MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không tiền mặt kiểu "cục gạch" và "thông minh" khác nhau ra sao?

Alipay và M-PESA, 2 hệ thống thanh toán mới có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 21, đã cho thấy công nghệ tài chính đang phát triển nhanh và khó lường đến thế nào.

Cả 2 hệ thống này đều xuất hiện ít nhiều một cách tình cờ. M-PESA, hệ thống thanh toán di động của Kenya, được phát triển từ một kế hoạch thí điểm vào năm 2005 bởi Safaricom - nhà khai thác viễn thông lớn nhất đất nước, được tài trợ bởi DFID, cơ quan viện trợ của chính phủ Anh. Các nhà nghiên cứu của họ đã nhận thấy rằng: người Kenya đang chuyển cước điện thoại di động với nhau và coi như đó là tiền. Điều đó chứng tỏ rằng, đây có thể là một cách để xử lý các khoản tín dụng vi mô, với chi phí rất thấp.

Còn Alipay, hệ thống thanh toán trên smartphone của Trung Quốc có nguồn gốc từ một dịch vụ được tạo ra cho Taobao, nền tảng thương mại trực tuyến của Alibaba. Khách hàng không muốn trả tiền cho hàng hóa trước khi họ nhận được chúng. Vì vậy, người mua sẽ gửi đơn đặt hàng của họ bằng fax đến Alipay để giữ tiền của họ trong quỹ ký gửi. Tiền này sẽ được chuyển cho người bán khi dịch vụ giao hàng được xác nhận. Vào năm 2008, hệ thống này đã được chuyển đổi thành ví điện tử.

M-PESA và Alipay hoạt động theo các mô hình rất khác nhau. M-PESA được thiết kế để có thể sử dụng với một chiếc điện thoại chỉ cần có tính năng đơn giản, mà ta vẫn gọi là "cục gạch". Còn Alipay chỉ khả dụng với điện thoại thông minh, được liên kết với tài khoản ngân hàng. Thanh toán được thực hiện bằng mã QR Alipay phổ biến ở Trung Quốc đến mức một số người ăn xin cũng có mã này.

Safaricom đã biến M-PESA thành một hệ thống chuyển tiền chung, trở thành cách chuyển tiền phổ biến nhất ở Kenya. Chủ tài khoản (hiện đã đạt gần 30 triệu người) trả tiền bằng cách giao tiền mặt cho một trong số 148.000 đại lý của Safaricom, thường là các cửa hàng bán thẻ cào nạp tiền điện thoại di động. Tiền mặt sau đó có thể được rút tại một đại lý khác hoặc chuyển sang một chủ tài khoản M-PESA khác. Điều đó cho phép những người làm việc trong thành phố gửi tiền về quê nhanh hơn, rẻ hơn và an toàn hơn. Các dịch vụ khác đã được thêm vào trong những năm qua.

Không tiền mặt kiểu cục gạch và thông minh khác nhau ra sao? - Ảnh 1.

Alipay, với 520 triệu người dùng đang hy vọng sẽ tăng cơ sở khách hàng của mình lên 2 tỷ trên toàn thế giới vào năm 2025. Khối lượng giao dịch xử lý của họ thực sự đáng kinh ngạc. Vào Ngày Độc thân (11/11) năm ngoái, ngày hội thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, Alipay đã xử lý 25 tỷ USD giao dịch, 90% trong số đó thông qua điện thoại di động.

Gần với quy mô của Alipay là WeChat Pay, được cung cấp bởi Tencent. WeChat Pay đã khiến thị phần của Alipay trên thị trường thanh toán di động Trung Quốc giảm từ trên 80% xuống chỉ còn hơn một nửa. Hầu hết người Trung Quốc sử dụng cả hai hệ thống này.

Đã có 40% người trưởng thành ở Trung Quốc thực hiện thanh toán số và 85% người mua hàng trên Internet thanh toán trực tuyến cho họ (trên toàn cầu, hơn một nửa số người mua trực tuyến vẫn trả tiền mặt khi giao hàng).

Không tiền mặt kiểu cục gạch và thông minh khác nhau ra sao? - Ảnh 2.

Các nghiên cứu chỉ ra cả hai mô hình đều có thể cải thiện cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể cải tiến hệ thống phi tiền mặt của mình hơn nữa

Một nghiên cứu ở Kenya được trích dẫn trong Findex được thực hiện bởi hai nhà kinh tế Tavneet Suri của MIT và William Jack của Đại học Georgetown, cho thấy việc tiếp cận với M-PESA đã tăng mức tiêu thụ và giúp 194.000 hộ gia đình Kenya (chiếm 2%) thoát khỏi đói nghèo.

Còn Trung Quốc, số lượng người trưởng thành không có tài khoản ngân hàng ở mức 225 triệu, vẫn cao hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.Trong một bài báo gần đây, Nhóm Tư vấn hỗ trợ người nghèo chỉ ra rằng 44% người dân Trung Quốc sống ở khu vực nông thôn nơi vẫn còn 71% cư dân không tiếp cận được với Internet. Nhưng 82% trong số những người không có tài khoản ngân hàng, không có Internet vẫn có điện thoại di động, đây là thị trường ngách rất lớn mà Trung Quốc vẫn chưa tận dụng được triệt để.

Cả hai mô hình của Trung Quốc và người Kenya đã được phổ biến ra nước ngoài. Hầu hết các nước đang phát triển đều có dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động, nhưng châu Phi cận Sahara là khu vực duy nhất có tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản di động vượt quá 10%.

Tencent có giấy phép thanh toán điện tử ở Malaysia, nơi họ dự định sẽ là điểm đầu tiên WeChat Pay có mặt bên ngoài Trung Quốc. Alipay hướng tới phân khúc cao cấp hơn, hướng đến các thương nhân ở châu Âu và Mỹ. Tại châu Á, Ant Financial đã đầu tư vào các dịch vụ thanh toán di động địa phương ở Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc và gần đây nhất là Pakistan.

Xã hội không tiền mặt giúp giảm chi phí, cắt giảm tham nhũng, tăng hiệu quả thu thuế. Người nghèo có thể nhanh chóng nhận ra rằng xã hội không tiền mặt giúp tài sản của họ được bảo vệ tốt hơn, tiết kiệm hàng giờ đi lại và xếp hàng cũng như mở ra một loạt các dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, để không gây ra bất bình đẳng giàu nghèo, việc thanh toán không tiền mặt cần được tiếp cận với tất cả dân chúng từ giàu đến nghèo, từ thành thị đến nông thôn, đến các vùng dân tộc thiểu số.

Để có thể thực hiện điều đó, cần đa dạng hóa, kết hợp và phổ biến rộng rãi nhiều loại hình thanh toán không tiền mặt khác nhau. Khi đó, ví điện tử như Alipay, hay mobile money như M-PESA, đều là những mô hình đáng để học tập.

H.A

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên