MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không thể để ngân hàng lẻ loi xử lý tài sản bảo đảm

13-07-2018 - 20:33 PM | Tài chính - ngân hàng

TS. Trần Hoàng Ngân: “Không thể để ngân hàng lẻ loi một mình mà cần có sự hỗ trợ của cơ quan tư pháp trong xử lý tài sản thế chấp cầm cố của người đi vay. Đây là yếu tố quan trọng xử lý nhanh nợ xấu”.

Những tín hiệu tích cực

Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, mục tiêu năm nay của ngân hàng này là phải xử lý và thu hồi hơn chục nghìn tỷ đồng nợ xấu. Để đạt mục tiêu đề ra, từ đầu năm đến nay ngân hàng đã đẩy mạnh thu giữ, đấu giá tài sản bảo đảm (TSBĐ) để thu hồi nợ...

Không thể để ngân hàng lẻ loi xử lý tài sản bảo đảm - Ảnh 1.

Theo vị này từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực tốc độ thu hồi, tốc độ xử lý nợ xấu (XLNX) đã tăng gấp đôi so với trước đây. Một trường hợp thành công điển hình trong xử lý TSBĐ từ khi có Nghị quyết 42 nữa là Sacombank. Lãnh đạo ngân hàng cho biết, họ đã bán đấu giá thành công và ký hợp đồng với các đối tác trong việc chuyển nhượng nhiều tài sản là bất động sản (BĐS) quan trọng lên tới gần chục nghìn tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo VAMC chia sẻ, riêng năm 2017, nhờ có sự ra đời của Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội, VAMC đã thu được hơn 30 nghìn tỷ đồng (gần bằng 2/3 tổng giá trị thu hồi nợ của cả 4 năm trước đó) hoàn thành vượt mức kế hoạch 40%. Trong đó, VAMC đã thu giữ được 6 TSBĐ với tổng giá trị rất lớn, điều mà trước đó rất ít khi làm được. Hiện VAMC đang tiếp tục phối hợp với một số TCTD triển khai thu giữ nợ tại CTCP Thành Phố Xanh, CTCP Bệnh viện Ngọc Tâm, CTCP Sản xuất và Công nghiệp Việt Nam…

PGS-TS. Trần Hoàng Ngân - Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng cũng ghi nhận, Nghị quyết 42 được ban hành đã tạo nhiều cơ chế mới, hỗ trợ tích cực cho các ngân hàng triển khai các hoạt động XLNX. Ngoài yếu tố trên, theo PGS-TS. Trần Hoàng Ngân, việc thị trường BĐS ấm lên tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng phát mại thanh lý tài sản diễn ra nhanh hơn.

Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh khả quan hơn cũng giúp các ngân hàng có nguồn lợi nhuận bổ sung quỹ trích dự phòng rủi ro nhiều hơn… Đặc biệt, "kể từ khi có Nghị quyết 42, người vay thận trọng hơn cũng như giảm bớt tình trạng chây ì trong việc trả nợ. Trước người đi vay cứ sử dụng những khó khăn trong thể chế gây nhũng nhiễu người cho vay trong xử lý phát mại tài sản, đấu giá, nhưng giờ Nghị quyết 42 đã đảm bảo công bằng giữa người đi vay và cho vay", PGS-TS. Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Không nên để ngân hàng "lẻ bóng"

Với công tác XLNX đang dần được tháo gỡ như hiện nay, giới đầu tư đánh giá nhiều khả năng hoạt động XLNX sẽ được tăng tốc trong thời gian tới. Tuy nhiên, thực tế, còn rất nhiều trường hợp do "cơm không lành canh không ngọt" giữa người đi vay và người cho vay trong xử lý TSBĐ. Trường hợp giữa NCB và Công ty Hữu Liên Á Châu là điển hình.

Mặc dù NCB đã chấp nhận cho Hữu Liên Á Châu có thêm thời gian để tự thanh lý tài sản nhằm thanh toán nợ vay gần 360 tỷ đồng; nhưng công ty này không có thiện chí hợp tác xử lý tài sản, cố tình chây ì, kéo dài thời gian. Chính vì vậy, mới đây, NCB thu giữ tài sản của Công ty Hữu Liên Á Châu cho khoản nợ gần 360 tỷ đồng.

Thế nhưng đối với những trường hợp bất hợp tác như trên, dù chủ nợ có thu giữ được tài sản, nhưng để có thể xử lý thành công tài sản này sẽ mất rất nhiều thời gian; dù có đến thu giữ, đến khóa tài sản của con nợ lại, nhưng nếu họ không ký vào biên bản đấu giá tài sản ngân hàng cũng không thể làm được gì.

Không những vậy, hiện tại, việc đấu giá tài sản của các ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn. Như tại Agribank, mặc dù ngân hàng đã thực hiện khá thành công xử lý nhiều TSBĐ, nhưng vẫn còn nhiều tài sản đấu giá phải thông báo 4-5 lần mà vẫn chưa ai mua, cho dù mỗi lần đăng thông báo lại giá của tài sản đấu giá đều giảm so với lần trước. Đơn cử, gần đây nhất Agribank thông báo đấu giá tài sản CTCP Khoáng sản miền Trung với giá 207 tỷ đồng, giảm tới 77 tỷ đồng so với lần đấu giá đầu tiên nhưng vẫn chưa thoát cảnh ế.

Nhiều ngân hàng lớn, nhỏ khác cũng chung tình trạng trên. Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo VAMC cho biết, việc đấu giá tài sản nhiều lần không thành công cũng là bình thường. Nhất là hiện tại, đang có nhiều tài sản đấu giá nên nhà đầu tư phải xem xét chọn lựa tài sản nào phù hợp với nhu cầu và kỳ vọng của họ.

Ngay cả đối với tòa nhà Sai Gon One Tower, mặc dù giá khởi điểm đã được đưa ra từ hơn tháng nay và khá nhiều NĐT quan tâm đến, nhưng đến nay tài sản này vẫn chưa thể đưa ra đấu giá được. Theo tìm hiểu của phóng viên, có thể sau tháng 7/2018 tòa nhà này mới được đưa ra đấu giá. Để đưa ra đấu giá một tài sản lớn như vậy, theo kinh nghiệm của một chuyên gia ngân hàng, đòi hỏi nhiều khâu, thủ tục pháp lý, quan trọng nhất là sự hợp tác của các bên.

Như trường hợp Sai Gon One Tower thì các bên liên quan gồm có VAMC, TCTD gồm DongA Bank, Maritime Bank và nhóm chủ tài sản của tòa nhà này. Tuy nhiên, việc đi tới tìm tiếng nói chung, đạt được thỏa thuận đối với tài sản lớn và liên quan tới nhiều bên là rất phức tạp, khó có thể xử lý trong một sớm một chiều được.

Ngoài ra, hiện vẫn còn nhiều quy định tại Nghị quyết 42 chưa rõ ràng nên các ngân hàng vẫn đang lúng túng trong xử lý. Đơn cử như vấn đề tranh chấp, đây là vấn đề phức tạp nhất, gây khó khăn nhất đối với các ngân hàng trong quá trình xử lý TSBĐ nếu không có quy định rõ ràng.

Hiện tại, theo quy định, TSBĐ phải là tài sản không tranh chấp mới đủ điều kiện được xử lý theo Nghị quyết 42. Nhưng, hiện chưa có hướng dẫn thế nào là tài sản đang tranh chấp, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau, gây khó khăn khi xử lý tài sản theo Nghị quyết 42.

Hay như tại Khoản 1 Điều 9 Nghị quyết 42 có quy định về quyền nhận thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là TSBĐ của khoản nợ đã mua. Tuy nhiên, tại Thông tư 33 của Bộ Tài Nguyên và Môi trường hướng dẫn Điều 9 của Nghị quyết mới chỉ hướng dẫn việc đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho tổ chức mua bán nợ mà chưa có hướng dẫn việc này đối với cá nhân, tổ chức mua lại khoản nợ từ VAMC. Sự chưa thống nhất này dẫn đến việc các NĐT còn e ngại khi tiếp cận khoản nợ.

Để khắc phục những tồn tại trên, PGS-TS. Trần Hoàng Ngân nhìn nhận, cần có sự phối hợp tích cực của các cơ quan tư pháp cùng với ngân hàng trong việc XLNX theo Nghị quyết 42 một cách nghiêm minh. "Không thể để ngân hàng lẻ loi một mình mà cần có sự hỗ trợ của cơ quan tư pháp trong xử lý tài sản thế chấp cầm cố của người đi vay. Đây là yếu tố quan trọng xử lý nhanh nợ xấu", PGS-TS. Ngân nhấn mạnh quan điểm.

Theo Hà Thành

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên