MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không thể “bỏ quên” ngành đường sắt

Với tốc độ tăng trưởng nhu cầu vận tải hiện nay, việc phát triển ngành đường sắt được nhận định là bắt buộc và tất yếu. Nhiều chuyên gia cho rằng xã hội cần thay đổi cách nhìn nhận về ngành vận tải xương sống này và không thể “bỏ quên” đường sắt.

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm chuyên ngành về đường sắt, nhiều chuyên gia, cơ quan quản lý khẳng định cần phải có cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển lĩnh vực vận tải quan trọng này.

Ông Lê Minh Đạo, Phó vụ trưởng Vụ KH&ĐT (Bộ GTVT) cho biết, theo nghiên cứu của Liên danh Tư vấn Việt Nam - Nhật Bản (VJC), đến năm 2030, nhu cầu vận tải hành khách trên hành lang vận tải Bắc - Nam sẽ là 534.000 hành khách/ngày, tương đương 195 triệu hành khách/năm, tăng 4,5 - 5,5 lần so với năm 2010. Trong khi đó, tổng năng lực của các loại phương thức vận tải trên hành lang vận tải Bắc - Nam (trong trường hợp không có đường sắt tốc độ cao) chỉ đạt khoảng 138 triệu hành khách/năm. Tuyến đường sắt hiện tại khổ 1.000mm năng lực vận chuyển hành khách sau khi nâng cấp cũng chỉ đạt khoảng 15 - 16 triệu hành khách/năm).

Như vậy, nếu không xây dựng đường sắt tốc độ cao, nhu cầu vận tải hành khách trên hành lang Bắc - Nam đến năm 2030 sẽ vượt quá năng lực của các loại hình vận tải là 57 triệu hành khách/năm.

Theo nghiên cứu của JICA, nhu cầu vận tải hành khách tăng 4 - 5 lần, với hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, hàng không đã được đầu tư theo đúng quy hoạch thì vẫn phải xây dựng thêm tuyến đường sắt mới, tốc độ cao trên hành lang Bắc - Nam.

Trong thời gian qua, dù hàng loạt các cải cách, đổi mới của ngành đường sắt từ mô hình tổ chức, quản trị, đặc biệt nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng đã được triển khai và được xã hội ghi nhận nhưng sản lượng hành khách vẫn có xu hướng sụt giảm. Thị phần vận tải đường sắt ngày càng nhỏ bé so với các phương thức vận tải khác, trong khi đáng lẽ, với ưu thế đi xa, chở được trọng lượng lớn, an toàn, thân thiện với môi trường, đường sắt phải là phương thức phát triển nhất.

Một chuyên gia vận tải đường sắt cho rằng mọi nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ cũng chỉ là giải pháp tình thế nếu việc rút ngắn thời gian hành trình cũng như sự kết nối với các phương thức vận tải khác không được cải thiện. Với thực trạng hiện nay, đường sắt chưa thể “cất cánh” hay tăng sức cạnh tranh với các phương thức khác.

Theo các chuyên gia trong ngành, xã hội đang có sự nhìn nhận sai về việc đầu tư vào đường sắt thời gian qua nên lĩnh vực này ít nhiều đã bị “bỏ quên”. Nhiều người đã lầm tưởng khi cho rằng, hàng năm Nhà nước phải bao cấp, chi cho đường sắt hàng nghìn tỷ đồng mà không hiệu quả bởi trên thực tế, với cơ sở hạ tầng lạc hậu đã được xây dựng hơn 100 năm qua, cùng với hàng nghìn đường ngang, lối đi dân sinh mọc lên như nấm sau mưa, số tiền đang chi cho đường sắt chỉ đủ thực hiện công tác duy tu, bảo trì hay sửa chữa nhỏ và chi cho công tác đảm bảo an toàn chứ không dư để nâng cấp hay phát triển ngành.

Nhận định về điều này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết Bộ GTVT đang xây dựng trình Chính phủ phương án đầu tư đường sắt Bắc - Nam tốc độ 160-200km/h để đảm bảo được cả công năng vận tải hành khách, hàng hóa. Trong quá trình làm sẽ tiêu chuẩn hóa, nâng cấp dần hệ thống đường sắt cũ lên, đảm bảo khi đầu tư mới và nâng cấp đường sắt hiện hữu hoạt động vận tải không bị đình trệ.

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc thực hiện các công trình khẩn cấp của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Theo đó, Thủ tướng đồng ý ứng trước kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Bộ GTVT là 471,149 tỉ đồng cho TCT Đường sắt Việt Nam để thanh toán nợ khối lượng hoàn thành của Công trình xây dựng mới 3 cầu theo lệnh khẩn cấp gồm Đồng Nai, Tam Bạc, Thị Cầu và Công trình xây dựng các hạng mục công trình thuộc giai đoạn II Kế hoạch 1856 theo lệnh khẩn cấp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính được giao xử lý cụ thể theo quy định còn TCT Đường sắt chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung báo cáo giá trị khối lượng hoàn thành của 3 công trình trên; đảm bảo quản lý, sử dụng số vốn được giao đúng mục đích, đối tượng và quy định hiện hành.

Về một số cầu đặc biệt yếu trên tuyến đường sắt Hà Nội-TP HCM, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT ưu tiên bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Bộ Giao thông Vận tải để xây dựng 6 cầu và gia cố, xây trụ chống va cho 2 cầu.

Theo Minh Quang

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên