Khu đô thị mới Đại Kim - quận Hoàng Mai: Khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt
Gần tháng nay, đời sống hàng ngàn hộ dân tại khu đô thị (KĐT) mới Đại Kim, quận Hoàng Mai (Hà Nội) bị xáo trộn hoàn toàn do thiếu nước sinh hoạt. Cùng với đó là những thiệt hại về kinh tế khi mà hàng trăm máy bơm của người dân bị chập, cháy vì phải chạy không tải trong một thời gian dài.
- 16-05-2016Hà Nội: Chuẩn bị đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Đại Kim
- 05-06-2014Chung cư Đại Thanh mất nước, chủ đầu tư và nhà cung cấp nước đổ lỗi cho nhau
- 17-05-2014Hà Nội: Dân khốn khổ vì chung cư “xịn" mất nước gần 1 tuần
Theo phản ánh của các hộ dân sinh sống tại KĐT Đại Kim, gần tháng nay, địa bàn này thường xuyên thiếu nước sạch sinh hoạt. Thậm chí, nhiều gia đình cả tháng mới được cung cấp chưa đến 1m3 nước, từ cuối tháng 5 thì gần như mất nước hoàn toàn.
Cụ thể, hiện toàn bộ khu dân cư thuộc tòa nhà 9B, B3, A5, Lô B1… đang phải sống trong tình trạng “quý nước hơn vàng”, nguyên do các toà nhà này đã bị cắt nước từ đầu tháng 6.2016 đến nay.
Cũng theo người dân, để khắc phục tình trạng này, Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nước sạch (VIWACO) đã hỗ trợ 30 khối nước mỗi ngày để cư dân dùng, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của hàng trăm hộ dân.
Trao đổi với PV, anh Nguyễn Hoàng P (một cư dân sinh sống tại lô B1 KĐT Đại Kim) - cho biết, khoảng 2 tuần trở lại đây, tình trạng mất nước diễn ra thường xuyên khiến sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Nước chỉ được cấp nhỏ giọt từ 11 giờ đêm đến 5 giờ sáng, cả ngày có khi chỉ được từ 1 đến 2 khối nước.
“Tình trạng trên kéo dài đã lâu rồi, khu nhà tôi thì còn đỡ vì nước vẫn có nhỏ giọt, mấy dãy nhà đằng sau còn khổ hơn rất nhiều, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với đơn vị cấp nước song cũng chỉ nhận được lời hứa sẽ xem xét” – anh Phương cho hay.
Còn theo ông Bùi Quang Chiển - Ủy viên Ban quản trị tòa nhà chung cư A5, thuộc KĐT Đại Kim, ngoài thiệt hại phải mua nước sạch giá cao, nhiều hộ dân trong KĐT Đại Kim còn phải chịu thiệt hại do máy bơm nước bị cháy hàng loạt.
Ông Bùi Quang Chiển thông tin thêm, ở đây mọi người đều lắp bơm tự động, nên trên bể chứa hoặc trên téc hết nước là máy bơm tự động bơm, nhưng do họ cắt nước đột ngột, nên không có nước mà máy bơm vẫn chạy, dẫn đến bị cháy hàng loạt.
“Để cung cấp nước cho các hộ dân, Ban quản trị tòa nhà phải bơm nước từ bề chứa ngầm lên bể trên cao, do bị cắt nước đột ngột nên tòa nhà đã bị cháy mất 2 máy bơm 3 pha, trị giá mỗi máy bơm khoảng vài chục triệu đồng” – ông Chiển cho biết.
Còn chị Nguyễn Thu T cũng sống tại KĐT trên cho hay: “Do thiếu nước nên các hộ dân xung quanh đây góp tiền mua nước sạch bên ngoài với giá là 800.000 đồng/1 xe téc 7m3, song cũng chỉ đủ dùng trong vài ngày. Đợt này mất nước kéo dài nên tính ra mỗi gia đình cũng mất vài triệu tiền mua nước”.
Để đối phó với tình cảnh mất nước sạch, rất nhiều người đã nghĩ ra đủ mọi cách để ứng phó, bao gồm từ việc tiết kiệm nước cho đến tái chế nước sinh hoạt như nước rửa rau, vo gạo đều tích lại trong xô chậu và dùng để dọn vệ sinh. Thêm nữa là đồ ăn chủ yếu là mua đồ hộp, bát đũa thì sử dụng đồ dùng một lần, xong rồi bỏ đi. Tuy nhiên, dù có bằng cách nào thì việc mất nước sinh hoạt kéo dài gần tháng cũng khiến cho cuộc sống của người dân tại đây bị đảo lộn và gặp nhiều khó khăn.
Theo tìm hiểu, đơn vị phân phối và cung cấp nước cho KĐT Đại Kim là Xí nghiệp Khai thác Quản lý dịch vụ Khu đô thị, tuy nhiên, đơn vị này cũng không tự sản xuất được nước sạch mà phải mua lại nước của VIWACO.
Trước tình trạng thiếu nước sạch diễn ra trong thời gian dài, các hộ dân đã kiến nghị lên Xí nghiệp Khai thác Quản lý dịch vụ Khu đô thị, nhưng chỉ nhận được lời hứa xem xét, bởi VIWACO cung cấp nước thời điểm này cũng rất “khiêm tốn”.
Phóng viên có liên hệ với ông Nguyễn Anh Việt – Giám đốc VIWACO - về tình hình cấp nước tại KĐT Đại Kim, ông Việt cho biết, “nước đã ổn rồi” và cáo lỗi vì bận họp.
Với việc các đơn vị quản lý, chịu trách nhiệm cung cấp nước sạch cho KĐT Đại Kim chưa tìm hướng giải quyết, có lẽ người dân tại đây không biết đến bao giờ hết khó khăn. Rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc, sớm giải quyết để người dân ổn định cuộc sống.