MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không vay vốn Trung Quốc, Quảng Ninh tự làm cao tốc 16.000 tỷ

Tỉnh Quảng Ninh đã bước đầu xác định được nhà đầu tư trong nước thực hiện dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái...

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa chính thức thống nhất phương thức huy động vốn và chọn nhà đầu tư làm cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, thay vì vay vốn Trung Quốc như kế hoạch ban đầu.

Tại cuộc cuối tuần qua giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh với các đối tác về việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, UBND tỉnh đã thống nhất chọn liên danh nhà đầu tư Cái Mép - Thái Sơn - Vinaconex E&C - BRJSC12 – Khánh An - Cienco1 là chủ đầu tư dự án đường cao tốc có vốn đầu tư lên tới 16.000 tỷ đồng này.

Tại cuộc họp, liên danh nhà đầu tư trình bày 3 phương án trong dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái với thời gian triển khai trong vòng 3 năm, thời gian thu phí 25 năm.

Dự án có chiều dài khoảng 91,17km. Điểm đầu dự án tại Km59+556,36 - nút giao Đoàn Kết, thuộc địa phận xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn; điểm cuối tại Km150+725,03 - giao đường tỉnh 335, trùng với điểm đầu dự án cầu Bắc Luân, thuộc địa phận thành phố Móng Cái.

Dự án đi qua 5 địa phương: Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái. Quy mô đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h.

Sau khi nghe báo cáo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long đồng tình với hướng tuyến, quy mô dự án mà chủ đầu tư đã nghiên cứu và đề nghị đơn vị tư vấn phải lưu ý, khảo sát thêm địa bàn thành phố Móng Cái trên tinh thần hạn chế thấp nhất việc giải phóng mặt bằng, tái định cư, tạo thuận lợi cho quá trình thi công dự án.

UBND tỉnh giao Sở Giao thông Vận tải làm đầu mối, phối hợp với nhà đầu tư, đơn vị tư vấn, các cơ quan chuyên môn để tính toán lại các phương án để dự án có thể phát huy được hiệu quả sau đầu tư. Ngoài ra, Liên danh nhà đầu tư nghiên cứu, hoàn chỉnh lại phương án đầu tư dự án, báo cáo UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Chính phủ triển khai dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, trong đó vay Trung Quốc khoảng 7.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi nhận được ý kiến phản hồi từ dư luận cả nước, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho rằng, tuyến đường này hoàn toàn có thể huy động nguồn lực theo hình thức hợp tác công - tư, ngân sách chỉ cần bỏ ra một khoản vốn đối ứng để giải phóng mặt bằng và một số việc khác. Khả năng huy động với tỷ lệ 70-30, tức nhà đầu tư bỏ ra 70% vốn, còn ngân sách bỏ ra 30%.

Còn với kế hoạch vay 300 triệu USD của Trung Quốc, Chủ tịch Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho biết, trước đây, trong quan hệ cấp chính phủ hai nước, có đặt vấn đề vay 300 triệu USD cho cao tốc Vân Đồn - Móng Cái bằng nguồn vốn ưu đãi của Trung Quốc.

Tuy nhiên, tổng vốn đầu tư tuyến đường này dự kiến là 16.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 800 triệu USD. Do đó, theo ông Long, nếu có vay 300 triệu USD cũng không đủ để đầu tư.

Ngoài ra, để vay 300 triệu USD này nếu phía Trung Quốc đưa ra các điều kiện về nhà thầu của Trung Quốc hay các điều khoản khác thì “rất khó khăn”. Trong khi các nhà đầu tư trong nước hoàn toàn có khả năng làm tuyến đường này. Đó cũng là lý do khiến Quảng Ninh quyết định đầu tư dự án theo hình thức BOT, từ chối vay gần 7.000 tỷ đồng từ Trung Quốc.

Theo Bảo Anh

VnEconomy

Trở lên trên