Không thi cử, không có bài tập về nhà nhưng tại sao nền giáo dục của quốc gia này vẫn dẫn đầu thế giới?
Bất chấp việc "học ít" hơn đáng kể so với các nước khác trên thế giới, học sinh Phần Lan vẫn đạt thành tích cao.
- 22-05-2023MC Diệp Chi khoe con đã biết làm việc nhà, người hâm mộ thích cách dạy dỗ
- 21-05-2023"Để có tiền cho con đi học trường quốc tế, chồng tôi đòi bán nhà, chúng tôi cãi nhau đến 3h sáng!"
- 21-05-2023Nữ "học bá" đỗ cùng lúc Harvard và Stanford, nhan sắc đời thường còn gây sốt hơn
Phần Lan là một quốc gia nhỏ bé ở châu Âu với dân số chỉ vài triệu người nhưng lại nổi tiếng với nền giáo dục hiệu quả hàng đầu thế giới. Điều đặc biệt là ở Phần Lan, học sinh có thể nói là học rất ít, nhưng kết quả thu được lại đáng ngạc nhiên.
Mô hình giáo dục không thi cử - không bài tập về nhà
Sự độc đáo của mô hình giáo dục Phần Lan là không giao bài tập về nhà cho học sinh hàng ngày cũng như không tiến hành các bài kiểm tra thường xuyên. Thay vào đó, học sinh ở Phần Lan được xếp loại dựa trên thành tích cá nhân và các tiêu chí đánh giá do chính giáo viên quyết định. Các kỳ thi hay bài tập chỉ xuất hiện ở các cấp học cao hơn, tuy nhiên vẫn tính là rất ít so với hầu hết những hệ thống giáo dục khác.
Bên cạnh đó, học sinh ở quốc gia này cũng có kỳ nghỉ hè dài hơn đáng kể so với các nước châu Âu khác. Trẻ em Phần Lan cũng không phải bắt đầu đi học cho đến khi chúng 7 tuổi. Đặc biệt, ở đây gần như hoàn toàn không có văn hóa học thêm.
Dù "học ít" như vậy nhưng học sinh Phần Lan đạt thứ hạng cao trong bảng xếp hạng quốc tế. Trong thống kê Pisa quốc tế, Phần Lan đứng ở vị trí thứ 6 và Vương quốc Anh đứng thứ 23 về đọc hiểu. Về môn Toán, Phần Lan đứng thứ 12 trong khi Vương quốc Anh đứng thứ 26.
Vì sao nền giáo dục Phần Lan thành công?
Làm thế nào để người Phần Lan bắt đầu muộn hơn, có ít bài tập hơn nhưng vẫn "về đích" trước thế giới và tại sao các nước khác rất khó để bắt chước? Lý do là vì từ lâu, cả nền giáo dục đã được vận hành với những nguyên tắc khác biệt và được coi là khá hoàn hảo. Những giá trị cốt lõi này cần được xây dựng trong thời gian dài, qua kế hoạch dài hạn chứ không thể chỉ trong một sớm một chiều.
Phần Lan đã thực hiện chiến dịch cải cách toàn diện nền giáo dục từ những năm 1970. Dạy học là một công việc có địa vị cao ở Phần Lan và giáo viên được trao rất nhiều quyền độc lập trong nghề nghiệp.
Saku Tuominen, giám đốc dự án giáo dục toàn cầu HundrEd cho biết các bậc cha mẹ ở Phần Lan không thực sự muốn có nhiều giờ hơn ở trường. Có một khái niệm quan trọng trong hệ thống trường học Phần Lan là "sự tin tưởng". Phụ huynh tin tưởng nhà trường sẽ đưa ra những quyết định đúng đắn và mang đến một nền giáo dục tốt, và nhà trường đặt niềm tin vào chất lượng giáo viên của họ.
Ông Tuominen nói rằng đó là một triết lý khác với hệ thống ở nhiều nước khác, khi giáo dục được xây dựng dựa trên các bài kiểm tra, bảng xếp hạng và sự cạnh tranh.
Trong khi đó, ở Phần Lan, tôn chỉ của ngành giáo dục là để học sinh hạnh phúc, biết tôn trọng bản thân và những người khác. Họ chủ yếu tập trung vào việc biến trường học thành một không gian an toàn và bình đẳng để trẻ em được học tập một cách hiệu quả nhất từ môi trường xung quanh, chứ không phải là từ áp lực điểm số. Từ những năm 1980, tất cả các trường học ở Phần Lan đã cung cấp bữa ăn miễn phí tại trường, nâng cao dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chú trọng đến sức khỏe tinh thần của học sinh.
Giáo dục ở Phần Lan không phải là về điểm số hay thứ hạng mà là tạo ra một bầu không khí xã hội bình đẳng, hài hòa và hạnh phúc để học sinh dễ dàng trải nghiệm học tập. Không có thời gian biểu cứng nhắc, các bảng xếp hạng cạnh tranh, học sinh ít gặp căng thẳng hơn và cảm thấy mọi người đều bình đẳng.
Tuy nhiên, sự thành công của nền giáo dục Phần Lan không thể tách ra khỏi văn hóa của đất nước. Người Phần Lan nổi tiếng luôn dẫn đầu trong danh sách chỉ số hạnh phúc và không có văn hóa làm việc "bạt mạng", biết cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Ở các quốc gia in đậm văn hóa làm việc hối hả như Nhật Bản, Singapore hay Anh quốc, dường như mô hình này sẽ không thể áp dụng vì không đồng nhất với phong cách và tư tưởng sống của người dân.
Nguồn: Thelogicalindian
Trí Thức Trẻ