai lầm mà phần lớn chúng ta đều mắc phải khi dạy trẻ con về giá trị và đồng tiền
- 07-11-2019Cả 3 con gái đều trở thành CEO và giáo sư đại học, đây là 6 điều “nhỏ nhưng có võ” mà bà mẹ Mỹ gốc Do Thái đã truyền dạy
- 06-11-2019Con bị tàn tật nặng, liệt tứ chi, CEO Microsoft chia sẻ: Những đứa trẻ dạy tôi biết thấu cảm, giúp tôi trở thành một lãnh đạo tốt hơn!
Chúng ta đã nói nhiều về những điều làm nên một người trưởng thành thành công, để khiến họ trở nên khác biệt và nổi bật. Nhưng nếu đang ở vị trí là những người làm cha làm mẹ, câu hỏi đáng quan tâm hơn là: “Có thể làm gì để con cái thành công hơn trong cuộc sống?”.
Không phải sự chăm sóc, bao bọc từ những điều nhỏ nhất hay chuẩn bị "lót đường sẵn" cho con, đây là 8 điều mà các nhà khoa học cho rằng tốt nhất đối với sự phát triển và tương lai của một đứa trẻ:
1. Đừng nói với con là con có thể trở thành bất cứ ai chúng muốn
Một khảo sát trên 400 thanh thiếu niên của C+R Research (Mỹ) cho thấy, phần lớn người trẻ Mỹ không thích làm các công việc phổ thông. Thay vào đó, họ có xu hướng muốn trở thành nhạc sĩ, vận động viên hoặc nhà thiết kế… - mặc dù những công việc này chỉ chiếm 1% trong tỉ lệ lao động tại Mỹ.
Trong thực tế, y tế và xây dựng mới là những ngành nghề “vàng” trong tương lai, và họ sẽ cần rất nhiều nhân lực với nguồn thu nhập không hề thấp. Vì vậy, cha mẹ thông thái sẽ giúp con có định hướng vào những nghề nghiệp có thu nhập tốt và thiếu hụt nhân lực trong tương lai.
2. Ăn tối cùng cả gia đình
Theo một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động tại Đại học Harvard, những trẻ được ăn tối cùng gia đình khoảng 5 ngày/tuần có tỉ lệ lạm dụng chất kích thích, mang thai ở tuổi vị thành niên, béo phì và trầm cảm thấp hơn những trẻ không được dùng bữa với đủ cha mẹ, anh chị. Chúng cũng có điểm trung bình cao hơn, từ vựng tốt hơn và lòng tự trọng cao hơn.
3. Kiểm soát thời gian sử dụng các thiết bị điện tử
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng não bộ của trẻ có thể thay đổi vĩnh viễn khi chúng dành quá nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử như smartphone hay máy tính bảng… Cụ thể, khả năng tập trung và sự chú ý, khả năng giao tiếp xã hội và vốn từ vựng bị giảm xuống.
Trên thực tế, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cho biết trẻ em dưới 18 tháng tuổi không nên dành nhiều thời gian trước màn hình, trừ khi trò chuyện qua video. Đối với trẻ em từ hai đến năm tuổi, các chuyên gia khuyên bạn nên giới hạn thời gian trên màn hình xuống còn một giờ mỗi ngày. Đối với những đứa trẻ lớn hơn, chúng cần được giao tiếp nhiều hơn, hoạt động thể thao và kết bạn.
4. Cha mẹ nên làm việc khác ngoài nội trợ
Có cha mẹ ở nhà để lo lắng chuyện nhà cửa chu toàn là điều tốt nhưng các nhà nghiên cứu tại Trường Kinh doanh Harvard đã phát hiện ra rằng khi các bà mẹ có công việc khác ngoài nội trợ (làm việc công ty) thì con gái họ cũng có xu hướng trở thành những lao động ngoài xã hội và có thu nhập tốt hơn so với những người có mẹ chỉ làm nội trợ.
5. Cho trẻ lao động
Trong một bài nói chuyện trên TED Talk 2015, Julie Lythcott-Haims, tác giả của "Làm thế nào để nuôi dạy một người trưởng thành" và là cựu sinh viên của Đại học Stanford, đã trích dẫn Nghiên cứu của Harvard Grant, cho thấy những đứa trẻ hay được giao việc nhà khi còn nhỏ thì tỉ lệ thành công sau này cao hơn hẳn.
6. Trì hoãn sự hài lòng
Hãy cùng xem lại thí nghiệm Marshmallow kinh điển năm 1972: Người ta đặt một viên kẹo dẻo trước mặt một đứa trẻ và hứa là nếu chúng không ăn viên kẹo trong 15 phút người giám sát ra ngoài thì chúng sẽ nhận được một viên kẹo nữa.
Các nghiên cứu suốt 40 năm sau cho thấy, những đứa trẻ kiềm chế được sự cám dỗ của viên kẹo đã lớn lên trở thành những người có kỹ năng xã hội tốt hơn, điểm kiểm tra cao hơn và tỷ lệ lạm dụng chất gây nghiện thấp hơn. Họ cũng có khả năng đối phó căng thẳng tốt hơn, ít béo phì hơn. Để giúp trẻ xây dựng thói quen này, hãy rèn luyện cho chúng hoàn thành hết tất cả các công việc trong một ngày – dù có những việc chúng thích hay không.
“Những người đứng đầu các lĩnh vực – từ vận động viên, nhạc sĩ, CEO, nghệ sĩ… đều là người kiên định hơn các đồng nghiệp của họ” - James Clear, một tác giả và diễn giả nghiên cứu thói quen của những người thành công.
7. Đọc sách cho con
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Y khoa New York đã phát hiện ra rằng những đứa trẻ được cha mẹ kể truyện, đọc sách cho nghe có ngôn ngữ, khả năng đọc viết và kỹ năng đọc sớm hơn. Và những đứa trẻ thích đọc sách từ nhỏ, dù chỉ là đọc để giải trí, cũng có nhiều điểm đặc biệt hơn người.
Theo Tiến sĩ Alice Sullivan và nghiên cứu trên 17.000 người của cô, “những đứa trẻ có cùng nền tảng xã hội thường có cùng kết quả kiểm tra ở tuổi lên 5 và lên 10. Nhưng đến khi 16 tuổi, những đứa trẻ thích đọc sách có kết quả kiểm tra cao hơn số còn lại”. Nói cách khác, đọc sách để giải trí có sự liên quan chặt chẽ đến sự tiến bộ về trí tuệ, về từ vựng, chính tả và toán học.
8. Hãy để chúng thất bại
Hãy để trẻ có cơ hội thất bại, đó đúng là những điều tốt nhất mà cha mẹ có thể làm cho con cái. Theo Tiến sĩ Stephanie O'Leary, một nhà tâm lý học lâm sàng chuyên về tâm thần kinh và là tác giả của "Nuôi dạy con trong thế giới thực: Các quy tắc đã thay đổi", trải nghiệm thất bại đem đến nhiều lợi ích cho trẻ em ở nhiều cấp độ.
Đầu tiên, trải nghiệm thất bại giúp con bạn học cách đối phó, một kỹ năng chắc chắn cần thiết trong thế giới thực. Nó cũng cung cấp cho chúng kinh nghiệm sau này khi đi làm việc và có đồng nghiệp không tốt. Bị thách thức cũng thúc đẩy nhu cầu làm việc chăm chỉ và nỗ lực bền bỉ, ngay cả khi không được khen thưởng hay vinh danh cầu kỳ.
Theo thời gian, những đứa trẻ đã trải qua thất bại sẽ nhanh chóng vượt qua chán nản và tiếp tục thực hiện các thử thách vì chúng không còn sợ thất bại nữa. Nó cũng cho đứa trẻ sự tự tin vào chính bản thân mình.