MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không phải Tân Hiệp Phát, những bài học này mới là tài sản lớn nhất Dr. Thanh để lại cho con

Ông Trần Quí Thanh tin rằng: “Lãnh đạo không được sinh ra, họ được đào tạo ra”. Vì thế, ông muốn các con hiểu, việc có thể làm việc ở Tân Hiệp Phát nên là điều mà các con ông phải cố gắng để đạt được chứ không phải là một đặc quyền ông ban tặng.

Học làm chủ

Thuở mới lập nghiệp, ông Thanh đã từng bán xe máy để mua xe đạp. Trần Uyên Phương (con gái lớn của Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát) chia sẻ, đây là câu chuyện truyền cảm hứng nhất của cha cô: Với một người từng là "đại ca", bán xe máy để mua xe đạp quả là chuyện không ngờ. Tôi cứ tự hỏi sao ông lại làm thế. Ba tôi nói với tôi rằng ông không muốn sống chỉ để kiếm tiền đổ xăng xe máy, nếu ông bán xe máy mua xe đạp, ông có thể dư ra một chút tiền để làm việc khác. 

Ông luôn sử dụng nguồn lực tốt nhất mà ông có để làm điều khác biệt. Đó là điều mà tôi học được từ ông và là điều mà ông luôn nói với chúng ta: "Không quan trọng bạn có bao nhiêu tiền, mà là bạn có thể làm gì để quản lý nguồn lực mà bạn có. Nếu bạn có nhiều tiền nhưng lại không thể sinh lời, thì đấy là ác mộng, là thảm họa với cuộc đời bạn".

Lẽ ra ông Trần Quí Thanh đã có thể bước chân vào bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes 7 năm về trước, nếu như ông chấp nhận lời đề nghị trị giá 2,5 tỷ USD của Coca-Cola để đổi lấy cổ phần kiểm soát Tập đoàn Tân Hiệp Phát (THP). Đây là thỏa thuận M&A lớn chưa từng có trong lịch sử doanh nghiệp Việt Nam tại thời điểm đó. Thế nhưng, ông Thanh đã từ chối, trước sự ngỡ ngàng của tất cả những người theo dõi thương vụ này.

Nếu chấp nhận thỏa thuận đó, THP chỉ được phép mở rộng thị trường ở Việt Nam, Lào và Campuchia, bàn giao lại hoạt động xuất khẩu sang Thái Lan, Úc và phần còn lại của châu Á. Hợp đồng này cũng yêu cầu THP dừng phát triển sản phẩm mới.

Những ràng buộc đó sẽ đánh mạnh vào một trong những sức mạnh cốt lõi nhất của họ: sự thấu hiểu của THP với thị trường Việt Nam và khu vực, đồng thời đi ngược lại với chiến lược mở rộng ra khắp châu Á với những sản phẩm mới.

Trần Uyên Phương viết: "Ba tôi đã dạy tôi một bài học về giá trị: Cần phải hiểu giá trị của công ty mình và hiểu nó tồn tại vì điều gì, chúng ta đang hướng tới điều gì, và quan trọng nhất là đừng bị mờ mắt bởi sự hào nhoáng mà những ‘gã khổng lồ’ thể hiện". Đối với ông Thanh, hợp tác nên là một cuộc gặp của những tâm hồn gắn kết với nhau vì cùng một niềm đam mê. Và ông đã không cảm thấy THP và Coca-Cola có thể đi chung một hướng.

Tham vọng của THP là không có giới hạn, họ không ngừng theo đuổi ước mơ và không bao giờ bỏ cuộc, tất cả gói gọn trong 7 giá trị cốt lõi của THP, mà giá trị gắn liền với ông Thanh, theo con gái ông chính là: "Không gì là không thể, không có giới hạn cho những việc mà ta có thể làm".

Không phải Tân Hiệp Phát, những bài học này mới là tài sản lớn nhất Dr. Thanh để lại cho con - Ảnh 1.

Trong suốt quá trình phát triển tại thị trường nội địa, THP từng gặp không ít biến cố, nhưng từ đó đến nay, thị phần và sức ảnh hưởng của THP ở Việt Nam vẫn là không thể phủ nhận. Trần Uyên Phương nói: "Sau cùng, chúng tôi nhận ra rằng đã có những chiến dịch được dàn xếp để chống lại chúng tôi".

Nhưng cô cũng thừa nhận rằng THP đã mắc sai lầm khi tỏ ra tự mãn: "Ba tôi luôn nhắc nhở rằng diều quan trọng nhất là chúng tôi phải lắng nghe khách hàng. Không phải lúc nào khách hàng cũng đúng, nhưng tiếng nói của họ rất quyền lực, và ta luôn phải lắng nghe". Sau cùng, chính ông Thanh đã thay mặt THP lên tiếng xin lỗi khách hàng vì những sự việc đáng tiếc đã xảy ra.

Học làm người

Ngay từ nhỏ, các con của ông Thanh đã học được rằng phải tôn trọng mọi người, đặc biệt là người lao động.

Ông Thanh là một người cha nghiêm khắc, một người đàn ông dạy con bằng roi vọt. Phần lớn tuổi thơ ông là ở trong cô nhi viện, nếu như ông phạm lỗi, ông sẽ bị đánh. Điều đó khiến ông trở nên mạnh mẽ, và ông nghĩ rằng các con cũng sẽ trở nên mạnh mẽ nếu ông nuôi dạy chúng theo cách như vậy. Ông thường nói với vợ: "Đừng nuôi con như nuôi gà, chúng cần phải học cách đứng trên đôi chân của mình".

Con gái lớn của ông – Trần Uyên Phương kể lại: "Tôi đã từng rất sợ ba ngày tôi còn nhỏ. Ông ấy không bỏ qua bất kỳ lỗi lầm nào dù là nhỏ nhất và thậm chí đã từng cho tôi ăn đòn nhớ đời. Một lần, em gái tôi – Bích, đã ăn bị ba cho ăn đòn vì nhảy lên chơi đùa trên nóc xe của nhân viên THP.

Ba tôi làm vậy vì muốn chúng tôi hiểu được rằng, cần phải trân trọng mọi nhân viên THP, hiểu rằng họ là những người đã lao động vất vả để chúng tôi có cơm ăn hàng ngày. Ba không cho phép chúng tôi coi mình là "trung tâm vũ trụ", mà phải học cách "Tôn trọng người khác trước khi mong người ta tôn trọng mình".

Ông không muốn chúng tôi được nuôi dạy với tư cách là "con nhà giàu" và luôn luôn kéo chúng tôi xuống mặt đất nếu như ông cảm thấy chúng tôi đang tự mãn với bản thân. Lúc đó thì tôi không hoàn toàn hiểu. Tôi chỉ cho rằng thật bất công khi những đứa trẻ khác có đồ chơi, còn tôi thì phải tự làm đồ chơi bằng phế liệu trong nhà máy".

Không phải Tân Hiệp Phát, những bài học này mới là tài sản lớn nhất Dr. Thanh để lại cho con - Ảnh 2.

Cũng với quan điểm không nuôi con bằng "nhung lụa", ông Thanh không chiều theo mọi ý muốn của con cái, mà ông chỉ đồng ý khi mọi thứ thật hợp lý. Thời niên thiếu, Trần Uyên Phương từng rất muốn đi du học, cô thực sự muốn được tỏ bày những ý tưởng mới, quan điểm khác lạ. Cô đã học tiếng anh rất chăm chỉ với mong muốn có thể theo học một trường đại học nào đó ở Mỹ, Anh hoặc Úc. Nhưng ông Thanh rất quả quyết: "Học giỏi hay dốt là do nỗ lực ở bản thân, chứ không phải do học trường nào. Nếu không nỗ lực thì trường nào cũng như nhau thôi".

Ông cũng có quan điểm rất cứng rắn về chuyện du học, ông từng cho rằng chỉ có những người kém cỏi, muốn thoát khỏi trường lớp và sợ trượt đại học mới đi du học. Nhưng cuối cùng, ông vẫn cho Phương một cơ hội, vì muốn để con mình có thể nỗ lực với những điều con muốn: "Cho ba thấy kết quả của con, rồi mình nói chuyện". Và Uyên Phương sau đó đã tự lực vượt qua kỳ thi và sang Singapore du học.

Sau này, kể cả khi đã trở về làm việc cho công ty của gia đình, con cái của ông Thanh vẫn luôn phải xác định rằng cha là sếp. Ngược lại, ông cũng tôn trọng ý kiến chuyên môn của con cái kể cả khi ông không đồng tình với điều đó. Ông ấy nói chuyện với con mình với tư cách một người đồng nghiệp, một người giám sát, chứ không phải là cha với con cái. Các con của ông Thanh cũng phải chịu trách nhiệm với sai lầm như tất cả mọi người.

Đối với ông Thanh, con cái ông cần phải đặt ra tiêu chuẩn rõ ràng về hành vi và thành tựu. Tham gia công việc của gia đình không nên được coi là đặc quyền. Đó nên là thứ mà thế hệ sau phải phấn đấu để đạt được chứ không phải nghiễm nhiên được thừa kế.

Hoàng An - Đồ họa: Hương Xuân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên