MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không phải Viettel, đây mới là doanh nghiệp nhà nước đăng ký đầu tư nước ngoài lớn nhất

Đăng ký hơn 2 tỷ USD, nhưng Viettel chỉ đứng thứ hai trong danh sách những doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra nước ngoài. 53% tổng số vốn đầu tư nước nước ngoài thuộc về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Hơn 1 tỷ USD là số vốn cho dự án của Viettel tại Myanmar để xây dựng mạng di động. Đây là chưa kể đến số vốn đầu tư của Tập đoàn này tại 9 quốc gia khác trước đó. Tuy nhiên, xét về số vốn đăng ký, Viettel không phải là doanh nghiệp đầu tư lớn nhất ra nước ngoài trước năm 2017 (lúc đó chưa có dự án Myanmar). Báo cáo giám sát năm 2016 của Quốc hội chỉ ra rằng, số vốn đăng ký của Viettel chỉ chiếm 17% tổng vốn đầu tư nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước. Phần lớn số tiền đầu tư thuộc về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)

Tính đến 31/12/2016, PVN đã đăng ký đầu tư ra nước ngoài 6,687 tỷ USD. Trong khi đó, số vốn đầu tư đăng ký của Viettel đạt hơn 2 tỷ USD. Nếu tính thêm hơn 1 tỷ USD vừa đầu tư vào Myanmar, con số của PVN cũng gấp đôi Viettel.

Không phải Viettel, đây mới là doanh nghiệp nhà nước đăng ký đầu tư nước ngoài lớn nhất - Ảnh 1.

Tuy nhiên, tổng vốn thực hiện thấp hơn nhiều con số đã đăng ký nêu trên. Chỉ hơn 7 tỷ USD được đầu tư tính đến 31/12/2016. 

Nhiều DNNN thua lỗ ngay từ trong nước

Viettel và PVN chỉ là 2 trong số 18 Tập đoàn, Tổng Công ty 100% vốn nhà nước có dự án đầu tư ra nước ngoài, theo Báo cáo giám sát năm 2016 của Quốc hội. Bên cạnh những con số tỷ USD dành cho đầu tư quốc tế nêu trên, vẫn còn những vụ việc thua lỗ lớn liên quan đến hoạt động của các DNNN.

Ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban Phát triển và Cải cách doanh nghiệp (CIEM) cho rằng, tỷ trọng DNNN thua lỗ đã không giảm trong giai đoạn 2011-2016. Theo Báo cáo hợp nhất năm 2016, 23/91 tập đoàn, tổng công ty, nhóm công ty mẹ-con lỗ luỹ kế trên 17 ngàn tỷ đồng.

Đặc biệt, đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng đến nay chưa thu hồi được và giá trị thực tế của nhiều dự án đang ở mức dưới giá trị đầu tư. Nhiều nỗ lực xử lý các dự án/DN kém hiệu quả nhưng phục hồi chậm....

"Trong giai đoạn 2011-2016, tỷ suất lợi nhuận của DNNN giảm (tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) giảm 39%, tỷ suất lợi nhuận/tài sản (ROA) giảm 30%)" – ông Phạm Đức Trung nhận định.

Không phải Viettel, đây mới là doanh nghiệp nhà nước đăng ký đầu tư nước ngoài lớn nhất - Ảnh 2.

Đáng chú ý, khoản đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty có trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng đến nay chưa thu hồi được. Thậm chí, giá trị thực tế của nhiều dự án đang ở mức dưới giá trị đầu tư. Nhiều nỗ lực xử lý các dự án/DN kém hiệu quả nhưng phục hồi chậm,...

Nguyên nhân được xác định là do hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu, kiểm soát nội bộ chưa hiệu quả, dẫn đến những vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản DNNN tại DN. Nhiều quy định về thẩm quyền, chủ thể và đối tượng giám sát nhưng lại thiếu thống nhất về khái niệm, phạm vi hoạt động giám sát chủ sở hữu; chồng lấn giữa giám sát của chủ sở hữu nhà nước với thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước.

Các DNNN mới chỉ áp dụng chế độ báo cáo 6 tháng, 1 năm nên mức độ tương tác thường xuyên và kịp thời còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu theo dõi thường xuyên, liên tục của hoạt động giám sát. Đồng thời, cũng còn có những sai phạm trong thẩm định dự án đầu tư khi bỏ qua cảnh báo rủi ro. 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, quản rị rủi ro vẫn luôn là một trong những khâu yếu nhất của quản lý DNNN. Có nhiều kẽ hở trong quy trình nhưng không ai thực sự chịu trách nhiệm.

"DNNN lời ăn, lỗ nhà nước chịu, rủi ro càng ko phải vấn đề với chủ DNNN, với cơ quan giám sát. Hệ thống luôn luôn có nhân tố đổ lỗi cho các dự án DNNN. Nhưng nếu cứ theo đúng quy trình đó, không thiếu kẽ hở được đưa ra, tạo sẵn khoảng trống để không thể đổ trách nhiệm, nên không có ai thực sự chịu trách nhiệm" – bà Phạm Chi Lan nói.

An Bình

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên