Khủng long có thể còn sống trên các hành tinh khác?
Ảnh minh họa: iStock
Khủng long đã tuyệt chủng từ hơn 65 triệu năm trước đây ở Trái đất, nhưng các nhà khoa học cho rằng chúng có thể vẫn còn sống trên một số hành tinh khác.
- 20-11-2023Gỡ nút thắt cho các dự án đầu tư của Trung Quốc, Sri Lanka liệu có thoát khỏi tình thế khó khăn?
- 20-11-2023Ác mộng của Satya Nadella mang tên ChatGPT: Bơm hơn 13 tỷ USD nhưng bị 'vượt mặt', lo sợ đối thủ nẫng tay trên với Sam Altman
- 20-11-2023Thị trường cần chú ý 2 dữ liệu quan trọng sắp công bố: Liệu Fed có tăng lãi suất lần nữa trong năm nay và sức khỏe kinh tế Eurozone sẽ ra sao?
Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí “Thông cáo hàng tháng của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia”, các hành tinh ở xa Trái đất có thể đang là nơi cư trú của những loài giống như khủng long trên Trái đất. Không chỉ có vậy, con người có khả năng tìm thấy chúng.
Tác giả nghiên cứu Lisa Kaltenegger giải thích: “Dấu vết ánh sáng của Trái đất hiện đại là khuôn mẫu để chúng tôi xác định các hành tinh có khả năng sinh sống được. Nhưng đã có lúc dấu vết này rất rõ ràng, thể hiện rõ hơn các dấu hiệu sự sống”.
Theo nghiên cứu, các chuyên gia trên Trái đất có thể phát hiện sự sống như vậy bằng cách tìm kiếm các hợp chất không còn hiện diện trên hành tinh của chúng ta, nhưng đã tồn tại vào thời khủng long. Đó là bởi vì vào thời kỳ khủng long, Trái đất từng có lượng oxy cao hơn, khoảng 30%, cho phép các sinh vật phức tạp phát triển. Ngày nay, nồng độ oxy trên Trái đất đã chững lại ở mức 21%.
Họ cho rằng mức oxy cao 30% đó có thể là manh mối cho loại sự sống tồn tại trên một hành tinh xa xôi. Bên cạnh đó, các kính thiên văn đặc biệt có thể được huy động để phát hiện những yếu tố môi trường tương tự như những gì khủng long từng trải qua hàng triệu năm trước.
Các nhà khoa học có thể tập trung vào tìm kiếm manh mối rằng liệu một hành tinh có đang ở giai đoạn Phanerozoic hay không. Giai đoạn này sẽ cho phép hành tinh đó tồn tại các dạng sự sống lớn và phức tạp.
Nhà khoa học Rebecca Payne tại Đại học Cornell nói: “Giai đoạn Phanerozoic chỉ chiếm khoảng 12% lịch sử Trái đất, nhưng nó bao gồm gần như toàn bộ thời gian mà sự sống phức tạp hơn vi khuẩn và bọt biển”.
Do đó, điều này mang lại hy vọng rằng có thể tìm thấy dấu hiệu của sự sống – thậm chí cả sự sống lớn, phức tạp – ở những nơi khác trong vũ trụ.
Theo bà Kaltenegger, việc tìm kiếm các hành tinh có lượng oxy cao hơn có thể dẫn đến việc phát hiện ra các dạng sự sống thú vị, đồng thời giúp việc tìm kiếm khủng long trở nên dễ dàng hơn.
Nhà khoa học này hy vọng rằng chúng ta sẽ tìm thấy một số hành tinh có nhiều oxy hơn Trái đất ngay bây giờ. Và hơn thế, trên đó có thể có những con khủng long.
Báo Tin Tức