MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Khủng hoảng virus corona" manh nha ở Mỹ: Phố Wall lao dốc không phanh, nhiều bang phàn nàn không đủ dụng cụ xét nghiệm

28-02-2020 - 12:20 PM | Tài chính quốc tế

Những diễn biến vừa qua, từ bài phát biểu tối thứ 4 của ông Trump cho đến những lời phàn nàn về bộ dụng cụ phác họa rõ nét một chuỗi các sự kiện hỗn độn đã làm thay đổi hoàn toàn nhận thức của phố Wall về dịch bệnh.

Trong vòng 24 giờ sau khi Tổng thống Donald Trump lên tiếng trấn an người dân rằng nước Mỹ vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh, những dấu hiệu bất ổn đã bắt đầu xuất hiện ở cả Washington và phố Wall.

Stephanie Blue, phát ngôn viên của Sở Y tế và Dịch vụ Dân sinh thành phố New York, cho biết bộ dụng cụ xét nghiệm virus corona mà Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) cung cấp cho họ không đủ tin cậy để sử dụng. Blue phát biểu: "Bộ dụng cụ được gửi cho chúng tôi đã có những vấn đề khi sử dụng và không đưa ra kết quả chính xác." Chính quyền Trump cũng bị chỉ trích là không cung cấp đồ bảo hộ hoặc không hướng dẫn đầy đủ cho những người hỗ trợ công tác sơ tán người Mỹ từ vùng dịch ở Trung Quốc về nước. Đồng thời, ở California ghi nhận ca nhiễm đầu tiên hoàn toàn không có liên hệ gì với các nguồn nhiễm bệnh hiện có.

Đến tối qua, Tổng thống Trump lại tiếp tục đưa ra bình luận về tình hình hiện tại. Ông cho rằng cho đến nay nước Mỹ đã "thành công" trong việc phản ứng với dịch bệnh.

Tuy nhiên, đó dường như không phải là suy nghĩ của phố Wall, khi mà TTCK tiếp tục lao dốc và rơi vào trạng thái điều chỉnh, tức giảm hơn 10% so với đỉnh gần nhất. Chứng khoán Mỹ đang trải qua những phiên bán tháo tồi tệ nhất kể từ những ngày đen tối nhất của khủng hoảng tài chính.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones trải qua phiên giảm điểm tồi tệ nhất từ trước đến nay, giảm tới 1.190,95 điểm, tương đương 4,4%, trong khi S&P 500 cũng giảm 4,4% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10. Nhà đầu tư đổ xô đi tìm các tài sản an toàn, và giá các loại hàng hóa cơ bản sụt giảm mạnh với giá dầu xuống dưới mốc 50 USD. Các chuyên gia phân tích tại Goldman Sachs cho rằng năm 2020 lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ sẽ tăng trưởng 0%.

Những diễn biến vừa qua, từ bài phát biểu tối thứ 4 của ông Trump cho đến những lời phàn nàn về bộ dụng cụ phác họa rõ nét một chuỗi các sự kiện hỗn độn đã làm thay đổi hoàn toàn nhận thức của phố Wall về dịch bệnh. Dù số ca nhiễm ở Mỹ vẫn ít và khá ổn định, dường như niềm tin của nhà đầu tư đã giảm sút đáng kể, không giống như vài tuần trước phố Wall vẫn tin rằng cuộc khủng hoảng y tế hiện nay sẽ tác động rất nhỏ đến Mỹ.

Bài phát biểu tại Nhà Trắng của ông Trump bắt đầu với lời trấn an: "Vì tất cả những gì chúng ta đã làm, rủi ro đối với người Mỹ là rất thấp".

Nhận định này không sai. Các chuyên gia ở cả trong và ngoài chính phủ đều tính toán tỷ lệ tử vong do virus chỉ vào khoảng 2%. Đối với từng cá nhân, xác suất bệnh nặng và tử vong là không cao. Nhưng mối lo ngại ở đây là kịch bản giống như ở Trung Quốc hoàn toàn có thể lặp lại: dịch bệnh nhanh chóng lan rộng với số ca nhiễm đủ nhiều để cần thiết phải áp dụng những biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn, khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề.

Ngay trong khi ông Trump phát biểu, CDC cũng đang chuẩn bị đưa ra thông báo xác nhận 1 trường hợp đáng lo ngại: California xuất hiện 1 bệnh nhân dương tính với virus corona nhưng người này không hề có lịch sử đi lại tới Trung Quốc, cũng chưa từng tiếp xúc với các bệnh nhân đã được xác định. Đó là dấu hiệu của tình trạng lây lan trong cộng đồng.

Đêm hôm đó, tại California, những chi tiết cụ thể hơn bắt đầu xuất hiện. Người phụ nữ đã được chuyển đến đây từ 1 bệnh viện nhỏ nằm gần một trong những căn cứ quân sự tập trung nhiều người Mỹ đang được cách ly vì họ trở về từ Trung Quốc và Nhật Bản. Bà được chuyển đến sau khi đã được đặt ống thở, có nghĩa là bệnh tình đã nặng đến mức không thể tự thở. Và bệnh nhân này đã bị ốm nặng ít nhất 1 tuần nhưng không được chẩn đoán, do đó có thể lây bệnh cho các nhân viên y tế đã chăm sóc bà.

Để tìm kiếm những bệnh nhân khó phát hiện hơn như người phụ nữ ở California, hiện nước Mỹ vẫn đang dựa vào mạng lưới các phòng y tế cấp thành phố và cấp bang. Hôm 5/2, CDC cho biết sẽ gửi các bộ dụng cụ đến 200 phòng xét nghiệm trên toàn quốc để họ có thể xét nghiệm nhanh và chẩn đoán các ca nhiễm virus. Mạng lưới giám sát bệnh dịch vốn được sử dụng để kiểm soát cúm mùa cũng được kích hoạt.

Các bộ dụng cụ sẽ phân tích dịch lấy từ mũi và họng bệnh nhân để phát hiện các dấu hiệu gen của virus. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp các bộ dụng cụ mà CDC cung cấp không hoạt động hiệu quả. 3 tuần sau khi nhận được dụng cụ, chỉ khoảng 40 phòng xét nghiệm có thể sử dụng chúng.

Ngoài thành phố New York, hạt Miami-Dade của bang Florida cũng phàn nàn họ không có đủ dụng cụ và phải đợi 2 ngày mới có kết quả xét nghiệm thay vì 5-6 giờ, dù đây là hạt lớn nhất của bang và có 1 sân bay quốc tế lớn.

Đến tối qua, CDC đã cam kết sẽ mở rộng phạm vi rà soát. Theo tiêu chuẩn phân loại mới, bất kỳ ai có dấu hiệu ho sốt, khó thở và từng tới Trung Quốc, Iran, Italy, Nhật Bản và Hàn Quốc trong 14 ngày gần nhất sẽ phải được theo dõi sát sao. Áp dụng chính sách tương tự với những bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp nghiêm trọng, không rõ nguyên nhân.

"Tôi nghĩ rằng ở cấp liên bang việc kiểm soát dịch đã được xử lý không đủ mạnh. Tất cả mọi người tôi biết đều đang nói về chuyện đó, họ không hoảng sợ nhưng rất lo lắng", Art Caplan, giáo sư ngành đạo đức sinh học tại ĐH New York, nói.

Khủng hoảng virus corona manh nha ở Mỹ: Phố Wall lao dốc không phanh, nhiều bang phàn nàn không đủ dụng cụ xét nghiệm - Ảnh 2.

Thu Hương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên